Sừng tê giác - từ Phi sang Á - Kỳ 3: Buôn lậu sừng tê giác về Việt Nam

26/11/2008 10:51 GMT+7

Những vụ vận chuyển, buôn lậu sừng tê giác có nguồn gốc từ châu Phi liên tục bị cơ quan chức năng VN phát hiện và xử lý rất nặng. Tuy nhiên, không vì thế mà sức hấp dẫn bởi giá trị “siêu phàm” cùng “siêu lợi nhuận” của nó giảm đi.

Những chiếc sừng tê giác vẫn tiếp tục đi - về qua các cửa khẩu quốc tế đường hàng không và đường bộ.

“Mặt hàng trọng điểm” qua đường hàng không

Chiều 3-1-2008, chuyến bay khởi hành từ Nam Phi quá cảnh tại Singapore đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Một người đàn ông khệ nệ đẩy chiếc vali khá lớn đến bàn làm thủ tục nhập cảnh. Cán bộ hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện năm chiếc sừng được gói ghém cẩn thận trong lớp giấy bạc, bên ngoài nêm chặt xốp. Hành khách Trần Văn Lập (làm nghề chụp ảnh tự do, ngụ Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) thừa nhận năm chiếc sừng tê giác do ông mua tại Nam Phi, trị giá sau khi khai báo gần 200.000 USD (hơn 3,2 tỉ đồng).

Ông Lê Tuấn Bình, chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết: “Thời gian gần đây sừng tê giác nhập lậu vào VN bằng đường hàng không khá nhiều, do đó các đơn vị nghiệp vụ luôn xác định sừng tê giác là “mặt hàng trọng điểm” trong công tác kiểm tra”. Vụ Trần Văn Lập buôn lậu năm sừng tê giác đang được cơ quan điều tra thụ lý, hải quan sân bay Tân Sơn Nhất lại phát hiện thêm một vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác khác vào trưa 14-5.

Trong lúc làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách Nguyễn Lê Tân (sinh 1983, ngụ Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đi chuyến bay từ Hong Kong về TP.HCM, hải quan sân bay phát hiện ông Tân cất giấu hai chiếc sừng tê giác nặng 9,2kg trong hành lý nhưng không khai báo. Ông Tân khai nhận mua từ Nam Phi về.

Năm 2007, hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cũng phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển sừng tê giác trái phép với phương thức, thủ đoạn tương tự. Sáng 25-6, hành khách Hoàng Văn Chung (ngụ KP4, thị trấn Văn Du, Thạch Thành, Thanh Hóa) đáp chuyến bay từ Hong Kong về TP.HCM. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, qua kiểm tra bằng máy soi kết hợp kiểm tra thủ công, hải quan phát hiện hai chiếc sừng (4,15kg) cất giấu kỹ lưỡng trong vali.

Theo kết quả giám định, đó là hai chiếc sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi đã bị cưa mất phần đầu và chẻ mất một phần gốc. Tháng 6-2005, Chung làm thủ tục xin đi xuất khẩu lao động. Bốn tháng sau, Chung lấy lý do đi Nam Phi thăm người thân nhưng mục đích chính là thu gom sừng tê giác. Bằng con đường này, Chung đã đi qua Nam Phi được bảy lần, lần cuối cùng là tháng 7-2007 cũng với lý do thăm người thân. Nhưng khi qua đến Nam Phi, Chung đã ghé chợ Nam Phi mua hai sừng tê giác với giá 10.000 USD để tuồn về VN.

Lòng vòng trên đường bộ


Sừng tê giác vận chuyển lậu về VN bị bắt giữ tại sân bay Nội Bài - Ảnh tư liệu

Ngoài đường hàng không, những tay buôn bán sừng tê giác tận dụng đường bộ để vận chuyển qua biên giới. Ở miền Bắc, theo nhận định của thượng tá Lê Hồng Sơn - phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội, có hai đường dân buôn lậu hay đánh sừng tê giác về là hướng đường bộ từ Lào qua các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và đường hàng không.

