Thuê vệ sĩ - mốt mới ở Trung Quốc

27/11/2005 22:53 GMT+7

Số người giàu có của Trung Quốc ngày càng gia tăng và đi đôi với nó, ngành vệ sĩ ở nước này cũng phát triển theo. Nhiều người Trung Quốc hiện nay cho rằng, nếu bạn giàu có và quyền lực thì không có gì thể hiện vị thế của bạn tốt hơn là một đội vệ sĩ lúc nào cũng kè kè bên cạnh.

Chết vì giàu

Li Jianguo nhớ như in cái ngày anh nhận ra rằng sự giàu có có thể gây hại cho mình. Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nhà triệu phú này - vốn là ông chủ một công ty dược thảo nổi tiếng - đang sống tại tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc bỗng hay tin con trai của một người bạn bị bắt cóc. Thủ phạm đòi số tiền chuộc 400 ngàn USD. Cảnh sát giải cứu được cậu bé và kẻ bắt cóc lại là một "hảo hữu" của cả hai. Li hiểu rằng ngay khi một người Trung Quốc để lộ sự giàu có thì y như rằng nguy hiểm cũng bắt đầu rình rập xung quanh. Hiện nay, Li không còn mời bạn bè đến ngôi biệt thự sang trọng của mình ở Bắc Kinh, luôn giữ kín số tài sản của mình và trả 1.200 USD mỗi tháng để thuê vệ sĩ bảo vệ gia đình. Nỗi lo lắng của Li và những người giàu có như Li đã giúp ngành vệ sĩ ở đất nước Đông Á này bùng nổ.

Theo thống kê thì số người Trung Quốc giàu có bị bắt cóc hay bị sát hại ngày càng tăng. Hồi tháng trước, nhật báo Xinmin ở Thượng Hải đã có bài tường thuật về các tội phạm nhắm vào giới nhiều tiền ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Bài báo mô tả cái chết của Lin Jing, một thương gia hóa chất đã bị chính nhân viên của mình sát hại. Hay những vụ nổi bật khác là ngôi sao điện ảnh Wu Ruofu và Jiang Yingwu, người quản lý một loạt nhà hàng nổi tiếng của Trung Quốc đã bị những kẻ bắt cóc giết chết vào năm 2004 ngay sau khi chúng nhận 60 ngàn USD tiền chuộc.

Vệ sĩ cũng như... chiếc đồng hồ

Ngành vệ sĩ hiện đang ăn nên làm ra nên những cận vệ giỏi ở Trung Quốc có thể bỏ túi 5.000 USD mỗi tháng. "Khi nền kinh tế phát triển, an ninh sẽ được chú trọng và điều đó có nghĩa là các ngành kinh doanh như chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển", Li Hongqi - ông chủ của một công ty cung cấp vệ sĩ cho Li Jianguo - cho biết. Thông thường các công ty vệ sĩ ở Trung Quốc không công khai quảng cáo họ là những công ty bảo vệ, chỉ đăng ký là nhóm điều tra hay nhà cung cấp các dịch vụ kinh doanh khác. Đa số vệ sĩ nước này là những người làm nghề tự do, chủ yếu là lính giải ngũ, cựu sĩ quan an ninh hay những người được đào tạo từ các học viện quân sự. Họ tìm việc thông qua bạn bè hay các giáo viên từng dạy mình. Ding Zhongmin - một chuyên gia quyền Anh đang điều hành Trung tâm đào tạo vệ sĩ Yingcai ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc cho biết mỗi năm ông huấn luyện 100 vệ sĩ. Ngoài ra, khách hàng thường thuê Ding và các học trò của ông để giải quyết các vụ tranh chấp kinh doanh mà ở nhiều nước sẽ do cảnh sát hoặc tòa án đứng ra giải quyết.

Khi giới nhà giàu ở Trung Quốc thuê vệ sĩ, nhiệm vụ bảo vệ không phải lúc nào cũng là mối quan tâm hàng đầu của họ. Cui Fengxian - một luật sư ở Bắc Kinh thành lập công ty tư vấn an ninh hồi năm 2002 - ước tính khoảng 30% trong số 200 khách hàng thuê nhân viên của công ty ông chỉ vì thích "khoe mẽ". Xung quanh Cui luôn có 8 nhân viên bảo vệ đi kèm. Ông cho biết: "Đó là vấn đề hình ảnh. Những vệ sĩ của tôi là biểu trưng cho địa vị của tôi... giống như chiếc đồng hồ vậy. Người ta nhìn vào đó và nghĩ rằng: "À, ông Cui có chiếc đồng hồ trị giá 1,8 triệu nhân dân tệ (200 ngàn USD). Do đó, họ sẽ tin tưởng để hợp tác kinh doanh với tôi". Và với những người đàn ông bảo vệ mình, Cui không lo lắng khi loan tin ra cả thế giới biết rằng ông là người giàu có.

Châu Yên
(Time)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.