Dân "chóng mặt" vì đồng hồ nước chạy sai

02/10/2005 23:07 GMT+7

Thời gian gần đây, không ít người dân sử dụng nước máy ở TP.HCM than phiền về tình trạng chỉ số trên đồng hồ nước (ĐHN) chạy nhanh đến chóng mặt, dù lượng nước sử dụng vẫn như trước đây.

Ông Nguyễn Minh Châu ngụ ở 1063 (70/3) Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú cho biết: "Gần 8 năm nay, ĐHN nhà tôi chạy rất nhanh nhưng gia đình không biết. Thời gian gần đây, gia đình tôi mua bồn chứa nước mới nhận ra điều này. Thể tích bồn là 1,5m3 nhưng khi nước chảy đầy bồn thì ĐHN chỉ 2,6m3. Tính ra mỗi tháng gia đình tôi sử dụng 40 - 50m3 nước nhưng đóng tiền nước tới 70 - 80m3 nước". Ngày 30.9, đại diện Chi nhánh Cấp nước (CNCN) Phú Hòa Tân đến kiểm tra độ chính xác của ĐHN nhà ông Châu bằng cách dùng một đồng hồ điện tử đo và kết luận ĐHN của ông Châu chạy nhanh với mức sai số là 6,2%. CNCN Phú Hòa Tân cho biết sẽ thay ĐHN mới và bồi thường mức thiệt hại là khoảng 5m3 nước/tháng. Không đồng ý với mức bồi thường này, ông Châu nói: "Mức sai số như thế là quá nhỏ so với thực tế, theo ước tính của gia đình tôi, mức sai số khoảng 30%. Gia đình tôi đã mua một ĐHN mới và đo lại trong vòng 1 tuần để xem độ chính xác. Nếu thật sự đúng như ước tính của gia đình tôi thì mức thiệt hại mà công ty cấp nước phải bồi thường là 20 - 30m3/tháng và phải bồi thường thiệt hại trong 8 năm qua".

Trường hợp gia đình ông Nguyễn Doãn Đường, nhà số 241/6 Liên tỉnh 5, P.5, Q.8 thì khác. Từ tháng 12.2003 đến tháng 2.2005, lượng nước tiêu thụ bình quân của gia đình ông Đường khoảng 32m3/tháng. Nhưng từ tháng 3.2005 đến tháng 7.2005, lượng nước tiêu thụ đã tăng đột biến: kỳ 3/2005 là 58m3; kỳ 4/2005 là 63m3; kỳ 5/2005 là 72m3; kỳ 6/2005 là 92m3 và kỳ 7/2005 là 88m3. Ông Đường đã báo cho CNCN Chợ Lớn đến kiểm tra. Chi nhánh yêu cầu ông đóng 100 ngàn đồng chi phí kiểm tra, kiểm định và cho nhân viên đến gỡ đồng hồ cũ mang đi, thay bằng ĐHN mới. Ông Đường cho biết: "Cán bộ kỹ thuật CNCN Chợ Lớn đã không niêm phong ĐHN  tháo gỡ đi, nên không biết đồng hồ cũ được kiểm định có mức sai số bao nhiêu?". Kết quả kiểm định ĐHN cũ của ông Đường, theo thư trả lời của CNCN Chợ Lớn, có sai số 3,1%, tức trong mức cho phép. Ông Đường không đồng ý với kết quả này, vì theo ông, sau khi thay ĐHN mới, lượng nước tiêu thụ giảm hẳn. Tiếp xúc với PV Báo Thanh Niên, ông Khuê, người nhà ông Đường cho biết thêm: "ĐHN cũ được lắp đặt năm 2003, tức mới sử dụng khoảng 2 năm. Trước khi nhân viên cấp nước tháo gỡ ĐHN này mang đi, gia đình tôi có thử mở nước vào hồ chứa có dung tích 1,3m3, nhưng ĐHN nhảy lên đến 4m3. Sau khi thay ĐHN mới, tôi cũng thử lại như vậy thì ĐHN mới chạy đúng 1,3m3. Nhân viên cấp nước cũng nói với chúng tôi ĐHN cũ chạy sai, nhưng không hiểu sao kết quả kiểm định lại nói chạy đúng ?". Theo tính toán của ông Đường, mức sai số giữa ĐHN cũ và mới chênh lệch nhau 2,05 lần. Ông Đường tiếp tục khiếu nại, yêu cầu CNCN Chợ Lớn giải quyết hoàn trả số tiền chênh lệch trong 5 tháng lượng nước tăng cao mà ông cho rằng do ĐHN bị hư.

