Miền Trung "bắc chung loa" gọi đầu tư

22/11/2006 00:17 GMT+7

Lần đầu tiên, 8 tỉnh, thành duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận) cùng "bắc chung loa" kêu gọi đầu tư.

Hưởng ứng tiếng gọi từ vùng đất giàu tiềm năng, hôm qua  21/11, đã có hơn 40 nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và gần 100 nhà đầu tư trong nước đã hội tụ về TP Quy Nhơn (Bình Định) để dự buổi thảo luận "Duyên hải miền Trung - Tiềm năng và cơ hội đầu tư" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với các tỉnh, thành duyên hải miền Trung (DHMT) tổ chức.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Đức Hòa, vùng DHMT có nhiều tiềm năng và lợi thế để thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả. Ngoài sự phong phú về tài nguyên khoáng sản, thắng cảnh du lịch và nguồn nhân lực dồi dào, DHMT còn có chuỗi 5 khu kinh tế đã được thành lập: Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) và Vân Phong (Khánh Hòa) với cơ chế chính sách thông thoáng, mức ưu đãi đầu tư cao được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình đầu tư vào khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Từ năm 1988 đến nay, toàn vùng chỉ thu hút được 314 dự án ĐTNN với tổng vốn đăng ký hơn 3 tỉ USD (chiếm 5,38% của cả nước), chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp và xây dựng, nông lâm ngư nghiệp, dịch vụ; tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động.

Tính riêng 11 tháng đầu năm 2006, ngoài một số dự án nhỏ, cả khu vực này chỉ thu hút được... 1 dự án ĐTNN trong lĩnh vực cơ khí chế tạo có quy mô lớn (tổng vốn đăng ký 556 triệu USD do Tập đoàn thép Tycoon đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất). Để đánh thức tiềm năng "vùng trũng" này, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Hòa, ngoài việc tiếp tục cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường, các tỉnh thành DHMT cần phải tăng cường xúc tiến đầu tư với các hình thức mới phù hợp, tập trung hướng đến các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh, có công nghệ nguồn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và các đối tác đầu tư truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan...

Còn các nhà đầu tư  đã nghĩ những gì? Họ nói, để tạo sức hút đối với các nhà ĐTNN, các tỉnh, thành miền Trung và Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp cần tích cực và nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, đường bộ, đường hàng không, điện, viễn thông... Bên cạnh đó, cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Các khu kinh tế gần như nằm liền kề nhau nên việc liên kết nhằm tránh tình trạng đầu tư chồng chéo giữa các địa phương trong khu vực là điều rất quan trọng để phát huy tối đa hiệu quả.

Ông Kyoshiro Ichikawa - cố vấn cấp cao về đầu tư, Cục ĐTNN (Bộ KH-ĐT) nói: "Cơ hội và làn sóng đầu tư vào Việt Nam sau khi gia nhập WTO được chia đều cho các vùng, miền. Để theo kịp tốc độ tăng trưởng so với 2 đầu đất nước, các tỉnh thành miền Trung cần năng động hơn trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh; củng cố nội lực và tạo bước đi thích hợp cho riêng mình. Tiếp cận, tìm hiểu các nhà đầu tư cần gì để kịp thời đáp ứng; nhất quán trong các cam kết là tiền đề quan trọng tạo nên thành công trong quá trình xúc tiến thương mại, đầu tư".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Vân - Phó cục trưởng Cục ĐTNN (Bộ KH-ĐT) cho biết: "Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư sau Hội nghị APEC, các tỉnh thành DHMT đã công bố danh mục gần 400 cơ hội đầu tư với tổng vốn kêu gọi khoảng 7 tỉ USD, đồng thời có khoảng 35 dự án cấp quốc gia đã trình Chính phủ phê duyệt với tổng vốn kêu gọi ước tính hơn 9 tỉ USD trong giai đoạn 2006 - 2010"... 

Mọi tình huống hình như đều đã được dự liệu và đã có phương án giải quyết thỏa đáng. Miền Trung đang trải thảm đỏ trên một nền  đất vững chãi để chào đón những nhà đầu tư.

Ngọc Toàn - Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.