Tranh cãi quanh bản án tử hình Saddam Hussein

06/11/2006 23:30 GMT+7

Phán quyết treo cổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã gây nên một loạt các phản ứng khác nhau trên khắp thế giới, thổi bùng tranh cãi mới về việc Mỹ quyết định tấn công Iraq vào năm 2003.

Phản ứng quyết liệt nhất xuất phát từ châu u. Các nước như Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển... cho rằng công lý phải được thực thi nhưng lại phản đối bản án tử hình đối với ông Hussein. Hãng AP đưa tin EU hoan nghênh việc Tòa án tối cao Iraq cuối cùng đã ra phán quyết trong vụ xử cựu Tổng thống Hussein nhưng cho rằng không nên khép bị cáo vào tội chết. Điều này cũng dễ hiểu vì Tây u luôn tránh sử dụng khung hình phạt cao nhất. Đại diện Tòa thánh Vatican đánh giá bản án giống như sự trả thù theo kiểu "tay đền tay, mắt đền mắt". Phán quyết trên nhắc người ta nhớ lại phản ứng của cộng đồng thế giới sau khi Mỹ đã không chứng minh được sự có mặt của vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq, vốn là lý do chính để liên minh do Mỹ dẫn đầu tấn công Iraq vào năm 2003. Trong khi đó, Anh và Úc lại đồng tình với phán quyết của tòa. Các nước láng giềng như Kuwait và Iran cũng ủng hộ việc cựu lãnh đạo Iraq bị xử treo cổ.

Ngày thi hành án có thể được dời lại để chờ phán quyết trong phiên tòa xử ông S.Hussein và các cựu quan chức Iraq về các cáo buộc liên quan đến chiến dịch Anfal, khiến 180.000 dân thường Kurd thiệt mạng trong những năm 80.

Giới truyền thông thế giới cũng có ý kiến khác nhau sau sự việc trên. Hãng CNN và BBC cho rằng đây là kết cục xứng đáng đối với cựu lãnh đạo Iraq. Các tờ báo khác như New York Times, Le Figaro, Asahi Shimbun lại phản đối vụ xử tử ông Hussein. Giới báo chí cho rằng đây có thể chỉ là một con bài trong giờ phút chót của Tổng thống Mỹ G.Bush nhằm lôi kéo cử tri cho cuộc bầu cử vào hôm nay.

Hiệp hội Nhân quyền thế giới phản đối bản án tử hình Hussein với lời cảnh báo rằng điều này chỉ làm thổi bùng ngọn lửa bạo lực và làm trầm trọng hơn các vụ giết người trả thù tại Iraq. Khách quan mà nói, việc có treo cổ ông Hussein hay không cũng không thay đổi nhiều được tình hình tại Iraq, có chăng chỉ biến ông này trở thành kẻ tử vì đạo đối với một số người Hồi giáo dòng Sunni. Sự nổi dậy của người Sunni đã bắt rễ quá sâu và các vụ trả thù sắc tộc đã gây quá nhiều ân oán khiến Iraq có vẻ như sẽ tiếp tục lún sâu hơn vào con đường bạo lực. Quốc gia vùng Vịnh lâu nay bị giằng xé bởi các nhóm theo đuổi mục đích hoàn toàn khác nhau. Những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc muốn giành lại Iraq từ tay nước ngoài, các tay súng Sunni lo sợ sự thống trị của người Hồi giáo dòng Shiite và các băng nhóm quá khích tiến hành một cuộc thánh chiến chống Mỹ trên toàn cầu. Chừng nào mà các cộng đồng tại Iraq vẫn chưa đạt được thỏa thuận chính trị về tương lai của nước này thì hòa bình vẫn là một hy vọng quá xa vời đối với người dân Iraq.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.