Đầu va nhẹ có thể chết

09/12/2008 09:52 GMT+7

Có những người già chấn thương sọ não sắp đến hồi nguy kịch nhưng lại biểu hiện như người mắc bệnh tâm thần phân liệt!

Ông Nguyễn Văn A, 65 tuổi, đến phòng khám chuyên khoa ngoại thần kinh khám vì nhức đầu đã hai tuần, điều trị nhiều chuyên khoa khác không bớt. Ông tự đi lại, trả lời bác sĩ chính xác tuy hơi chậm, bản thân ông cũng không nhớ có va chạm gì vào đầu không. Bác sĩ nghĩ ngay đến một bệnh lý thần kinh ở người già và cho mời người nhà vào hỏi thêm. Kết quả là đã khai thác thêm một số điều quan trọng: một tháng trước ông trượt chân ngã có va chạm đầu, tuy nhiên ông quên mất vì không đau, kèm theo là gần đây ông hay quên và nóng tính.

Chỉ cần một va chạm nhẹ, thậm chí là xoay lắc đầu có thể gây giằng đứt một mạch máu nhỏ trong sọ, vốn đã xơ và bị kéo căng ở người già

Tổng hợp các thông tin, bác sĩ cho chụp CT-Scan và phát hiện trong sọ ông có rất nhiều máu tích tụ dưới màng cứng của sọ, chèn ép não ở mức độ nguy hiểm. Ông được phẫu thuật cấp cứu ngay trong ngày để lấy khối máu tụ bằng một cuộc mổ khoan sọ tương đối đơn giản. Sau mổ một tuần, ông ra viện hoàn toàn tỉnh táo, hết nhức đầu.

Bác sĩ  giải thích với người nhà là ông A rất may mắn được phát hiện bệnh và phẫu thuật sớm. Những bệnh nhân với loại bệnh lý này thường được đưa vào bệnh viện muộn và cũng có những trường hợp đáng tiếc, bệnh nhân hôn mê đột ngột sau một hoạt động gắng sức và khi đến được bệnh viện thì đã quá nặng, không thể phẫu thuật hay phẫu thuật có rất ít kết quả.

Chậm và kín

Chúng ta đều nghĩ bộ não được che chở trong hộp sọ vững chắc, do đó chấn thương trong sọ chỉ có khi đầu bị va chạm mạnh, kèm theo thương tích da đầu, làm bệnh nhân nhức đầu, buồn nôn và thậm chí có thể hôn mê, chết ngay lập tức. Những người bị va chạm đầu nhẹ, tỉnh táo, không có triệu chứng gì cả tuần sau tai nạn thì ít có khả năng chấn thương sọ não. Điều này đúng trong hầu hết các trường hợp, tuy nhiên lại không đúng ở người có tuổi (thường trên 60).

Bệnh lý đặc biệt này chính là máu tụ dưới màng cứng mạn, thường xảy ra ở người già, mô não thoái hóa và thể tích thu nhỏ lại (teo não người già), hộp sọ lại không co giãn được nên phần thể tích còn lại trong sọ chứa đầy dịch não tủy, não như được treo trong sọ nhờ vào các mạch máu và các liềm, vách. Do đó chỉ cần một va chạm nhẹ, thậm chí là xoay lắc đầu có thể gây giằng đứt một mạch máu nhỏ trong sọ, vốn đã xơ và bị kéo căng ở người già. Máu chảy rỉ rả vào khoang giữa não và màng cứng của não nhưng không gây triệu chứng vì chưa đủ gây ra chèn ép mô não. Các cơ chế sinh hóa, sinh lý tiếp theo sẽ làm thay đổi khối máu tụ, tạo bao, tân sinh mạch máu, gây chảy máu thêm và hút nước vào bao máu tụ.

Bao máu tụ ngày càng lớn dần và từ từ chèn ép não gây triệu chứng rất kín đáo, khó phát hiện, thường là nhức đầu, mất tập trung, quên, ngủ gà ngủ gật, mất trí giống như biểu hiện bệnh tâm thần phân liệt. Đến một thời điểm thích hợp, bệnh nhân lơ mơ hay hôn mê, yếu hay liệt hoàn toàn nửa thân người kèm theo đồng tử (con ngươi) bị giãn. Nếu không được điều trị kịp thời, não sẽ bị chèn ép nặng gây tình trạng tụt kẹt não vào các khe trong sọ, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

Biết sớm mới tốt

Trước khi có máy CT-Scan rất khó phát hiện bệnh lý này. Một số bệnh nhân được đưa vào các trung tâm tâm thần vì có các triệu chứng tâm thần như lú lẫn, quên, nói nhảm…Việc chấn thương đầu trước đó thường không được để ý vì đã xảy ra tương đối lâu (khoảng hai tuần đến nhiều tháng) và vì những người già cũng thường hay té ngã. Những bệnh nhân này có thể tử vong sau đó mà không biết được nguyên nhân xác thực.

Ngày nay, việc chụp CT-Scan tương đối phổ biến và các bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh đã có nhiều kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị loại bệnh lý này. Hầu hết bệnh nhân được điều trị tốt. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị sớm vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Không ít trường hợp bệnh nhân được đưa vào bệnh viện muộn vì nhiều lý do.

Chính vì vậy, mong các gia đình có người già biết triệu chứng của loại bệnh lý này để có thể chú ý theo dõi người thân của mình sau một chấn thương đầu nhẹ, kịp thời đưa bệnh nhân đến các phòng khám chuyên khoa thần kinh khi có các triệu chứng nghi ngờ.

ThS.BS Dương Thanh Tùng
(BV Nhân Dân Gia Định, TP.HCM/Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.