Điều cần phải nói lại với tác giả bài báo là một luật sư

17/12/2005 14:54 GMT+7

Tôi có đọc một bài báo trên một tờ báo bạn tuần trước, qua lời của luật sư Lê Công Định nói về quyền biện hộ, quyền tố tụng, tôi chưa nghĩ đến việc tác giả đánh giá rằng nền pháp lý chúng ta còn mông muội, và loại ra khỏi ý nghĩ của mình kiểu viết này có hàm ý bênh vực có lợi cho một số bị cáo trong khi phiên tòa đang xét xử, mà tôi chỉ xin tranh cãi về mặt pháp lý, cách đặt vấn đề của bài báo.

Bài báo lại được đăng đóng khung (chữ in nghiêng) bên cạnh tin: Cơ quan cảnh sát điều tra: Luật sư Đặng Văn Luân có hành vi vu khống, làm cho tôi thấy đây là một bài chính luận nhằm nêu quan điểm không đồng tình với cơ quan tiến hành tố tụng và ít ra theo ngôn ngữ báo chí thì "để rộng đường dư luận".

Trước hết tôi tán thành một sự tranh luận đi đến cùng của một sự việc, và tôi luôn tôn trọng quan điểm của một luật sư, của một tờ báo hoặc của bất cứ một tác giả nào khác với ý kiến tôi. Có điều tôi thấy ở đây luật sư đặt ra nhiều vấn đề cần phải được nói lại, bởi vì các ý kiến đó rất xa lạ với các khái niệm cũng như nền pháp lý ở ta.

Tôi cũng đồng ý vai trò và quyền biện hộ của luật sư trước các phiên tòa là hết sức cần thiết, không ai khuyến khích một phiên tòa thiếu không khí tranh luận dũng cảm, trung thực và có trách nhiệm, vì nó thể hiện một tinh thần dân chủ và được luật pháp Việt Nam quy định.

Tôi cũng đồng ý với tác giả bài báo là "trong những nền văn minh pháp lý còn mông muội trước đây của lịch sử nhân loại, quyền công tố luôn giành được vị thế ưu thắng trên đường đua đến công lý". Thế nhưng với ý này, thì ở Việt Nam hiện nay mà cụ thể là phiên tòa xét xử "Năm Cam và đồng bọn" không phải nằm trong thời điểm "văn minh pháp lý còn mông muội trước đây" mà là một phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp. Nói theo cách nói của những người dân dã xa xưa thì, "tay này đúng tội bắn 100 lần rồi", nhưng ở đây lại là nền "văn minh pháp lý" trong thế kỷ hội nhập này đúng như tác giả bài báo đã dẫn nên không có chuyện nêu tội bất cứ ai mà không có căn cứ, không được đưa ra trước một tòa án công khai.