Còn trường hợp của bà Nguyễn Thị Lệ, ngụ ở số 8 Nguyễn Thái Học, P.Tân Thành, Q.Tân Phú (TP.HCM) thì: "Khoảng 5 tháng nay, từ lúc thay ĐHN mới, nó chạy như chong chóng!".  Nhà chỉ có 6 người, trong đó có 4 người sử dụng nước sinh hoạt cho nấu ăn, tắm giặt, còn 2 người lâu lâu mới về nhà mà số nước lên 100 - 140m3, tiền nước phải đóng từ 700.000 - 1.000.000 đ/tháng. Trong khi trước đây, tiền nước gia đình bà phải trả mỗi tháng chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Đơn vị cấp nước đã xuống kiểm tra đường ống, ĐHN. Nguyên nhân do đường ống bị bể làm nước rò rỉ. Sau khi sửa chữa lại đường ống, lượng nước mỗi tháng còn khoảng 90m3. Nhưng theo bà Lệ, như thế vẫn còn vượt quá cao so với mức nước mà gia đình bà sử dụng và bà đề nghị được thay ĐHN mới. "Với mức thiệt hại hằâng tháng từ 500.000 - 700.000 đồng như thế này, gia đình tôi không thể nào chấp nhận được" - bà Lệ nói.

Ông Lý Chung Dân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO): Giải quyết nhanh khiếu nại của khách hàng trong 10 ngày đầu tháng 10

Năm nay, SAWACO sẽ thay 100.000 ĐHN đã qua 5 năm sử dụng. Chi phí thay ĐHN do SAWACO chịu. Ông Lý Chung Dân cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về vấn đề ĐHN chạy sai.

* Xin ông cho biết, ĐHN đang sử dụng tại TP.HCM có nguồn gốc từ đâu, do ai sản xuất?

- Tính đến thời điểm hiện nay, SAWACO đang quản lý trên 500.000 ĐHN của khách hàng, trong đó 95% là ĐHN cỡ 15 mm. Số lượng ĐHN gồm nhiều hiệu được sản xuất ở nước ngoài hoặc lắp ráp tại Việt Nam với linh kiện nguyên bộ nhập ngoại. Các nhãn hiệu ĐHN đang được sử dụng là ThaiAichi và Asahi sản xuất tại Thái Lan theo công nghệ Nhật Bản; hiệu Actaris Multimag sản xuất tại Indonesia theo công nghệ của Pháp; hiệu Zenner Coma lắp ráp tại Việt Nam theo công nghệ của Đức (số lượng ít); hiệu Lugiaco đúc vỏ và lắp ráp tại Việt Nam bằng bộ ruột nhập khẩu từ Ý trong dự án của Công ty Đầu tư khai thác nước sông Sài Gòn trước đây và hiện nay không còn sản xuất nữa (số lượng ít). 

* Cơ quan nào kiểm tra chất lượng ĐHN trước khi đưa vào sử dụng?

- Theo quy định, ĐHN phải do một đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường -  Chất lượng VN (TCTCĐLCLVN) ủy quyền kiểm định. ĐHN nào kiểm định đạt yêu cầu mới được dán tem do TCTCĐLCLVN phát hành, cấp giấy chứng nhận kiểm định và đưa vào sử dụng. Hiện SAWACO có hệ thống kiểm định ĐHN lớn nhất khu vực phía Nam và được TCTCĐLCLVN cấp Quyết định ủy quyền kiểm định ban đầu và định kỳ các ĐHN cấp A, B cỡ từ 15 - 50 mm. Thời hạn uỷ quyền kiểm định là 3 năm, hằng năm Thanh tra của TCTCĐLCLVN đến kiểm tra về hồ sơ kiểm định ĐHN trong năm, độ chính xác của các dàn thử nghiệm kiểm định ĐHN, nếu đạt yêu cầu thì sau 3 năm sẽ cấp Quyết định gia hạn thời gian ủy quyền kiểm định.

* ĐHN sử dụng trong thời gian bao lâu thì phải thay?

