San sẻ nỗi đau Yên Bái

10/10/2005 22:00 GMT+7

Lần đầu tiên em chạm vào xác chết, tay run run, tiếng nước vẫn réo ồ ồ, hôm đầu thấy sợ không dám ăn cơm. Có người vừa chiều hôm trước mình còn gặp ngoài đường, vậy mà nay đã về nơi chín suối”, Trần Mạnh Cường, một thanh niên tình nguyện (TNTN) đau xót kể về hôm đầu hoạt động tình nguyện tại vùng tâm lũ quét Ba Khe (Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái…

Ngay sau khi nhận được tin cơn lũ quét tràn về cuốn đi tài sản cuối cùng của người dân Cát Thịnh, những bóng áo xanh tình nguyện đã vượt qua 50 km đường rừng đang sạt lở tiến vào "vùng đất chết". Anh Vũ Chí Lam, từ TP Yên Bái cùng với hàng chục thanh niên khác lên đường ngay sáng 28/9, khi mà cơn lũ vừa quét qua vài tiếng đồng hồ. Cầu sập, đường sạt, cả nửa quả đồi chắn lối, đội TNTN chỉ còn cách đi bộ. Còn hơn 10 km mới đến Ba Khe. Mưa trơn, đất đá vẫn lở ào ào, đoạn nào có đường còn đỡ, có những đoạn đường lở quá nguy hiểm phải trèo hẳn lên đỉnh đồi bám cây vòng qua mới có thể đi tiếp. Bê bết bùn đất, mưa đổ xuống bất ngờ, quần áo trong ba lô ướt nhoét, những TNTN đến chiều mới vào được nơi tập kết để tổ chức anh em đoàn viên trong xã bắt tay vào việc.

4 ngày sau lũ, Vũ Chí Lam chỉ vào chiếc áo tình nguyện đầy bùn không còn thấy được màu xanh, giọng trầm buồn: "Anh em vào đây bốn ngày mà chưa thay quần áo. Nước trên khe núi đục ngầu toàn bùn đất, thôi đành nhịn để về thành phố tắm luôn thể. Khổ thì đã đành nhưng những khó khăn của anh em có ăn thua gì so với cảnh bà con ở đây. Hôm chúng tôi vào, mọi thứ tan hoang khủng khiếp". Ngay sau lũ, hơn 200 TNTN vào các xã trong huyện khẩn trương vào việc. Mỗi nhóm 5 người ở cùng nhà dân, ăn mì tôm triền miên đã hơn chục bữa, khi xót ruột quá thì đi mót rau mùng tơi, rau ngót ở bờ rào về nấu cùng mì tôm. Đường tắc hoàn toàn nên tìm không ra gạo.

Ngừng xẻng xúc đất, Hứa Văn Giáp, Bí thư xã đoàn Cát Thịnh cất giọng chắc nịch của chàng trai miền núi: "Có những khi cao điểm, công trường có tới 200 người làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Công việc chủ yếu của TNTN là giúp dân dọn dẹp bùn đất, thu dọn đường sá, chống đỡ, dựng lại nhà cửa cho bà con. Chỉ tính riêng ở Bà Khe, đã có tới 300m3 đất đá được dọn dẹp, hơn 170 hộ dân được thanh niên giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai". Chuyện ăn ở nơi tình nguyện khó khăn gian khổ đã đành, dù sao điều này cũng đã được trải nghiệm qua công trường Tà Si Láng (Trạm Tấu, Yên Bái) nhưng giờ đây, có một chuyện mà họ chưa bao giờ trải qua và chắc rằng không ai trong số họ muốn thêm một lần phải làm việc đó: việc khâm liệm cho người xấu số.

Dương Ngọc Lân, một thanh niên cũng ở xã Cát Thịnh, nhà cách Ba Khe hơn 1 km, cũng mất hết hoa màu. Ngày ngày cậu xuống giúp bà con khắc phục hậu quả sau lũ. Lân nhớ lại: "Hôm chúng mình xuống, cả khu vực này tan hoang, các chiến sĩ bộ đội tìm thấy xác đưa lên, chưa có thân nhân nhận mặt. Trong thời gian chờ đợi người nhà đến, chúng mình tắm rửa cho các tử thi". Chàng trai mới 17 tuổi Triệu Như Tuyển cũng là người trực tiếp thay áo, tắm rửa cho những thi thể bầm dập kể về kỉ niệm đau thương này: "Nhiều xác không còn nguyên vẹn, có những xác đến trưa hôm sau mới đưa lên được nên đã bắt đầu có mùi khó chịu. Hôm đầu tiên chạm vào xác em rất sợ, về nhà ăn cơm không thấy ngon. Thỉnh thoảng lại có người chạy đến báo mới vớt được thêm một xác người, lòng mình lại nhói lên, mấy bạn gái ở đây ai cũng khóc đỏ hoe cả mắt".

Sang Bằng Giã (Hạ Hòa, Phú Thọ), cảnh tang thương cũng diễn ra hết sức kinh hoàng. Cả một con tàu hơn sáu chục tấn mắc cạn trên bờ tre, hàng chục ki-lô-mét đường lầy lội đang được hàng trăm thanh niên dọn dẹp. Những trường học, trụ sở hôm qua lưng lưng nước nay phủ đầy rong rêu đang được khẩn trương thu dọn để các em học sinh tiếp tục đến trường...

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.