Chơi súng ở Yemen

09/03/2014 09:00 GMT+7

Ở lễ trao giải Oscar mấy ngày trước, bộ phim tư liệu Karama has no walls không dành tượng vàng, nhưng đã gây ấn tượng mạnh với những thước phim quay lại diễn biến khi độc tài Saleh nổ súng giết chết 52 người biểu tình trên đường phố Sanaa. Yemen đã làm bao người ngỡ ngàng.

 Một góc phố ở Yemen - Ảnh: Nguyễn Phương Mai
Một góc phố ở Yemen - Ảnh: Nguyễn Phương Mai

Nhiều người băn khoăn với câu hỏi: Tại sao mảnh đất tưởng chỉ có vũ khí và bạo lực này lại sản sinh ra không những một đề cử điện ảnh cao quý mà còn là một phụ nữ kiệt xuất với giải Nobel Hòa bình danh giá: Người Ả Rập đầu tiên và là người nhận giải hòa bình trẻ nhất trong lịch sử - Tawakkul Karman, 32 tuổi?

Bữa tối kiểu gangster

 

Từ gần 1.400 năm trước, một nhân vật khiến cả thế giới Hồi giáo phải cúi đầu im lặng lắng nghe, thiên sứ Muhammad, đã nói rằng: “Trí khôn thuộc về người Yemen!”

Tôi mừng như bắt được vàng khi được giới thiệu làm quen với Tariq, ông trùm truyền thông của Yemen. Anh nhiệt tình lái xe đưa tôi đi một vòng quanh thành phố nơi các tòa nhà bị ném bom tơi tả trong Mùa xuân Ả Rập.

Tariq là người thân cận với Saleh, bản thân anh cũng bị trọng thương khi đứng gần Saleh trong cuộc ám sát hụt nhà độc tài năm 2011. Khi anh vạch áo cho xem vết sẹo, tôi suýt đứng tim khi thấy một khẩu súng ngắn giắt gọn gàng sau thắt lưng. Tariq bắt gặp ánh nhìn của tôi thì cười lớn và chỉ về phía đằng sau nơi một chiếc Land Cruiser vẫn lặng lẽ bám theo chúng tôi từ lúc nào. Khi xe dừng trước một nhà hàng Nhật, tôi cảm thấy hệt như đang trong một bộ phim gangster khi vừa bước chân ra khỏi xe thì thấy những vệ sĩ của Tariq đã tỏa ra khắp nơi, mỗi người chiếm cứ một vị trí, ai cũng được trang bị vũ khí đến tận răng.

Sau bữa tối đãi người từ xa đến đúng theo truyền thống hiếu khách của Ả Rập, chúng tôi trở về nhà riêng của Tariq tán gẫu cùng bạn bè. Từ phía sau quầy bar nối với phòng khách, Tariq xuất hiện, một tay cầm ly cocktail một tay cầm khẩu AK47 của Nga. Khi tôi giơ tay đón ly cocktail thì anh lại gí vào tay tôi khẩu súng nặng trịch, nói nửa đùa nửa thật: “Mai có biết sử dụng cái đồ chơi này không? Tôi bị ám sát hụt nhiều lần rồi nên cứ cẩn thận là hơn”.

Một phần tất yếu của cuộc sống

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến Yemen có lẽ là số lượng vũ khí khổng lồ mà những người đàn ông ở đây sở hữu. Trẻ con ở Yemen có thể hỉ mũi vào đống súng nhựa “made in China” vì nhà đứa nào chẳng có vài khẩu AK thật để thỏa mãn trí tò mò. Tôi từng hết hồn khi thấy hai cậu bé chừng 12 tuổi lia hàng chục phát đạn lên trời. Nhìn thấy tôi, chúng toét miệng cười và giơ hai ngón tay hình chữ V.

Tại Jihana, chợ bán vũ khí nổi tiếng nhất của Yemen, vô số loại súng ống đạn dược được bày bán như hoa quả ngoài đường, kể cả súng chống tăng và những khẩu “Libyan” đen mà chỉ có quân đội của chế độ Gaddafi cũ mới được trang bị. Nếu không tính phụ nữ và trẻ con, mỗi người đàn ông Yemen trữ trong nhà hoặc giắt quanh bụng cả thảy 10 khẩu súng các loại! Đấy là chưa kể những con dao quắm (janbiyah) luôn đeo trước ngực là một phần không thể tách rời của trang phục truyền thống Yemen. Bạn tôi so sánh: “Thì cũng như cái cà vạt mà thôi. Đàn ông nước cô đeo cà vạt thì đàn ông Yemen đeo súng và janbiyah”.

Súng và dao quắm là biểu hiện của vị trí xã hội và danh tiếng. Một cậu bé phải đeo con dao nhựa để bộ quần áo truyền thống của mình được trọn vẹn. Nhiều ông bố nghe tin vợ đẻ con trai là hộc tốc chạy ra chợ mua một... khẩu súng (xịn) làm quà cho bé mới chào đời. 

 Bộ trang phục của những người đàn ông Yemen, kể cả những cậu bé không bao giờ thiếu con dao quắm truyền thống
Bộ trang phục của những người đàn ông Yemen, kể cả những cậu bé không bao giờ thiếu con dao quắm truyền thống

Nền văn hóa súng ống này là hậu quả của lịch sử nơi Yemen là bãi chiến trường cho các ông lớn choảng nhau. Khi Yemen còn thuộc về đế chế Hồi giáo khổng lồ Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), quân Anh chuyển vào đây một số lượng vũ khí lớn để đánh bật Ottoman khỏi bán đảo Ả Rập. Quân Anh rút đi thì chính quyền miền nam Yemen kết thân với Liên Xô và nhận thêm cơ man nào là vũ khí để đánh nhau với chính quyền miền bắc lúc đó tất nhiên là được Mỹ và Saudi chống lưng với một lượng súng ống không hề thua kém. 

