Nửa thế kỷ chinh phục vũ trụ

30/09/2007 00:10 GMT+7

Cách đây năm mươi năm, ngày 4.10.1957 đã đi vào lịch sử nhân loại với cái gọi là “Sự kiện Sputnik” ám chỉ việc Liên Xô phóng tên lửa đưa vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo. Cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ giữa hai phe cũng được bắt đầu từ đó.

Liên Xô cũng là quốc gia đầu tiên phóng lên quỹ đạo tàu vũ trụ có người lái và vệ tinh thăm dò Mặt trăng. Mười hai năm sau đó, Mỹ đã thành công trong việc đưa người lên Mặt trăng. Rồi đến Trạm nghiên cứu vũ trụ Hòa Bình của Liên Xô và phi thuyền con thoi của Mỹ. Cuộc chinh phục vũ trụ từ đó cũng vấp phải thất bại và thiệt hại về người và của, nhưng đã đưa nhân loại vươn ra xa hơn cả phạm vi của hệ hành tinh có Trái đất. Hiện tại có tất cả hơn 1.000 vệ tinh của nhiều quốc gia bay trên các quỹ đạo quanh trái đất và có thêm một số quốc gia trở thành “cường quốc mới” trong cuộc chinh phục vũ trụ như Trung Quốc hay Nhật Bản.

Cái thời Liên Xô và Mỹ ganh đua nhau trong cuộc chinh phục vũ trụ đã qua. Các quốc gia có khả năng vươn ra vũ trụ tuy theo đuổi lợi ích riêng về chính trị, kinh tế và an ninh nhưng nhìn chung đã hợp tác với nhau, điển hình là những chương trình nghiên cứu vũ trụ của EU và sự ra đời của Trạm nghiên cứu vũ trụ quốc tế ISS cũng như hợp tác song phương giữa các quốc gia này. Sự kết hợp nguồn tài lực, nhân lực và vật lực của nhiều quốc gia đã mở ra nhiều triển vọng mới đầy hứa hẹn trong công cuộc chinh phục vũ trụ phục vụ nhân loại. Rất nhiều tiện ích mà việc nghiên cứu và chinh phục đưa lại đã trở thành những chất lượng mới càng ngày càng không thể thiếu đối với cuộc sống và làm việc của con người trên trái đất.

Thành tựu chinh phục vũ trụ nửa thế kỷ qua rất đáng tự hào và nhân loại còn có thể mong đợi được nhiều hơn trong nửa thế kỷ tới, nhưng vũ trụ không phải của riêng ai và nhân loại vẫn phải luôn cảnh giác và đấu tranh chống lại mọi ý đồ quân sự hóa và độc quyền khai thác không gian vũ trụ.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.