Nhà nước và hệ thống pháp luật Việt Nam đã tổ chức một phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp của Bộ Chính trị T.Ư Đảng CSVN. Công tác điều tra được tiến hành cả năm trời, rất cẩn thận, tỉ mỉ và đúng pháp luật, như nhà sử học Dương Trung Quốc từng nêu ra trước diễn đàn Quốc hội còn xem phiên tòa này diễn ra trong 55 ngày gợi cho chúng ta ý tưởng rằng cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ, chống quan liêu tham nhũng, chống lãng phí là cuộc đấu tranh lâu dài để nó đảm bảo thắng lợi triệt để của sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Các luật sư được tha hồ trình bày quan điểm, các luận cứ, chứng cứ và lập luận để bảo vệ thân chủ mình, kể cả việc đưa ra những chứng cứ suy diễn để vu khống cơ quan tiến hành tố tụng. Ở đây tôi xin nhắc lại quan điểm xử lý của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bất cứ ai, ở cương vị nào vi phạm pháp luật đều được xử lý nghiêm minh, chứ không phải chỉ tại những quốc gia có truyền thống nghề nghiệp luật sư lâu đời, việc tước giấy phép hành nghề hay gọi nôm na là "treo án luật sư" chỉ xảy ra khi vị luật sư đó thay vì đặt mình vào vị trí biện hộ cho bị cáo, đã "góp phần" cùng công tố việc buộc tội thân chủ mình với mục đích tìm ra sự thật. Ở chỗ này tôi thật sự không hiểu tác giả muốn nói gì (có lẽ tác giả muốn viện dẫn luật của một quốc gia khác tức là người ta muốn chống lại sự thông đồng giữa luật sư và công tố dẫn đến không có dân chủ và sự thiếu khách quan trong phiên tòa) còn ở đây thì tôi hiểu theo nghĩa (không biết có đúng ý tác giả không), một luật sư bị "treo án" hoặc bị "tước quyền" thì chỉ khi luật sư đó góp phần cùng Viện Kiểm sát tìm ra sự thật ! Nếu mà góp phần tìm ra sự thật của bị cáo, của vụ án bằng những chứng lý rõ ràng thì cớ sao lại "treo án" treo "bằng hành nghề"? Tôi thì nghĩ hoàn toàn ngược lại dù ở Việt Nam hiện nay có ai đó phê phán gì về nền tư pháp thì cứ phê, có thể có điểm này điểm khác cần sửa chữa, khắc phục, nhưng chắc chắn là không phải ở vào thời kỳ mông muội của nền văn minh pháp lý và bằng chứng gần nhất tại phiên tòa này luật sư tranh cãi "thoải mái" và nói thẳng thừng mọi ý kiến trước tòa, thậm chí nói theo kiểu suy diễn. Có một điều cần lưu ý rằng nếu xảy ra hành vi vu khống một công dân khác, vi phạm Luật Hình sự thì người nào dù có chức quyền tới đâu cũng phải bị xử lý. Chức danh bào chữa trước tòa của luật sư không nằm trong danh sách "đặc quyền" không bị xử lý theo bộ Luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một điều lạ khác, tác giả của bài báo còn cho rằng :"Quyền biện hộ là thước đo trình độ của một nền văn minh pháp lý, công lý chứ không phải chân lý (sự thật) là mục tiêu tối thượng của việc thiết lập các định chế tư pháp và bổ trợ tư pháp". Tới đây, tôi lại phải mò mẫm và thấy trình độ của mình hụt hẫng. Thế thì công lý khác chân lý (sự thật) chỗ nào? Tức là có những thứ công lý ở ngoài chân lý (sự thật)? Tôi nghĩ rằng mọi thứ công lý (tức mục tiêu của định chế pháp luật) đều bắt nguồn và xuất phát từ chân lý mới phải chứ! Công lý chỉ được bảo vệ và làm sáng tỏ khi đạt được chân lý, tức là đạt được sự thật khách quan tối đa của vụ án. Ví dụ như người ta thấy Năm Cam thường gửi tiền cho chùa, cho nạn nhân bão lụt, và người ta cũng biết và thấy Năm Cam có hành vi tổ chức, chủ mưu giết người, tạt acid, chém giết các đối thủ và những người mà y nghĩ rằng cản trợ hoặc làm phương hại đến các hoạt động tội ác của y. Thế thì ở đây, luật sư không thể dùng sự kiện là y đã cho tiền nhà chùa hoặc nạn nhân bão lụt đôi ba lần mà biện hộ là Năm Cam có lòng nhân đạo thì không thể có hành vi điều hành guồng máy tội ác như giết người, tạt acid...

