Làng đèn lồng làm… lồng chim

18/11/2011 08:00 GMT+7

Làng Vác thuộc xã Dân Hòa, H.Thanh Oai, Hà Nội vốn nổi tiếng với nghề làm đèn ông sao, quạt giấy, nhưng hiện tại, đại đa số đã chuyển sang làm lồng chim.

Làng Vác thuộc xã Dân Hòa, H.Thanh Oai, Hà Nội vốn nổi tiếng với nghề làm đèn ông sao, quạt giấy, nhưng hiện tại, đại đa số đã chuyển sang làm lồng chim.

Cách trung tâm thành phố 35km, từ những mét đường đầu tiên dẫn vào làng, đã thấy cơ man các cửa hàng bán lồng chim.

Khắp đường lớn, ngõ nhỏ quanh làng Vác, đâu đâu cũng gặp những nam thanh niên khỏe mạnh xẻ gỗ mít làm đáy lồng, chẻ cây trúc làm nan lồng.

Gần giữa làng là một đám tắc đường vì hai xe tải loại to đợi bốc lồng chim đem đi bán tỉnh xa choán hết cả lối đi.

Cụ ông Lương Văn Hoàn, 79 tuổi cho hay, nghề làm đèn lồng, đèn ông sao, làm quạt giấy đã xuất hiện và tồn tại ở làng Vác hàng trăm năm nay.

Từ thời tóc còn để chỏm, ông Hoàn đã được ông nội truyền lại nghề, tính cả con, cháu thì vừa đúng 5 đời.

Nhưng giờ thì dân làng Vác đã không còn mặn mà mấy với nghề.

“Cả làng có mấy ai làm đèn, làm quạt giấy nữa đâu. Vì có làm ra thì bán cũng rẻ lắm, 5.000 đồng một chiếc đèn, một cái quạt, mà chẳng ai mua. Trong khi đấy, nếu làm lồng chim, thì một thợ tay nghề bình thường, ngày cũng làm được 4 cái lồng, giá trên dưới 100.000 đồng/lồng”, ông Hoàn cho hay.

 
Nghề làm lồng chim ở Vác đã giúp người dân làm giàu - Ảnh: Minh Sang

Cũng chính vì lý do trên mà đã hơn 5 năm nay, gia đình cụ Nguyễn Văn Chính đã ngưng sản xuất đèn lồng.

Cụ Chính bảo, các con sống hiện đại, phải lo cuộc sống gia đình, từ khi có phong trào nuôi chim cảnh, 6 người con cụ Chính đã khấm khá hơn hẳn. Họ mua được xe máy tay ga đắt tiền, xây được nhà ba, bốn tầng.

Anh Nguyễn Văn Thắng, người con thứ hai của cụ Chính, kể: “Trước đây, gia đình thường đặt các họa tiết trang trí, thuê làm những công đoạn khó. Rồi khi làm ra lại bán lại cho dân buôn, nên lờ lãi cũng chẳng đáng là bao. Nhưng giờ gia đình đã sắm đủ các loại máy móc, thuê thêm nhân công, nên tiền lãi thu về tăng đáng kể”.

Theo anh Thắng, ngoài những chiếc lồng hàng “chợ” có giá sàn là vài trăm nghìn, cơ sở nhà anh còn nhận làm những chiếc lồng có họa tiết chạm khắc tinh xảo có giá gần chục triệu đồng. Do vậy, những người thợ làm trong cơ sở của anh đều có thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/tháng.

Còn anh Trần Trí Tùng, một người thợ lành nghề ở làng Vác thì bảo, lồng chim làng Vác được làm ra đã không những bền mà còn đẹp, nên lồng làm tới đâu bán hết tới đó. Nhiều lái buôn tận Lạng Sơn, TP.HCM, Cà Mau… cũng tìm về làng Vác đặt hàng.

“Mới hồi đầu tháng 10, một đại gia Sài Gòn chuyển vào tài khoản 15 triệu đồng, rồi yêu cầu mình làm một chiếc lồng thật đặc biệt, thật tinh xảo để làm “tổ” cho một chú chào mào mới mua từ Thanh Hóa với giá 70 triệu đồng. Với chiếc lồng kiểu này, tôi mất đúng một tuần chỉ để đi tìm gỗ mít hàng trăm tuổi và những thân cây trúc già nhất, thêm gần hai tuần để hoàn thành nó”, anh Tùng hào hứng khoe.

Cũng theo anh Tùng, hiện không riêng gì gia đình anh, mà chiếm đại đa số các hộ trong làng, kinh doanh lồng chim được coi là thu nhập chính.

Anh Phùng Văn Đức, một người chuyên làm lồng “hàng chợ” đem đổ buôn ở phố Phùng Hưng, chợ Mơ, đường Bưởi thì kể: vì không sống được bằng đan đèn lồng, làm quạt, vợ chồng anh đã từng phải đưa nhau ra Hà Nội đứng ở chợ người để bán sức lao động. Nhưng chừng 7 năm đổ lại đây, khi nghề làm lồng chim phát triển, đôi bàn tay tài hoa chuyên làm những sản phẩm thủ công tre, trúc của một làng nghề truyền thống… đã giúp vợ chồng anh làm giàu.

Hiện, ngoài thời gian làm lồng chim, anh Đức còn kinh doanh các dịch vụ “ăn theo” như nuôi và bán chim cảnh. Thậm chí mới đây, anh Đức đã bán được một con chim khướu bạch tạng cho một dân chơi Hà Nội với giá lên đến 65 triệu đồng.

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.