Vì sao hơn 900 chỉ tiêu biên chế bị treo?

15/12/2008 22:14 GMT+7

Liên tục trong hai kỳ họp thứ 10 và 11 của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, các đại biểu đã bày tỏ bức xúc về công tác tuyển dụng công chức không đạt chỉ tiêu của hai ngành y tế và giáo dục tại địa phương.

Tại kỳ họp thứ 11 diễn ra từ ngày 9 đến 11.12.2008, ông Phan Công Tuyên, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh đã chỉ ra rằng: "Tình trạng thiếu giáo viên đã gây khó khăn cho hoạt động giảng dạy của các cơ sở giáo dục. Tính đến ngày 12.11, trên toàn tỉnh vẫn còn 852 chỉ tiêu biên chế được HĐND tỉnh phân bổ từ đầu năm cho ngành giáo dục vẫn chưa được tuyển dụng".

Còn nhớ tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ 10 đến 11.7.2008, đại biểu Đoàn Nhuận (Ban Pháp chế HĐND tỉnh) cho rằng, lâu nay thông tin về tuyển dụng biên chế trong ngành giáo dục không được phổ biến một cách rộng rãi đến với phụ huynh và con em của họ đang học trong các ngành sư phạm. Ông Nhuận nói: "Hằng năm, trường nào còn thiếu bao nhiêu giáo viên của môn học nào hầu như không được thông tin rộng rãi. Thông tin về chỉ tiêu biên chế và tuyển dụng hằng năm của ngành giáo dục hầu như chìm trong bóng tối". Nhưng trả lời chất vấn này, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: quy trình tuyển dụng biên chế thuộc sở quản lý trong các năm qua luôn bảo đảm công khai, minh bạch, có sự giám sát của Sở Nội vụ. Sở dĩ việc tuyển dụng diễn ra chậm vì công tác đào tạo ở các cơ sở đào tạo không đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng.

Thông tin về chỉ tiêu biên chế và tuyển dụng hằng năm của ngành giáo dục hầu như chìm trong bóng tối
Đoàn Nhuận, đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Bên cạnh công tác tuyển dụng chậm và khó hiểu của ngành giáo dục, ngành y tế cũng... than vãn vì tuyển không ra người. Năm 2008, HĐND tỉnh đã phân bổ cho ngành này 51 chỉ tiêu (gồm dược sĩ đại học và bác sĩ) để bổ sung cho mạng lưới y tế cơ sở. Thế nhưng, chỉ tuyển được 1/51 chỉ tiêu. Nguyên nhân tuyển dụng không được, theo ngành này là do tỉnh chưa có chính sách đãi ngộ nên các đợt tuyển dụng không có người đến nộp đơn hoặc có nhưng sau đó đã bỏ không nhận nhiệm sở. Được biết, hiện ngành y tế đang kiến nghị tỉnh có chế độ đãi ngộ thích hợp để tháo gỡ khó khăn này.

Nếu như ngành y tế đang thực sự gặp những khó khăn khách quan, thì cách lý giải của ngành giáo dục như trên là rất khó thuyết phục. Bởi ở Thừa Thiên-Huế, ngoài trường ĐH Sư phạm Huế, mỗi năm có hàng trăm sinh viên của tỉnh tốt nghiệp ra trường. Ngoài ra còn có rất nhiều chương trình liên kết đào tạo cả hệ chính quy và không chính quy. Cộng chung cũng lên đến con số hàng ngàn. Số sinh viên này, đa phần phải "tự bơi" giữa thị trường lao động, chấp nhận làm trái ngành hoặc phải "dạt" đi các tỉnh xa để kiếm việc làm. Trong khi đó, các thông báo tuyển dụng của ngành giáo dục dù có thông báo trên đài truyền hình địa phương nhưng được phát "nhanh đến mức không kịp nghe"; hoặc thông tin khi đến tay người có nhu cầu thì thời hạn nộp hồ sơ cũng đã hết (!).

Bùi Ngọc Long

* Phú Yên: 10 năm "treo" biên chế
* Những người thầy không biên chế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.