Tường thuật phiên tòa phúc thẩm vụ kiện "cưa chân, được 750 triệu đồng"

17/12/2004 00:05 GMT+7

* Prudential Việt Nam lại thua và cho biết sẽ khiếu nại, yêu cầu giám đốc thẩm Ngày 16/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa ông Vũ Quang Uông - một giáo viên về hưu tại tỉnh Hải Dương với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (gọi tắt là Prudential VN) đã kết thúc với phần thắng lại thuộc về ông Uông. Tuy nhiên, bản án khiến cho phía bị đơn và nhiều người dự khán phiên tòa không "tâm phục khẩu phục".

Theo kết luận ngày 16/12 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao, án sơ thẩm ngày 21/6/2004 của TAND tỉnh Hải Dương về vụ kiện này được giữ nguyên. Tòa phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn (ông Uông), tuyên buộc Prudential VN (bị đơn) phải trả thêm trên 120 triệu đồng, là khoản lãi phát sinh từ số tiền mà bị đơn phải bồi thường theo phán quyết của Tòa sơ thẩm (750 triệu đồng).

Anh Vũ Trung Thành - con trai ông Uông được ủy quyền tham gia phiên tòa đã nhắc lại yêu cầu đòi bị đơn bồi thường 750 triệu đồng theo các hợp đồng hai bên đã ký trước đây và đã được Tòa sơ thẩm chấp nhận, đồng thời còn đòi trả thêm lãi suất của khoản bồi thường, các chi phí đi lại, thuê luật sư... tổng cộng tăng thêm trên 190 triệu đồng.

Trái lại, đại diện cho bị đơn bà Nguyễn Thị Thùy Hương thì trình bày trước Hội đồng xét xử phúc thẩm: "Chúng tôi không đồng tình với bản án sơ thẩm. Vì về mặt tố tụng, trong quá trình xét xử, chủ tọa phiên tòa đã không khách quan dẫn đến những phán quyết sai lầm. Các chứng cứ, lý lẽ của Prudential VN đưa ra đều bị bác một cách vô lý. Hơn nữa, tại phiên tòa, các bên có liên quan không được mời, nhiều mâu thuẫn trong các lời khai của nguyên đơn không được làm rõ". Bà Hương dẫn chứng: "Ông Uông kiện đòi bồi thường với lý do là tai nạn giao thông nhưng vụ này chưa được xác định là tai nạn giao thông - theo cơ quan công an... Do đó, tòa sơ thẩm đã ra phán quyết không đúng pháp luật". Cuối cùng, bà Hương đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để giao hồ sơ cho cơ quan công an xác định lại đây có phải là vụ tai nạn giao thông hay không.

Bước vào phần xét hỏi, chủ tọa "vặn vẹo" bị đơn: "Việc bồi thường có nhất thiết phải là một vụ tai nạn giao thông không?". "Không, vì khách hàng có thể bị tai nạn giao thông hay tai nạn lao động cũng được bồi thường nhưng dù tai nạn gì thì cũng phải có chứng cứ, chứng minh rõ ràng. Và theo quy định của pháp luật, chỉ có cơ quan công an mới có thể điều tra, kết luận về tai nạn giao thông", bà Hương lý giải. Chủ tọa hỏi tiếp: "Đó là cách hiểu của bà, cách hiểu của người làm kinh doanh. Còn tai nạn ở đây là xảy ra trên đường, là tai nạn giao thông".

Sau khi nghe phía bị đơn trình bày rằng "có nhiều nghi vấn" trong vụ này, chủ tọa liền hỏi: "Công ty Prudential nói có nghi vấn là nghi vấn gì?". Bà Hương đáp: "Chúng tôi cho rằng đây là một vụ trục lợi và hiện trường tai nạn là hiện trường giả vì bác Uông nói bị tai nạn nhưng chỉ gãy chân mà lại không kèm theo vết sây sát gì. Thực chất, không ai trực tiếp chứng kiến bác Uông bị tai nạn. Và sau khi tai nạn, đến các bệnh viện, bác Uông luôn đề nghị xin cưa chân. Một căn cứ khác là bác Uông đã khẳng định đi không mặc áo mưa suốt 3 tiếng từ Hà Nội trong khi vào thời gian đó trời mưa to. Thế nhưng quần áo (theo lời khai của các nhân chứng và lưu lại cơ quan công an) lại hoàn toàn không bị ướt". Ngừng một chút, bà Hương nói thêm: "Mặc dù vụ việc xảy ra đã lâu nhưng 6 tháng sau, đến ngày 7/10/2002, anh Vũ Trung Thành, con ông Uông mới có hồ sơ gửi tới Prudential để yêu cầu bồi thường". Chủ tọa nói: "Đó là suy nghĩ của bà, không có cơ sở pháp lý. Có ai lại cắt bỏ một phần cơ thể của mình để được bồi thường? Bà phải tranh luận một cách khách quan chứ. Tôi không hiểu công ty suy nghĩ thế nào về con người".

Một tình tiết cũng rất đáng... suy nghĩ là đến phần tranh luận, chỉ có các luật sư phía bị đơn đứng lên trình bày quan điểm. Còn luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn - ông Phạm Văn Hình - thì vắng mặt và chỉ có một bài "bào chữa chay" gửi trước cho Hội đồng xét xử. Trong đó, luật sư Hình cho rằng, thân chủ của mình không trục lợi vì "việc trục lợi chỉ xảy ra ở những người xấu xa, có khó khăn và nhu cầu lớn về tài chính..." và Công ty Prudential VN phải bồi thường vì "sự kiện bảo hiểm đã xảy ra", có nhiều người làm chứng cho vụ tai nạn này. Bảo vệ quyền lợi cho phía bị đơn, luật gia Trần Đình Triển nói: "Tôi cho là không có sự kiện bảo hiểm (vụ tai nạn giao thông - PV). Còn để chứng minh sự kiện là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền - tức là cơ quan công an - chứ tòa không thể tự phán quyết đó là tai nạn giao thông". Ông Triển đưa ra các văn bản gần đây của Công an tỉnh Hải Dương chứng minh "chưa xác định đây là vụ tai nạn giao thông" và nhấn mạnh đến việc "lời khai của nạn nhân rất mâu thuẫn". Theo ông Triển, những "mâu thuẫn" đó là: ông Uông lúc thì khai buồn ngủ bị ngã xe, lúc thì khai xe đâm vào dải phân cách, lúc thì con ông Uông khai ông bị xe ô tô đè lên... Luật gia Triển cũng đưa ra các tờ khai có chữ ký của ông Uông và cả những đơn đề nghị cắt chân đã không được đưa vào hồ sơ vụ án. Ông Triển cũng cho rằng lời khai của các nhân chứng phía nguyên đơn mâu thuẫn và không thể tin cậy. Chẳng hạn: người khai là ông Uông bị ngã đè lên chân trái, người khai bị ngã đè lên chân phải; có người nhận mình băng vết thương nhưng người khác lại cũng nhận việc này...

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã không chấp nhận những lập luận ấy.

Kết thúc phiên tòa, đại diện của nhiều công ty kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, trong đó có Bảo Minh và Bảo Việt, không giấu vẻ lo ngại vì có thể trong nay mai, chính họ cũng sẽ phải "đáo tụng đình" do ông Uông hiện cũng đang là khách hàng của họ. Ông Nguyễn Đức Chương, Phó tổng giám đốc Prudential VN khẳng định: "Chúng tôi sẽ sớm có khiếu nại quyết định trên của Tòa phúc thẩm để có thể giám đốc thẩm vụ án này".

Dân Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.