Bạo động rung chuyển Belarus

20/12/2010 22:02 GMT+7

* Ứng viên đối lập bị bắt cóc Thủ đô Minsk của Belarus hôm qua chìm trong hỗn loạn và bạo lực khi hàng chục ngàn người biểu tình phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử.

Các hãng tin Nga hôm qua dẫn thông báo của Ủy ban Bầu cử Belarus cho biết ông Lukashenko tiếp tục giữ nhiệm kỳ thứ tư sau cuộc bầu cử hôm 19.12 khi giành được 79,67% tổng số phiếu được kiểm. Ủy ban này cũng cho biết hơn 90% cử tri đã đi bỏ phiếu bất chấp thời tiết giá lạnh.

Cáo buộc gian lận

Theo AP, trước cuộc bầu cử đã có những dấu hiệu cho thấy có vẻ như không khí chính trị “khó thở” lâu nay sẽ thay đổi ở Belarus. Không chỉ có đến 9 ứng viên ra thách thức đương kim tổng thống mà họ còn được tiếp cận các phương tiện truyền thông của nhà nước để thực hiện những cuộc tranh luận và vận động.

Tuy nhiên, theo BBC, nhiều người Belarus cho rằng kết quả đã được định đoạt trước và sự cởi mở nói trên chỉ là “làm màu”. Phản đối bùng nổ ngay cả trước khi kế hoạch kiểm phiếu sơ bộ được công bố và sau khi có con số chính thức thì cả 9 ứng viên nói trên đều cáo buộc có gian lận. Người có tỷ lệ phiếu bầu cao thứ 2 sau Tổng thống Lukashenko là ông Andrei Sannikov chỉ nhận vỏn vẹn 2,5% số phiếu, AP dẫn kết quả chính thức cho hay.

Từ tối 19.12 đến sáng qua, hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình tại trung tâm thủ đô Minsk. Theo AFP, 5 trong số 9 ứng viên đối lập đứng diễn thuyết trước đám đông, lên án cuộc bầu cử trong khi người nghe phất cờ Belarus và cờ EU, hô những câu chống ông Lukashenko. Một số người toan tính xông vào các cơ quan chính phủ nhưng bị lực lượng chống bạo động chặn lại. Sau đó, đám đông cuồng nộ tiến đến tòa nhà chính của chính phủ, cũng là nơi đặt trụ sở ủy ban bầu cử, đập vỡ cửa kính và cửa ra vào. Ngay lập tức, hàng trăm cảnh sát chống bạo động tăng cường và lực lượng của Bộ Nội vụ ập đến. Các nhân viên công lực tạo thành một rào chắn vững chắc để không cho người biểu tình tiến lên và theo lời giới phóng viên quốc tế thì cảnh sát dùng dùi cui quất thẳng cánh vào đám đông.

Thủ lĩnh đối lập Vladimir Neklyayev được đưa đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não nặng. Theo AP, sáng qua, một nhóm người lạ mặt, mặc đồ dân sự ập vào bệnh viện, dùng mền quấn ông này lại và đưa đi. Hiện không rõ ông đang ở đâu. Ngoài ông Neklyayev, 6 ứng viên đối lập khác đã bị cảnh sát bắt, AFP dẫn lời đại diện của họ cho hay.

“Độc chiêu” sân băng

Theo AFP, người biểu tình lúc đầu tập trung tại Quảng trường Tháng 10. Tuy nhiên, phần lớn khu vực này đã bị chính quyền đổ nước ngập để hình thành một sân băng khổng lồ. Vì vậy đám đông quyết định kéo đến Quảng trường Độc lập, nơi đặt tòa nhà chính của chính phủ. “Sáng kiến” làm sân băng đã hạn chế đáng kể quy mô của cuộc biểu tình.

Bộ Nội vụ Belarus buộc tội những người ủng hộ phe đối lập, đặc biệt là ông Neklyayev, đã gây ra các vụ bạo lực. Cảnh sát cho biết hàng trăm người bị bắt giữ và 2 xe chở hung khí và chất nổ đã bị thu giữ.

Số người tham gia cuộc biểu tình lần này đông hơn hồi năm 2006. Năm đó, theo CNN, các lực lượng an ninh cũng đã mạnh tay trấn áp những người phản đối sau bầu cử vì lo sợ nguy cơ xảy ra một cuộc cách mạng màu ở Belarus như Cách mạng cam tại Ukraine và Cách mạng hoa tulip ở Kyrgyzstan.

Vụ việc hôm 19.12 đã gây nhiều ngờ vực về tình hình sắp tới ở Belarus. Tổng thống Lukashenko một lần nữa giữ được quyền lực nhưng theo giới quan sát, sự ổn định đang mất dần. Mặt khác, vốn có vị thế là vùng đệm giữa Nga và EU, Belarus đều được cả hai bên ra sức lôi kéo. Thời gian gần đây, ông Lukashenko có khuynh hướng nghiêng về EU hơn Moscow và các động thái cởi mở trước bầu cử được đánh giá là nhằm gây ấn tượng với các quan sát viên của phương Tây. Tuy nhiên, chính quyền Minsk đang đối mặt với những chỉ trích gay gắt sau đợt trấn áp hôm qua. Đại sứ quán Mỹ ra thông cáo “lên án việc nhà chức trách sử dụng bạo lực” còn AFP dẫn lời Ngoại trưởng EU Catherine Ashton yêu cầu thả các thủ lĩnh đối lập. Trong khi đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: “Cuộc bầu cử là vấn đề nội bộ của Belarus”.

Theo BBC, ông Lukashenko chưa có ý định rời bỏ hay chia sẻ quyền lực. Mới đây, khi được hỏi liệu cuộc bầu cử có đem lại thay đổi chính trị nào hay không, ông đã trả lời: “Chắc chắn sẽ có những thay đổi. Những thay đổi chính trị chung chung, chứ không phải là thay đổi quyến lực”.

Tự hạ số phiếu của mình

Theo AFP, Tổng thống Alexander Lukashenko luôn bác bỏ các cáo buộc gian lận phiếu bầu, nhưng năm ngoái, ông thú nhận có “gian lận” trong cuộc bầu cử năm 2006 nhằm giảm tỷ lệ ủng hộ ông từ 93% xuống còn 80%. “Tôi đã ra lệnh không để tỷ lệ 93% mà là khoảng 80%... Khi bạn nhận được hơn 90% (phiếu bầu), điều này hẳn rất khó chấp nhận về mặt tâm lý. Nhưng đó là sự thật”, ông nói.

Ông Lukashenko sinh năm 1954 tại tỉnh Vitsebsk Voblast, Belarus. Theo DPA, ông theo học ngành lịch sử và nông nghiệp, và vào năm 1987 đã điều hành một nông trang tập thể ở huyện nhà Mogilev. Việc Belarus tuyên bố độc lập năm 1991 đã đưa tên tuổi Lukashenko nổi trội tại quốc hội trong vai trò chiến sĩ chống tội phạm và tham nhũng. Ông đắc cử tổng thống lần đầu vào tháng 7.1994 và cầm quyền liên tục đến nay sau khi một cuộc trưng cầu dân ý bãi bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ tổng thống.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.