Hạ viện Mỹ tiếp tục thảo luận dự luật về PNTR đối với Việt Nam

07/12/2006 15:45 GMT+7

Ngày 6/12, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ đã chính thức đưa dự luật về Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam vào chương trình nghị sự làm việc của Hạ viện.

Vấn đề PNTR với Việt Nam đã được gộp trong dự luật cả gói mang mã số H.R. 6346, gồm 6 nội dung lớn là dự luật gia hạn thêm 2 năm cơ chế "hệ thống ưu đãi chung"; dự luật về cơ hội và phát triển của châu Phi; dự luật về cơ hội của khu vực Tây bán cầu Haiiti thông qua chương trình khuyến khích đối tác; dự luật cầu nối khu vực Andean với một đối tác thương mại có đi có lại; dự luật về quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam và dự luật về các biện pháp trừng phạt thương mại và kỹ thuật.

Với việc gộp chung vào một gói này, Hạ viện Mỹ sẽ thảo luận và bỏ phiếu thông qua cùng một lượt tất cả các vấn đề lớn trên đây, dự định sẽ diễn ra trong tuần này .

Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện xác định việc thiết lập quy chế PNTR với Việt Nam là một mốc có ý nghĩa trong nỗ lực hàn gắn vết thương của một trong những cuộc xung đột gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ, việc gia nhập WTO sẽ là chất xúc tác cho các cuộc cải cách kinh tế và chính trị tiếp theo của Việt Nam; việc Việt Nam sẽ chính thức gia nhập WTO trong tháng 12 này mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp, cho nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ. Do vậy nếu PNTR không được thông qua trước khi Việt Nam gia nhập WTO thì Mỹ sẽ không thể khai thác hết được nhiều cam kết của Việt Nam với tư cách là một thành viên.

Dự luật này cần được Hạ viên gồm 435 thành viên thông qua với đa số phiếu. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Mỹ vẫn có thể phản đối vì lo ngại làm ảnh hưởng đến các công ty dệt may Mỹ. Trong những ngày họp cuối cùng tuần này của Quốc hội cũ khóa 109, nếu các nghị sỹ Mỹ ở Thượng viện và Hạ viện nhất trí được với nhau về một số các vấn đề (trong đó có việc các văn bản của các dự luật của Thượng viện và Hạ viện về cùng một vấn đề phải có nội dung giống nhau hoặc gần giống nhau, có cùng các thủ tục pháp lý như nhau) thì mới gộp chung vào một dự cả gói để thông qua. Nếu không đạt được sự nhất trí chung của đa số, thì nhiều khả năng tất cả các dự luật về thương mại sẽ bị gác lại và chuyển cho Quốc hội khóa 11 xem xét và giải quyết.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.