Cuối năm, VN-Index ở mức nào?

26/10/2008 22:34 GMT+7

Nhiều tổ chức trong và ngoài nước vừa điều chỉnh các dự báo về chỉ số VN-Index đến cuối năm nay.

Lạc quan hơn về kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo mới nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC), tình hình kinh tế Việt Nam đã lạc quan hơn, nhất là lĩnh vực ngân hàng. Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong quý 3 tiếp tục chậm lại, chỉ đạt 6,5% nhưng đây là điều cần thiết để điều chỉnh mức tăng quá nóng trước đây. Các ngành sản xuất, dịch vụ, thương mại... đang tiếp tục yếu đi, đặc biệt là ngành xây dựng đang xuống dốc. Tuy nhiên ngành nông nghiệp đang phát triển tốt giúp giảm nhiệt giá lương thực. Báo cáo của HSBC cũng ghi nhận những dấu hiệu tốt về chính sách kinh tế vĩ mô như thâm hụt thương mại đang dần bình ổn, lạm phát đã qua đỉnh.

Từ ghi nhận thực tế sau chuyến đi Việt Nam, nhóm phân tích này cho rằng chống lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, lạm phát giảm cho thấy lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ giảm trong trung hạn. Nhóm này cũng ghi nhận cùng với sự trở lại của người gửi tiền và sự quan tâm của chính phủ, thời kỳ khó khăn nhất của hệ thống ngân hàng đã qua.

Trong bản báo cáo quý 3, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định kinh tế vĩ mô đã bắt đầu nhìn thấy những kết quả được phát huy từ các chính sách và giải pháp ổn định vĩ mô của Chính phủ. Đó là lạm phát về cơ bản đã được kiềm chế, thâm hụt thương mại giảm mạnh, cán cân thanh toán và tỷ giá ổn định. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, vấn đề trọng tâm của Việt Nam trong quý cuối cùng của năm sẽ là câu chuyện tăng trưởng. Bản báo cáo của BVSC nêu rõ: "Có lẽ không cần phải nỗ lực nhiều, lạm phát năm 2009 sẽ không còn là mối lo chính của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát năm 2009 có thể đạt dưới 12%. Vấn đề chính có lẽ sẽ là bài toán tăng trưởng, cụ thể là các chính sách thúc đẩy tổng cầu trong giai đoạn tới". Nhìn chung, hầu hết các báo cáo này đều cho rằng kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất.

VN-Index sẽ ở mức 450 điểm?

Theo HSBC, với tâm lý còn lo ngại những rủi ro trên thị trường quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó quan tâm nhiều đến TTCK Việt Nam. Tuy nhiên họ sẽ không rút vốn ra khỏi thị trường vì hầu hết nguồn đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam là các quỹ đóng. Từ các phân tích của mình, HSBC dự báo VN-Index sẽ đạt mức 450 điểm cho đến cuối năm và tăng lên 550 điểm vào cuối năm 2009. Mức dự báo mới này của HSBC tăng hơn so với dự báo đưa ra trước đây là VN-Index chỉ đạt 400 điểm vào cuối năm nay.

BVSC thì dự đoán VN-Index sẽ ổn định ở mức 460 điểm vào thời điểm cuối năm 2008. Trong trường hợp tích cực, chỉ số này sẽ đạt 540 điểm và trong trường hợp tiêu cực, VN-Index chỉ ở mức 417 điểm. Dựa trên giá thị trường ngày 9.10, BVSC cho rằng chỉ số P/E chung toàn thị trường Việt Nam cuối năm 2008 là 10,74 (tương đương mức bình quân của P/E trong khu vực là 10,68). Bên cạnh đó, 20 công ty có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh tốt trong năm 2008 và có mức độ tăng trưởng EPS (thu nhập trên cổ phiếu) khoảng 10 - 15% trong năm 2009. Mức dự báo mới về VN-Index của BVSC đã được điều chỉnh giảm so với dự báo đưa ra vào tháng 6 vừa qua (VN-Index sẽ đạt 550 - 600 điểm). Lý do là TTCK thế giới đã có những biến động khá tiêu cực vừa qua, mức dao động của các chỉ số rất lớn (từ cuối tháng 6 đến nay, các chỉ số chứng khoán chính của thế giới như Dow Jones, FTSE 100, MSCI World Index và MSCI Emerging Index đã giảm khoảng 30%).

Công ty chứng khoán FPT (FPTS) dự đoán VN-Index cuối năm sẽ dao động theo 3 kịch bản khác nhau. Thứ nhất là kịch bản hồi phục với việc VN-Index tăng trưởng trong khoảng 550 - 650 điểm nếu thị trường được củng cố bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước cũng như thị trường tài chính thế giới dần lấy lại sự bình ổn. Kịch bản thứ hai - cũng được FPTS lựa chọn - là VN-Index được kỳ vọng về đích cuối năm ở mức 420 - 550 điểm. Đây là kịch bản mà thị trường đón nhận những thông tin kinh tế khả quan như lãi suất ngân hàng tiếp tục được cắt giảm, chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết tốt... và thị trường tài chính thế giới không có dấu hiệu xấu hơn. Kịch bản cuối cùng là suy giảm và VN-Index sẽ rớt và cuối năm về mức trong khoảng 340 - 400 điểm. Kịch bản xấu này được đặt ra nếu thị trường tài chính thế giới tiếp tục đối mặt với những đổ vỡ to lớn trong các hệ thống ngân hàng và sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Những cú sốc đó sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước như những biểu hiện trong thời gian vừa qua. Mặc dù trong suốt tuần giao dịch từ ngày 20 - 24.10, TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục giảm điểm nhưng theo nhiều chuyên gia chứng khoán, thị trường sẽ có những phiên hồi phục từ nay đến cuối năm.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.