Quỹ BHXH phải được quản lý minh bạch và có lãi

07/11/2005 23:51 GMT+7

Lấy lý do nguy cơ “vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang kề cận, các nhà hoạch định chính sách dự kiến tăng mức đóng BHXH thêm 2% mỗi năm. Không phản đối chủ trương này nhưng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đòi hỏi cần phải công khai việc thu chi của quỹ BHXH, thậm chí đòi hỏi để những người nộp BHXH có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người đứng đầu quỹ trong trường hợp không đảm bảo cho quỹ hoạt động và sinh lãi.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) khẳng định: "Nếu theo lý lẽ thông thường thì hàng triệu người lao động (NLĐ) hiện nay đang là cổ đông của quỹ BHXH. Đã là cổ đông thì phải có quyền kiểm soát hoạt động thu chi của quỹ này, ít nhất là thông qua cơ quan liên đoàn lao động. Hằng quý, hằng năm phải báo cho cổ đông biết tiền của họ đã được sử dụng như thế nào, sinh lời bao nhiêu ? Tôi nghĩ nếu sinh lời dưới 2% là cổ đông có thể bỏ phiếu bãi nhiệm người đứng đầu quỹ này".

Có vẻ như nằm ngoài dự kiến của Ban soạn thảo, rất nhiều ĐBQH đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ quan điểm này. Bà Trần Kim Mai (Tiền Giang) nói: "Tôi chẳng hiểu ra thế nào khi mà các đồng chí nói rằng nguy cơ "vỡ quỹ" nhưng báo cáo kiểm toán cho thấy lương của cán bộ, nhân viên quỹ BHXH cao gấp 2,5 lần cán bộ, nhân viên trong các cơ quan hành chính sự nghiệp khác". Bà Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bức xúc: "NLĐ đóng tiền nhưng việc sử dụng quỹ, bảo quản quỹ như thế nào thì vai trò của cơ quan đại diện NLĐ quá mờ nhạt. Tôi nghe nói có tới 3% phần sinh lời của quỹ được sử dụng vào quản lý phí. NLĐ ta còn nghèo mà các "ngài" xài quản lý phí như thế tôi không đồng tình".


Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM)  (ảnh: TTXVN)

Đa số các ĐBQH yêu cầu được cung cấp đầy đủ về hoạt động của quỹ, căn cứ việc đóng và phương thức đóng trước khi quyết định có tăng mức đóng BHXH hay không. Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội Nguyễn Thị Hằng cho rằng, sở dĩ phải tăng mức đóng BHXH là vì dân số đang già đi, tỷ lệ người đóng - người hưởng (BHXH) đang giảm dần. Nếu như năm 1995, cứ 30 người đóng mới có 1 người hưởng thì hiện nay tỷ lệ này chỉ còn 19/1. Cũng theo bà Hằng, mức đóng 20% hiện tại dựa trên căn cứ là người về hưu qua đời sau 7-8 năm nhưng theo công bố mới nhất, tuổi thọ người VN đang ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2010 là 73 tuổi nên nguy cơ thu không đủ chi đang nhìn thấy rõ. Bộ trưởng Hằng cũng nói về 7 giải pháp để chống "vỡ quỹ" mà các cơ quan khác áp dụng. Ngoài việc tăng mức đóng (2010 lên 26%) còn các giải pháp như: yêu cầu mức sinh lời của quỹ phải dương so với trượt giá; giảm tối đa việc cho về hưu sớm; áp dụng các biện pháp khuyến khích nhiều NLĐ tham gia đóng BHXH...

Tuổi nghỉ hưu nên là bao nhiêu?

Không chỉ các ĐB nữ mà rất nhiều ĐB nam đề xuất không nên quy định đồng đều tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 mà nên chia ra quy định tuổi nghỉ hưu cho từng nhóm ngành, nghề. Sau khi phân tích rất khoa học về giới, ĐB Vũ Đình Ngọc (Đồng Tháp) quả quyết: "Nếu nói rằng về hưu sớm để không cản trở lớp trẻ, thế cán bộ nam có cản trở không ? Tôi đề nghị quy định tuổi 55 chỉ là chung thôi, nhóm chị em có trình độ, năng lực, có nguyện vọng làm việc thì vẫn nên làm việc đến 60 như nam giới". ĐB Đặng Ngọc Tùng nói: "Đối với những người làm khoa học, người làm việc trí óc, làm quản lý thì tuổi có khả năng cống hiến cao nhất là từ 50-60 tuổi... Hơn nữa, theo công bố tuổi thọ bình quân của người Việt đã tăng lên 71,29, trong đó tuổi thọ của nữ là 73". Cũng theo ông Tùng thì việc kéo dài tuổi làm việc ở nữ cán bộ, công chức là một cách để làm bền vững quỹ BHXH.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.