Nghề chở hàng bằng xe ngựa ‘mui trần’ độc nhất ở miền Tây

20/06/2021 08:15 GMT+7

Xe ngựa từng là phương tiện được đồng bào Khmer ở vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) sử dụng phổ biến vào thế kỷ trước. Hiện nay, nơi đây chỉ còn sót lại mấy cỗ xe ngựa với kiểu dáng thô sơ, không tay vịn; chủ yếu dùng để chuyên chở hàng hóa trong vùng.

Phương tiện đặc trưng vùng Thất Sơn

Theo những bậc cao niên tại đây, nghề đánh xe ngựa xuất phát từ người Khmer vào thế kỷ 19 có tại 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (tỉnh An Giang). Khi ấy vùng đất này còn hoang sơ, ít phương tiện đi lại. Do thiếu xe cộ khiến người dân đã dùng gia súc như trâu, bò và ngựa để chở người và hàng hóa. Dần dà thói quen ấy đã hình thành nên nghề đánh xe bò, xe ngựa cho tới tận ngày nay.

Xe ngựa ở Thất Sơn đã tồn tại qua hai thế kỷ

Minh Chơn

Nếu xe bò thường dùng để chở lúa thóc vì bò tải được hàng hóa nặng hơn một tấn và đi được đường sình lầy thì xe ngựa lại được sử dụng làm phương tiện đi lại, vận chuyển rau quả từ khắp các nơi trong núi, trên ruộng về phum, sóc ra chợ bán do ngựa chạy nhanh, không nhát người hay xe cộ.
Khác với xe ngựa ở Tiền Giang, Bến Tre, xe ngựa ở Thất Sơn rất thô sơ, không có mui hay thùng cây mà chỉ có mui trần gọn nhẹ. Tuy đơn sơ nhưng những chú ngựa ở đây rất khỏe và chịu cực giỏi. Chở 5,6 người hay kéo cả nửa tấn hàng hóa nhưng ngựa ta vẫn chạy lộc cộc song song với xe cơ giới hoặc bon chen trên đường đất đá lởm chởm, địa hình gồ ghề.

So với xe bò, xe ngựa được sử dụng nhiều hơn do ngựa chạy nhanh hơn, di chuyển được nhiều dạng địa hình từ đường nhựa, bê tông tới địa hình gồ ghề, đá lởm chởm

Minh Chơn

Được biết, cánh phu xe ngựa đa phần là nam giới, không phân biệt độ tuổi miễn có đủ bản lĩnh cầm cương ngựa đều có thể theo nghề. Để ngựa có thể thồ hàng, người chủ phải biết cách nài ngựa (điều khiển ngựa - PV), khi mua ngựa về người ta sẽ cho tập đeo gông, huấn luyện kéo xe, chở đồ. Sau đó, chỉ cần gắn dây cương vào, lên xe ngồi giật dây, điều khiển, ngựa sẽ đi theo ý mình. Dây cương là sợi dây thừng nhập thành hai cọng tượng trưng cho bên trái và bên phải. Muốn ngựa rẽ hướng nào chỉ cần giật dây hướng đó, giật dây hai lần có nghĩa đứng lại.
“Điều khiển được ngựa di chuyển theo ý mình rất khó, lúc mới vào nghề tôi cũng bị té từ xe ngựa xuống hoài hà nhưng mình phải nhẫn nại và tập mỗi ngày một chút để ngựa thích nghi dần với việc chở hàng. Ngựa kéo xe không phân biệt đực hay cái, từ một năm tuổi trở lên đã kéo được, tuy nhiên ngựa đực khó huấn luyện hơn vì chúng khá “cứng đầu” nhưng bù lại thể lực nó tốt, kéo được nhiều đồ hơn ngựa cái”, anh Nonl Văn Noal, một phu xe chia sẻ.

Thưa dần tiếng lộc cộc của xe ngựa

Từ ngày các phương tiện xe cộ hiện đại xuất hiện, bóng dáng cỗ xe ngựa cũng thưa dần. Hơn nửa đời người gắn bó với nghề cầm cương, đến nay ông Chau Da không khỏi xót xa khi hơn 200 cỗ xe ngựa tung hoành ngang dọc giờ chỉ còn chừng 10 chiếc, tập trung nhiều nhất ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Dù không còn thịnh hành nhưng một số phu xe như ông Da vẫn cố bám trụ với nghề, họ xem đây là công việc mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình nên bất kể trời mưa hay nắng, họ vẫn đều đặn ra bến đợi khách.

Anh Chau Ya một phu xe gắn bó với nghề đánh xe ngựa được 15 năm

Minh Chơn

“Lúc trước đánh xe ngựa đắt khách lắm ngày nào ế ẩm lắm cũng chạy được cả chục cuốc xe. Kiếm được tiền nhiều đến nổi tôi để ruộng vườn lại cho vợ con canh tác, còn mình tập trung lái xe ngựa. Nhưng nghề nào cũng có lúc thịnh rồi phải suy, bây giờ chở được 2,3 chuyến hàng trong ngày là mừng rồi. Một chuyến tôi nhận tiền công 100.000 đồng”, ông Chau Ya rầu rĩ nói.
Còn anh Chau Soc Tha bày tỏ, công việc đánh xe ngựa cực ở chỗ, phải khuân vác hàng lên xuống cho khách, dù nắng hay mưa vẫn đi. Song đổi lại, đây là nghề dễ sống, thu nhập ổn định, đủ để bà con chăm lo gia đình, sửa sang nhà cửa. “Tôi mua con ngựa này giá 20 triệu, tương đương chiếc xe máy, nhưng mà tôi thấy mua con ngựa sẽ lời hơn. Nuôi không tốn xăng, mà còn làm ra tiền mỗi ngày để mình trang trải cuộc sống, lo con đi học”, anh Soc Tha nói.
Cứ một chuyến như vậy, anh kiếm được tầm 100-150 ngàn đồng. Tùy vào ngày chở ít hay nhiều, anh có thể bỏ túi từ 300-500 ngàn/ngày nhưng có ngày không có đồng nào vì không ai thuê chở hàng. Thế nên phu xe nào có ruộng vườn đều phải sản xuất thêm mới đủ xoay sở cuộc sống.

Có thể phát triển du lịch

Thu nhập ít dần là nguyên nhân khiến nhiều người bỏ nghề, họ “đầu hàng” vì không chịu nổi cảnh hết thời của nghề cầm cương ngựa. Chỉ còn vài người cố gắng bám trụ vì 2 chữ “nặng nợ”. Thỉnh thoảng vào dịp lễ hội hay Tết, có du khách phương xa đến chơi họ vẫn hay thuê xe ngựa chở đi một đoạn vài cây số tham quan. Thậm chí, nhiều khách hàng “chịu chơi” còn thuê hẳn xe ngựa để rước dâu đám cưới.

Ngựa từ 2 năm tuổi đã có thể kéo xe. Khi mua ngựa về người ta sẽ cho tập đeo gông, huấn luyện kéo xe, chở đồ

Minh Chơn

Ấy là những dịp đặc biệt, quay về ngày bình thường xe ngựa lại trở về đúng “bổn phận” thồ hàng còn những người như ông Chau Ya, anh Sok Tha lại tiếp tục lo âu. Họ chỉ lo nghề này rồi cũng sẽ mai một dần theo thời gian, để hình ảnh những chiếc xe ngựa lộc cộc trên đường chỉ còn trong hoài niệm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.