- Quá trình sử dụng, sau một thời gian, ĐHN sẽ có những biến đổi, có thể chạy nhanh hơn, hoặc chậm hơn. Theo Quyết định 65/2002 ngày 19.8.2002 của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, thì ĐHN có chu kỳ kiểm định là 5 năm. Do đó, SAWACO có quy định thời gian thay định kỳ ĐHN cỡ nhỏ của khách hàng là 5 năm/lần, cho dù ĐHN chạy đúng hay sai. Mọi chi phí thay ĐHN định kỳ đều do SAWACO chịu. SAWACO đã đưa ra kế hoạch thay ĐHN định kỳ năm 2005 là 100.000 chiếc. Trong chu kỳ 5 năm, nếu nghi ngờ ĐHN chạy sai, khách hàng có quyền khiếu nại. Khi kiểm tra, ĐHN có tỷ lệ sai số không vượt quá ±5% thì xem như chạy đúng.

* Một số ĐHN vẫn còn trong thời hạn 5 năm nhưng lại chạy sai, vì sao thưa ông?

- Loại ĐHN đang sử dụng tại TP.HCM phần lớn là loại đồng hồ vận tốc, một ít là loại đồng hồ thể tích. Loại thể tích có tỉ lệ sai số ít hơn, chạy chính xác hơn, nhưng có nhược điểm là dễ bị kẹt số. Còn loại đồng hồ vận tốc, qua sự cố nước đục, nước vàng vừa qua, khả năng sẽ xảy ra trường hợp ĐHN chạy nhanh hoặc chạy chậm. Nếu cặn trong nước tích tụ trong hộp phun của ĐHN (chong chóng quay nằm trong hộp này), gây hẹp lỗ tia phun, áp lực tia phun sẽ mạnh hơn, làm cho chong chóng quay nhanh hơn, tức  làm cho ĐHN chạy nhanh. Còn nếu cặn bám vào chong chóng, sẽ làm cho chong chóng quay chậm lại, tức ĐHN chạy chậm.

* Trong các trường hợp khiếu nại ĐHN chạy sai thời gian qua, số lượng ĐHN có tỷ lệ sai số vượt ±5% là bao nhiêu?

- Theo thống kê từ các CNCN, số khách hàng khiếu nại trong năm 2003 là 932 trường hợp, khi kiểm tra có 50 trường hợp vượt ±5% (gồm trường hợp ĐHN chạy nhanh và chạy chậm). Năm 2004 có 1.109 trường hợp khiếu nại, có 78 trường hợp vượt ±5%. Còn trong 938 trường hợp khiếu nại trong 9 tháng đầu năm 2005, có 129 trường hợp vượt ±5%. Thường thì chỉ có những khách hàng nào có cảm giác ĐHN nhà mình chạy nhanh thì mới khiếu nại.

* SAWACO giải quyết như thế nào về các khiếu nại của khách hàng?

- Tổng công ty đã yêu cầu các CNCN phải giải quyết nhanh các khiếu nại tồn đọng của khách hàng trong vòng 10 ngày đầu của tháng 10 này, đồng thời kiểm tra ĐHN ở các khu vực xảy ra sự cố nước đục vừa qua để có kế hoạch thay ngay các ĐHN chạy không chính xác. ĐHN bị khiếu nại, chúng tôi sẽ tháo ra, niêm phong lại, thay bằng ĐHN khác, sau đó đem đến nơi kiểm tra dưới sự chứng kiến của người khiếu nại. Để việc kiểm tra khách quan hơn, chúng tôi thuê Trung tâm TCĐLCL khu vực 3 để kiểm tra ĐHN của khách hàng mà không kiểm tra ở Xí nghiệp Cơ khí công trình (thuộc SAWACO) nữa.

* Vì sao các CNCN yêu cầu khách hàng khiếu nại phải nộp chi phí 100.000 đồng để được kiểm tra ĐHN?

- Đây là chi phí tháo gỡ, kiểm định và gắn lại ĐHN. Có lẽ chúng tôi sẽ chỉnh sửa lại quy định này. Nếu ĐHN chạy đúng thì khách hàng phải chịu khoản tiền này, còn nếu ĐHN chạy sai thì CNCN phải chịu chi phí, đồng thời còn phải hoàn trả lại khoản tiền chênh lệch do ĐHN chạy sai.

Mai Vọng
(thực hiện)

Mai Vọng - Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.