Luật sư cãi như thế thì chắc rằng chẳng đứng về phía công lý mà càng không đứng về phía công lý. Bởi vì cái công lý đã được tách ra khỏi chân lý (sự thật) cho thấy vài hiện tượng "thiện" bên ngoài (được che giấu trong một ruột "ác") thì cuối cùng là nền công lý, một nền văn minh pháp lý đúng nghĩa phải làm cho sáng tỏ cái sự thật là sự thật cuối cùng, thì đó mới chính là công lý. Tức là hành vi nhân đạo "giả" để che đậy cái ác, cái dã tâm, cái hành vi ác, vi phạm pháp luật "thật" không thể được bỏ qua. Đó mới chính là nền công lý và luật pháp văn minh. Tôi mường tượng lý của vị luật sư đồng thời là tác giả bài báo nêu trên như thế này: trong trường hợp này nếu ông luật sư biện hộ cho Năm Cam cũng đồng ý với công tố viên tức đại diện Viện kiểm sát là "Năm Cam chủ mưu giết Dung Hà, Năm Cam chủ mưu việc tạt acid Lâm “chín ngón”, Năm Cam tổ chức sòng bài, Năm Cam dàn xếp với Nguyễn Mạnh Trung, Dương Minh Ngọc để cho Thọ “đại úy” trốn thoát" thì luật sư phải bị "treo án" không cho hành nghề, tức là luật sư công nhận các sự thật và chứng cứ ghép tội có căn cứ với thân chủ mình là luật sư đó mới có vấn đề. Thay vì luật sư thừa nhận những hành vi phạm tội của thân chủ mình một cách khách quan, công bằng, nhưng tìm những chỗ chưa đúng, không đủ căn cứ, những tình tiết về lịch sử, nhân thân của thân chủ mình. Trong trường hợp có bị hàm oan, mà dân ta có câu "tình ngay lý gian" chẳng hạn thì luật sư phải làm đúng lương tâm, chức năng nghề nghiệp của mình, chứ không phải là chức năng cho phép "lách luật" biết rõ tội của thân chủ mà cố tình làm lệch hoặc bao che để xóa tội như Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Hưng và ông Bộ trưởng Tư pháp nước ta có lần nói với báo chí về vụ án này.

Vả lại, chúng ta cần phải quan niệm đầy đủ tính chất của một vụ án hình sự lớn nhất nước này. Đây chính là cuộc chiến chống tội ác như một số nước đã từng làm quyết liệt để làm sạch môi trường xã hội, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân - mà đã là cuộc chiến thì chúng ta phải vận động mọi lực lượng vào cuộc: quần chúng, các đoàn thể, báo chí, cảnh sát, an ninh, tòa án, kiểm sát... Và phải đi đến cùng của mục tiêu cao nhất là loại hẳn các băng đảng xã hội đen nguy hiểm có tổ chức như băng đảng Năm Cam và đồng bọn ra khỏi đời sống xã hội. Luật pháp và nền pháp lý của chúng ta bao giờ cũng phục vụ cho mục tiêu tối thượng đó...