Vũ khí không đi kèm bạo lực

Đọc đến đây chắc tóc gáy nhiều người dựng lên vì sợ. Dân Yemen thì ngược lại, cảm thấy rất an tâm khi trong nhà cả đàn bà lẫn trẻ con cũng có thể kéo cò. Năm 2013, báo cáo của tổ chức Yemen Polling Center khiến ai cũng có thể ngã ngửa vì tổng kết 48% dân Yemen tự nhận là cuộc sống của mình luôn luôn an toàn.

Phải chăng là người Yemen đã quá quen với cuộc sống bấp bênh nên “chẳng có an ninh thì cũng chẳng thành vấn đề”?

Không hề! Sự sai lầm của phần lớn chúng ta là nhận xét về Yemen qua lăng kính văn hóa của chính mình. Dù chiến tranh bên ngoài có tàn khốc đến đâu, nhưng nếu các nguyên tắc ứng xử được gìn giữ từ ngàn đời này trong cuộc sống bộ lạc không bị tổn thương thì người Yemen vẫn cảm thấy bình an. 

Lấy ví dụ, các vụ bắt cóc khiến chúng ta nghe là đã hình dung ra cảnh tượng man rợ. Nhưng ở Yemen đây được coi như một cách để giải quyết mâu thuẫn bộ lạc rất bình thường. Con tin được đối đãi trọng vọng để không làm tổn thương đến danh tiếng của... kẻ đi bắt cóc. Trong khi đó, các tù trưởng bộ lạc (shaykh) thường tổ chức nhiều buổi thương thảo nơi người của hai phe tranh chấp ngồi quanh các bàn hút shisha, nhai lá qat phồng cả má, giữa các vấn đề cần bàn luận lại xôn xao chêm vào các câu chuyện chính trị cũng như nhà nông. Giống như kiểu “phép vua thua lệ làng” ở Việt Nam, nơi cuộc sống làng xã được bảo tồn với hệ thống luật pháp không chính danh nhưng mạnh mẽ và quyền năng hơn cả chế tài của nhà nước.

Hồi tháng 2.2012, một ngày sau cuộc bầu cử ở Yemen, may mắn từ trên trời rơi xuống khiến tôi có dịp được gặp Jamal bin Omar - đại diện tối cao của Liên Hiệp Quốc, người điều hành toàn bộ quá trình đàm phán và chuyển giao quyền lực tại Yemen (không có nhà báo nào có cơ hội được phỏng vấn Omar trong suốt quá trình bầu cử). Người hùng của Yemen nhìn mệt mỏi nhưng hạnh phúc.

Theo lời thư ký của ông, Cathy, quá trình đàm phán liên tục rơi vào thế vô vọng. Từng có lúc một thánh đường Hồi giáo liên tục gọi tên ông suốt đêm với lời cầu nguyện để ông có thể giúp cho một Yemen hòa bình. Cathy cho rằng với một nền văn hóa súng ống dao găm như Yemen, không ai có thể hiểu nổi tại sao Mùa xuân Ả Rập lại có thể thành công với tối thiểu thương vong. 60 triệu đơn vị vũ khí trong tay, nhưng những người Yemen lại buộc một dải lụa màu hồng lên đầu để xuống đường biểu tình. Có một điều gì đó rất đặc biệt trong

tính cách người Yemen, một sự dịu thuần mà du khách phải ở lại lâu mới có thể nhận ra, mới có thể hiểu rằng đối với người Yemen, vũ khí không nhất thiết đi liền với bạo lực.

Yemen là một quốc gia lạ kỳ bởi những thông số của quốc gia ấy khiến lý trí phải đánh vật với một thực tế không dễ chuẩn khớp. Tạo sao? Có lẽ bởi từ gần 1.400 năm trước, một nhân vật khiến cả thế giới Hồi giáo phải cúi đầu im lặng lắng nghe, thiên sứ Muhammad, đã nói rằng: “Trí khôn thuộc về người Yemen!”.

Ủy ban Nobel của Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2011 cho ba nhân vật nữ trong đó có Tawakkul Karman, người đóng vai trò hàng đầu trong cuộc đấu tranh đòi quyền của phụ nữ, dân chủ và hòa bình ở Yemen. Hai phụ nữ còn lại là Ellen Johnson Sirleaf, nữ tổng thống dân cử đầu tiên của châu Phi ở Liberia và Leymah Gbowee là người đã huy động và tổ chức các phụ nữ thuộc mọi sắc tộc và tôn giáo để chấm dứt cuộc chiến kéo dài ở Liberia, và đảm bảo phụ nữ tham gia vào tiến trình bầu cử.

Nguyễn Phương Mai (*)

(*) Tác giả Nguyễn Phương Mai là tiến sĩ, giảng viên ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), cô đã dành 9 tháng đi dọc các nước khu vực Trung Đông để hoàn thành cuốn sách của mình có tựa đề Con đường Hồi giáo, dự kiến sẽ ra mắt trung tuần tháng 3 này ở Việt Nam.

>> Hai vụ tấn công nhắm vào đại sứ quán Pháp ở Yemen
>> Al-Qaeda xin lỗi về vụ tấn công khủng bố Bộ Quốc phòng Yemen
>> Một nhà ngoại giao Nhật bị tấn công ở Yemen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.