Hiểu đúng về lũ quét để có phương án đối phó

12/09/2007 17:04 GMT+7

* Những ngày tới, Bắc Bộ dễ xảy ra lũ lớn, lũ quét Trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 8 vừa qua, mặc dù đã được các nhà khí tượng thuỷ văn dự báo trước, nhưng các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn bị thiệt hại lớn về người và tài sản, mà nguyên nhân chính là do sự kém hiểu biết, cũng như sự chủ quan, mất cảnh giác của người dân.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vừa cảnh báo: trong những ngày tới khu vực Bắc Bộ dễ xảy ra lũ lớn, lũ quét. Để người dân hiểu đúng và lên phương án đối phó với tình trạng thời tiết nguy hiểm này, Viện Nghiên cứu khí tượng thủy văn cho biết: Lũ có 3 loại:

1/ Lũ gây ra do mưa địa phương, tập trung lớn ở các lưu vực tự nhiên (hầu như chưa có tác động của con người);

2/ Lũ gây ra do mưa lớn trên các lưu vực đã chịu tác động mạnh của các hoạt động kinh tế của con người làm mất ổn định hay phá vỡ cân bằng sinh thái lưu vực (thay đổi lớp phủ, chế độ dòng chảy, lượng trữ hay các đặc tính lưu vực…);

3/ Lũ gây ra do tháo, vỡ thình lình một lượng nước tích do vỡ đập chắn hay các đập giữ nước, các đập băng...

Lũ lớn trên sông diễn biến chậm và thường xảy ra trên diện rộng và kéo dài, còn lũ quét là một hiện tượng thiên tai có tính chất và đặc điểm khác biệt là lũ diễn biến nhanh, mang tính bất thần và khốc liệt. Mỗi trận xảy ra trên một diện hẹp và phạm vi tác động cũng hẹp hơn lũ sông. Nếu mưa lớn, nước mưa lại bị tích lũy bởi các chướng ngại vật như đất đá, cây cối cho đến khi lượng nước vượt quá sức chịu đựng của vật chắn, phá vỡ vật chắn, ào xuống cấp tập (rất nhanh), cuốn theo đất đá, cây cối và quét đi mọi vật có thể quét theo dòng chảy thì được gọi là lũ quét (hay lũ ống), thường diễn ra rất nhanh, khoảng 3-6 giờ. Lũ quét xảy ra bất ngờ, nhanh, có sức tàn phá lớn ở các lưu vực nhỏ. Lũ quét thường gây họa cho các sông nhỏ và vừa nhưng ít đối với sông lớn.

Các lưu vực sông suối nhỏ miền núi là nơi có điều kiện thuận lợi để hình thành lũ quét như: địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc lòng sông/suối lớn, độ ổn định của lớp đất trên bề mặt lưu vực yếu do quá trình phong hóa mạnh, lớp phủ thực vật bị tàn phá… Vì thế ở những nơi này, khi xảy ra mưa lớn, tập trung trong một thời gian ngắn thì dễ xảy ra lũ quét.

Các nhà khoa học khẳng định: lũ lụt là hiện tượng thủy văn đặc biệt nguy hiểm, trong đó nguy hiểm nhất là lũ quét. Trong một số trường hợp nó có sức tàn phá khủng khiếp và trở thành thảm hoạ tự nhiên, như trận lũ quét năm 1998 ở thị xã Lai Châu (cũ) đã xoá sổ cả bản Mường Lay và khu vực thị xã. Lũ thường xảy ra ở vùng núi, nơi có địa hình đồi núi cao xen kẽ với thung lũng và sông suối thấp.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.