Rút kinh nghiệm của năm 1995, một số người đã sa đà tranh cãi về việc đưa Năm Cam vào trại cải tạo là sai luật, một số cố tình chạy tội cho Năm Cam mà không xác định đây là một tên tội phạm nguy hiểm để tập trung truy tìm các yếu tố pháp lý và có những biện pháp kiên quyết, cần thiết và sự nhạy cảm nghiệp vụ của cơ quan chức năng để đưa Năm Cam vào tập trung cải tạo và củng cố chứng lý để khởi tố y theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lúc đó là đồng chí Võ Văn Kiệt, cho nên mới để lại một vụ án quá nghiêm trọng về quy mô tội ác như ngày hôm nay, hậu quả là một loạt cán bộ vi phạm pháp luật vì bao che, gỡ tội cho chúng đang đứng trước vành móng ngựa tại phiên tòa này. Cuộc chiến đấu chống tội ác là không thể chần chờ và không kẽ hở cho những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm hòng thoát tội để lại tái diễn nhiều vụ Năm Cam khác. Ví dụ, Thành ủy và các cấp chính quyền TP.HCM hiện nay đang ra sức tập trung vào một vấn đề nhức nhối của thành phố và của đất nước là tập trung giáo dục cải tạo các con nghiện trong vòng 5 năm thì mới đủ thời gian để một con nghiện có thời gian để trở lại một cuộc sống bình thường, trong khi luật của chúng ta quy định thời gian tập trung đối tượng này chỉ có 2 năm. Thế thì việc cấp bách ma túy và hậu quả khôn lường của nó đối với xã hội và thanh thiếu niên là mục tiêu cao nhất chứ không phải thời hạn 2 năm giáo dục cải tạo là mục tiêu mà chúng ta đặt ra.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ một Nhà nước pháp quyền và phương châm sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhận thức đầy đủ thực tiễn của cuộc đấu tranh chống các loại tội phạm để rút ra bài học và ngay cả luật pháp của chúng ta cũng phải mỗi ngày một hoàn thiện hơn để phục vụ cho mục tiêu lớn là chống các loại tội phạm và tội ác đang diễn ra làm mất ổn định tình hình, bằng chứng là Quốc hội nước ta đã liên tục sửa đổi, bổ sung những đạo luật ngày càng phù hợp hơn với thực tế và sự phát triển, ổn định chính trị của đất nước.

Tôi rất đồng tình với luật sư, cũng chính trong phiên bào chữa cho vụ án này đã dẫn ra "khoản 2, điều 1 Pháp lệnh luật sư quy định: bằng hoạt động của mình luật sư góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, và pháp chế xã hội chủ nghĩa". Tôi muốn nhấn mạnh tới 3 cụm từ đó, chứ không phải là ta đang ở trong thời kỳ văn minh mông muội về pháp lý để tranh luận và lấy phần thắng về phía cơ quan công tố và khoản 2 điều 3 của pháp lệnh quy định nguyên tắc hành nghề luật sư phải trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Trung thực có nghĩa là những chứng lý phải phản ánh đúng sự thật khách quan, chứ không phải đưa ra những lập luận có vẻ có lý nhưng không trung thực, thiếu căn cứ và không tôn trọng sự thật khách quan.

Có một chi tiết khá thú vị đối với tôi trong vụ "vụ án Năm Cam và đồng bọn" là luật sư bào chữa đã cho rằng, đối với một "ông trùm lớn" như Năm Cam thì không dại gì mà cho giết Dung Hà, ví dụ như Năm Cam từng ra lệnh tạt acid Lâm "chín ngón" là tạt để cảnh cáo đe dọa những kẻ khác chưa quy phục y chứ không dại gì mà Năm Cam ra lệnh giết người. Đã là một "ông trùm lớn" thì việc ra lệnh giết người hoặc cách giết như thế nào để đưa mình ra vòng ngoại phạm là một chiêu rất lành nghề với một ông trùm như Năm Cam. Nhưng rất tiếc trong vụ giết Dung Hà và các hành vi phạm tội lần này, Năm Cam không còn đường chối tội... Luật sư biện hộ phải tìm đến sự đồng tình của đa số người dân, chứ không thể cứ tìm cách "lách luật" để đưa thân chủ mình đến chỗ không có tội và làm cho mình được nổi tiếng bằng cách bào chữa thiếu trung thực và thiếu trách nhiệm như vậy.

Các bộ luật nước ta phản ánh một điều là khi chúng ta kết tội hoặc biện hộ cho bất cứ bị can cỡ nào, bất luận thành phần gì phải làm cho quần chúng thấy sức thuyết phục vì các sự thật của vụ việc, chứ chúng ta không thể cãi đổi trắng thay đen "biến một kẻ giết người thành người không phạm tội được". Sự giám sát của dư luận quần chúng cũng là một kênh rất quan trọng trong hệ thống pháp lý của nền pháp chế của chúng ta.

Nguyễn Minh Hải
(Thanh Niên 26/5/2003)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.