Người Châu ở Mường Hoong

28/10/2008 11:23 GMT+7

(TNO) Tộc người Châu ở xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum với dân số ít ỏi gồm 57 hộ đang quần cư ở lưng chừng núi quanh năm mây phủ...

Đường đến Mường Hoong

Từ thị xã Kon Tum, muốn đến Mường Hoong phải vượt hơn 150km đường đi đầy hiểm trở với những rặng núi trải dài tưởng như bất tận, ẩn hiện trong làn sương mờ đục. Con đường uốn mình dưới những rặng núi còn vương nét hoang sơ với những cánh rừng xà nu cổ thụ. Anh Hùng, tài xế của Sở Giao thông vận tải Kon Tum kể rằng vào mùa mưa, nhiều đoạn đường từ trung tâm huyện Đắk Glei đến Mường Hoong bị đứt đoạn vì sạt lở và cây cổ thụ đổ chắn ngang đường.

Những căn nhà của tộc người Châu như những cây nấm lớn, nằm rải rác trên sườn núi Mường Hoong. Trong làng tịnh không thấy bóng người lớn. Anh cán bộ của xã Mường Hoong giải thích là họ lên rẫy chưa về. Trẻ con trong làng rón rén đứng nép vào hiên nhà đưa ánh mắt thăm dò về phía những người khách lạ.

Thống kê mới đây cho biết người Châu hiện chỉ còn 57 hộ với 268 nhân khẩu (kể cả số đã kết hôn với người dân tộc khác - PV). Còn số thuần người Châu chỉ vỏn vẹn 15 hộ với hơn 60 khẩu.

Theo một số kiến giải của các nhà nghiên cứu, thì mảnh đất đầy hiểm trở bắc Tây Nguyên này là nơi ở của một số ít người thuộc các bộ tộc vùng Nam Lào. Thường sau những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các bộ tộc trước đây, một bộ phận đã dạt về đây tìm nơi nương náu. Và những ngọn núi chất ngất, hiểm trở vùng đất này chính là nơi lý tưởng nhất. Trong số các dân tộc định cư ở Kon Tum, ngoài 2 dân tộc Jẻ Triêng và Xê Đăng có dân số khá đông, còn nhiều dân tộc khác chỉ có vài trăm hộ…

Đứa con nuôi của thôn phó

 
Vợ chồng anh Tuấn và Y Tâm (giữa)

Làng người Châu hiện có duy nhất một hộ người Kinh, đó là gia đình anh Phạm Quốc Tuấn. Anh Tuấn quê Hà Tĩnh, vốn là công nhân của Liên hiệp công nông nghiệp Đắk Glei. Khi liên hiệp này giải thể, anh đã tự nguyện ở lại mảnh đất này. Uy tín, sự thân thiện của anh Tuấn và chút cơ duyên đã khiến cộng đồng người Châu ở Đắk Rế (Mường Hoong) bầu anh làm thôn phó. Nhưng đặc biệt hơn, gia đình anh còn nhận một đứa con nuôi là người Châu, tên Y Tâm.

Cha của Y Tâm là A Pốt, vốn là bộ đội, được cử đi học để vận hành Trạm tiếp sóng truyền hình cho xã Mường Hoong. Vợ A Pốt có bầu lần đầu và sinh đôi. Tập tục nghiệt ngã của người Châu là một trong hai đứa sinh đôi phải bị giết vì họ xem đó là mối họa cho làng. Dĩ nhiên một người có học như A Pốt thì không thể tuân theo phán xét của lệ làng được! Nhưng cái tin dữ đó cũng làm xáo động nếp sống của người làng. Mọi người tách nhà A Pốt ra khỏi cộng đồng làng nhỏ bé đó. Buồn tình, A Pốt dắt cả nhà lên Trạm tiếp sóng truyền hình tá túc.

Mấy năm sau, vợ A Pốt có bầu và lại tiếp tục sinh đôi. Chuyện lan nhanh như con nước mùa lũ. Và cuộc sống khốn khó của gia đình này lại càng chồng chất. Vợ chồng anh Tuấn đã rộng lòng, đưa Y Tâm về nhà nuôi gần chục năm nay. Hằng ngày, Y Tâm được anh Tuấn dạy chữ, cách ăn ở và làm một số việc lặt vặt trong nhà… 

Ăn Tết với người Châu 

Chúng tôi đến làng đúng dịp người Châu tất bật chuẩn bị Tết cúng lúa mới. Theo tập tục, người Châu còn có một cái tết nữa là Tết cữ nước. Có khách đến, A Tía sai con lấy thêm mấy gốc xà nu đẩy vào bếp than đang âm ỉ cháy. Một lúc sau lửa bùng lên sáng cả một góc nhà. Mùi hương thơm dịu đặc trưng của xà nu càng làm đậm phong vị bản làng nơi đại ngàn. A Tía bảo rằng mùa này anh chỉ thu được chưa đến 500kg lúa. Bốn miệng ăn có nguy cơ đứt bữa. “Nhưng thôi, ăn Tết đã. Ngày mai nhà báo phải ở lại nếm món bánh làm từ lúa mới”, A Tía nói.

 
Ký ức về tộc họ quá mờ nhạt, kể cả với những người già
Nhà kế bên có người đang bắt gà chuẩn bị cho buổi cúng ngày sau. Tôi định đi theo mấy đứa con A Tía sang giúp liền bị ngăn lại. Theo phong tục của người Châu, người lạ không được vào chuồng bắt gà, nếu không đàn gà sẽ... không lớn nổi! Nghe có khách, A Thơ liền đem tới một chai mật ong, bảo đây là mật ong Ngok Linh, một món không thể thiếu trong các ngày tết. Màu mật ong sánh vàng, vị đắng ngai ngái vấn vương dư vị.

Những bếp lửa, chén rượu và mùi thơm của thịt nướng trong ngày tết của người Châu đã xua đi cái lạnh miền núi cao. Tạm quên đi những chật vật, lo toan của cuộc sống thường nhật, nhiều người Châu đang xúng xính trong những bộ quần áo mới và những nét cười như vang cả dãy Mường Hoong vốn buồn tẻ.

Ký ức về tộc họ đối với A Tía, A Thơ và nhiều người già trong làng đã xa xăm như làn mây mờ đục trên đỉnh Ngok Linh. Có lẽ tiếng nói và chút phong tục ít ỏi là tất cả quá khứ của người Châu. Đã từng có dự án bảo tồn dành cho người Châu khi một số cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum lên tiếng. Nhưng sau đó có nhiều quan điểm cho rằng người Châu chỉ là một nhánh của tộc người Xê Đăng nên mọi chuyện phải dừng lại.

Vài ba năm nay, những chương trình đầu tư vào đây mới được tăng tốc trở lại. Một con đường nhựa gần 40km, đường điện nối thị trấn Đắk Glei với Mường Hoong có giá trị đầu tư cả trăm tỉ đồng đã rút ngắn khoảng cách về điều kiện sống giữa huyện thị và mảnh đất Mường Hoong xa xôi, hẻo lánh...

Bài, ảnh: Thiên Trúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.