Làm thầy dạy… khuyển

05/11/2006 21:17 GMT+7

Nó đánh thầy kìa, cắn nó đi! Xuỵt xuỵt !". Con chó đốm thuần chủng to cộ long mắt lên sòng sọc, nhe nanh, hùng hổ lao vào gã trai trẻ "dám" đánh thầy của nó khiến gã phải co chân chạy thục mạng, bỏ cả đôi dép lại hiện trường.

Thao trường của khuyển

Tình huống trên diễn ra trong một buổi huấn luyện chó nội trú của dịch vụ nuôi dạy chó Vũ Hùng ở P.16, Q.8, TP.HCM. Bài học của chó: tấn công người lạ, bảo vệ chủ trông khá hoành tráng diễn ra ở bãi tập với hơn 40 con chó đủ các loại: béc-giê, đốm, Phú Quốc... Lần lượt từng "em" được dắt ra bãi để 4-5 người bao vây tứ phía, vờ làm người xấu tấn công chủ của chó. Nhận biết các lệnh cắn nón, cắn giỏ, cắn tay... và chỉ tấn công khi chủ ra lệnh, biết dừng khi chủ bảo thôi là yêu cầu của bài học dành cho chó, thời gian huấn luyện hơn 4 tháng rưỡi.


Chuẩn bị tấn công

Bãi tập chó như một thao trường. Chó thực tập các động tác: nằm, chào, lăn, bắt tay, vượt chướng ngại vật... theo lệnh của huấn luyện viên. Một chú béc-giê xù láu lỉnh, thay vì tuần tự thực hiện loạt thao tác nhảy vòng, trườn qua ống rồi leo lên ghế ngồi chào khách thì lại... ăn gian mà bỏ qua công đoạn bò trườn, chạy lẹ lẹ đến đích, ngồi thẳng trên 2 chân chào "trả nợ". Đối mặt với những chú chó tinh quái này, người thầy của chúng phải nín cười, làm mặt nghiêm quát bắt chúng phải thực hiện lại cho nghiêm túc.

Tại đây, tùy theo chủ, chó được dạy bằng các thứ tiếng: Hoa, Anh, Pháp hoặc Việt. Một con chó đã qua huấn luyện có thể hiểu được hơn 25 từ và không ăn thức ăn do người lạ cho. Học phí dành cho những chú chó cưng này khá cao, khoảng 800 ngàn đồng/tháng đối với chó ngoại trú (được đưa đón đến trường hằng ngày) và 1,2 triệu đồng/tháng đối với chó nội trú (ăn ở tại chỗ học).

Chưa ai chưa bị... chó cắn!

Anh Nguyễn Ánh Hồng (26 tuổi) - ở dịch vụ huấn luyện chó nghiệp vụ Anh Dũng (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: "Ăn tiền của người ta không dễ, người dạy chó cũng bỏ rất nhiều công sức. Mỗi ngày chó chỉ học khoảng 30 - 45 phút nhưng ở đây chỉ nhận nội trú để theo dõi đặc tính của chúng 24/24 giờ để tìm cách dạy thích hợp, giúp chúng từ bỏ các thói hư và phải lựa lúc chó phấn chấn nhất mới dạy có hiệu quả. Hơn nữa, nếu để chúng về nhà mỗi ngày, chúng lại nhiễm thói hư…". Tiếp xúc với những chú chó từ năm lên 2 tuổi, nên anh Hồng "nhiễm" nghề dạy chó lúc nào không hay. Anh nối nghiệp cha (ông Nguyễn Anh Dũng xuất thân từ ngành huấn luyện chó nghiệp vụ biên phòng) trở thành người huấn luyện chính của dịch vụ.

Những "học trò 4 chân" này thường rất bướng bỉnh lúc mới vào học nhưng người huấn luyện tuyệt đối không được đánh, vì vừa làm tổn thương vật cưng của khách hàng, vừa làm con chó ghét thù mà vĩnh viễn không nghe lời. Dây xích nghiệp vụ chính là "ông kẹ" của con vật, nếu thắt chặt đúng khớp trên cổ thì con chó sẽ sợ mà nghe lời.

Phải mất ít nhất một tuần mới có thể làm quen được con vật. Ban đầu người thầy đưa tay cho chó ngửi, rồi từ từ vuốt mũi nó, đến khi vuốt được đầu nghĩa là có thể bắt đầu dạy. "Con nào lúc đầu dễ thân thiện thì sau lại hay giỡn hớt, khó học tốt; còn con nào lúc đầu lạnh lùng khó thu phục thì sau lại biết nghe lời và học mau tiến bộ" - Đỗ Tấn Cường (18 tuổi, dạy cho dịch vụ Vũ Hùng) nhận xét. Sau một thời gian làm "đủ thứ nghề", Cường quyết chí đeo đuổi nghề dạy chó, vừa vui, vừa có thu nhập khá, lại được chủ đối xử tử tế.

"Huấn luyện chó nhà khác chó nghiệp vụ ở chỗ chó nghiệp vụ phải được rèn để giữ im lặng tuyệt đối và tuân theo mệnh lệnh qua dấu hiệu. Trong khi đó, chó nhà được dạy phải sủa báo động khi có người lạ, chỉ tấn công khi chủ ra lệnh hoặc chủ bị đe dọa nguy hiểm" - ông Vũ Viết Hùng, chủ Trường nuôi dạy chó Vũ Hùng.

2 năm trước, ngày đầu tiên vào nghề, Cường chỉ chở 2 con chó. Chưa biết cách cột dây sao cho chó ngồi yên trên xe nên anh ngã gần chục lần. Giờ thì Cường đã có thể chở đến 4 con một lúc! Niềm an ủi lớn lao nhất là lâu lâu đi ngang nhà của "học trò cưng", ghé vào thăm thì chú cẩu chạy ra mừng thầy. "Chó cũng như người mà!" - Phạm Văn Tân (23 tuổi), đồng nghiệp của Cường nói. Từ ngày theo nghề dạy chó, Tân từ bỏ món ăn từng khoái khẩu là thịt cầy không chỉ vì chó đánh hơi biết được sẽ "không ưa" mà còn vì tình yêu với loài vật được xem là bạn của con người này.

Những ai trụ được với nghề thì thêm gắn bó và am hiểu hơn về chó, nhưng cũng đã có nhiều người bỏ nghề vì "hãi" chó dữ, hoặc không chịu được mùi của chó...

"Những người ở đây không ai chưa bị chó cắn hết!" là câu trả lời "xanh rờn" tôi nhận được khi hỏi về những người dạy chó. "Hàm chó vó ngựa", dù bộ đồ huấn luyện đầy mùi chó khiến chó dữ kiêng dè phần nào khi tiếp xúc nhưng cũng có lúc chúng chưa được huấn luyện thuần thục sẽ rồ lên không "nể nang" con người. Ông Viết Hùng (41 năm trong nghề) không bao giờ quên được lúc can thiệp một con chó dữ đang phát cuồng tấn công thầy của nó ("đệ tử" của ông). Một phút sơ sẩy, ông bị vạ lây khi con chó hung tợn gặm chặt cánh tay ông, đè nằm ra đất toan cắn tiếp. Lúc nguy cấp, con béc-giê do chính tay ông huấn luyện đã vùng bứt xích, nhảy xổ tới cắn con chó kia bỏ chạy, cứu lấy thầy...

Thiên Di

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.