Trên đường bộ, nhiều tay buôn tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã móc nối với một số tội phạm từ Lào mua bán các loại sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là sừng tê giác. Có những chuyến hàng họ phải mua bán lòng vòng, qua nhiều quốc gia mới đem về được VN.

Đầu tháng 6-2008, Cục Cảnh sát môi trường (C36) đã bắt quả tang Nguyễn Văn Báu, 36 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tàng trữ một sừng tê giác dài khoảng 24cm, nặng khoảng 1,27kg và một miếng sừng tê giác nặng khoảng 64 gam. Số hàng trên được Báu mua của một người tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), sau đó đem về Hà Nội tiêu thụ.

Mặc dù rao bán với giá cắt cổ, hàng chục triệu đồng/lạng, nhưng vẫn có khách tìm đến mua hàng của Báu. Các trinh sát C36 đã lần ra dấu vết của Báu và bắt quả tang việc mua bán. Theo C36, đây có thể là một mắt xích trong đường dây vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật hoang dã xuyên quốc gia, do đó công an đã khởi tố điều tra đối với Báu.

Cùng thời điểm này, C36 cũng bắt quả tang Đậu Đức Dũng, 31 tuổi, trú phường Vân Giang (Ninh Bình) và Nguyễn Thị Loan, 42 tuổi, trú huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), đang bán 1,2kg sừng tê giác cùng nhiều sản phẩm động vật hoang dã có giá trị khác. Qua xác minh ban đầu, công an đã làm rõ Loan mua số sừng tê giác trên tại Bắc Ninh với giá 29 triệu đồng/100 gam, sau đó Dũng bán với giá 33 triệu đồng/100 gam để ăn chênh lệch.

Hiện cả hai đã bị khởi tố để điều tra làm rõ hành vi buôn bán động vật quý hiếm. Theo nhận định của thượng tá Lê Hồng Sơn, các vụ buôn bán sừng tê giác theo đường bộ chủ yếu là sừng tê giác có nguồn gốc từ các nước châu Á. Riêng sừng tê giác có nguồn gốc châu Phi thường được vận chuyển qua đường hàng không.

Thời gian qua, cơ quan Hải quan sân bay Nội Bài đã phát hiện nhiều vụ và giao cho kiểm lâm, cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ. Trong số này có những vụ các đối tượng vận chuyển với số lượng lớn, hàng chục ký sừng tê giác từ Nam Phi về VN mới bị phát hiện.

Chỉ kém “hàng trắng”

Tê giác gần như đã tuyệt chủng tại VN, hiện chỉ còn rừng quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) xuất hiện một vài con. Do đó, dân săn bắn trong nước không thể có hàng cung cấp cho thị trường quốc nội.

Điều này dẫn đến tình trạng buôn sừng tê giác từ nước ngoài về VN phát triển mạnh những năm qua. Sừng tê giác được phân chia thành nhiều loại với đẳng cấp khác nhau, gồm sừng tê giác trắng, đen và nguồn gốc châu Phi, châu Á. Hàng châu Á tuy nhỏ nhưng có giá trị hơn, trị giá khoảng 3.000 USD/lạng; trong khi sừng tê giác nguồn gốc từ châu Phi có giá thấp hơn, khoảng 2.000 USD/lạng.

Giá sừng tê giác tại thị trường VN liên tục tăng cao. Hiện giá 1kg sừng tê giác nguyên chiếc dao động 15.000-18.000 USD. Giới nhà nghề còn khẳng định tại các thị trường rất chuộng sừng tê giác và có nhu cầu cao như Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, sừng tê giác thường được “hét” giá 50.000-60.000 USD/kg.

Giá thành thực tế của những chiếc sừng tê giác trước khi được đưa về VN chỉ xấp xỉ một nửa so với giá trong nước nên đây được coi là một món hàng siêu lợi nhuận. Buôn lậu sừng tê giác được giới buôn lậu đánh giá chỉ kém so với “hàng trắng” (ma túy) chứ không thua kém bất cứ mặt hàng nào khác.

Theo Hoàng Khương - Minh Quang (Tuổi Trẻ)

Kỳ 1: Săn trộm sừng tê giác
Kỳ 2: Đường đi của sừng tê giác 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.