"Xin" được tôn vinh ?!

31/10/2006 00:16 GMT+7

Lâu nay trên đời, sự tôn vinh bao giờ cũng là một thái độ, một cách làm của xã hội dành cho người nào đó có cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội mà họ đang sinh sống. Xã hội tôn vinh nghề thầy giáo vì đó là nghề "cao quý nhất của mọi nghề", vì "giáo dục là quốc sách hàng đầu", vì "không thầy đố mày làm nên".

Cả đất nước này ít có nhà nào không có người đi học, không nhờ thầy mà biết chữ. Bởi vậy, sự tôn vinh người thầy là hết sức cần thiết. Thế nhưng, cách tôn vinh người thầy như lâu nay chúng ta hay làm rất cần được xem xét lại.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, vị trí của người thầy được đánh giá bằng học vị (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ... nhằm xác nhận trình độ của người thầy thông qua việc người thầy đã được đào tạo như thế nào) và chức danh - trước đây là học hàm - (Giáo sư, Phó giáo sư nhằm xác nhận công lao, tài năng chuyên sâu của người thầy đứng trên bục giảng, cống hiến cho nhà trường và xã hội. Chức danh thường dành cho những người thầy dạy bậc cao đẳng, đại học trở lên.

Chúng ta còn học tập theo mô hình Liên Xô cũ khi xây dựng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú", "Nhà giáo Nhân dân" để tôn vinh sự cống hiến của thầy cô giáo. Chỉ có điều, việc học tập đó để triển khai ở nước ta đã đi quá xa - áp dụng danh hiệu trên cho cả bậc cao đẳng - đại học thay vì chỉ ở bậc mẫu giáo và phổ thông. Cách tôn vinh này có nhiều điều bất hợp lý!

Thứ nhất, để tôn vinh người thầy bậc ĐH đã có việc phong chức danh GS, PGS khẳng định công lao, tài năng, các công trình nghiên cứu của họ cũng như thời gian họ đứng trên bục giảng. Chỉ có người thầy bậc phổ thông, không có hình thức phong chức danh cho họ (vì họ thiên về nuôi dạy, không có công trình khoa học, không hướng dẫn sinh viên làm luận án...) nên mới cần danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú", "Nhà giáo Nhân dân" để tôn vinh công lao của họ.

Thứ hai, người thầy phải tự làm đơn "xin" được tôn vinh mình! Theo Thông tư 07/2006/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT hướng dẫn, người "xin được tôn vinh" còn "phải viết tay" bản khai thành tích (theo mẫu 2.1, 2.3...). Không hiểu yêu cầu này nhằm mục đích gì? Nó làm chúng ta chợt nhớ đến kiểu "hành dân" trong ngành giáo dục khi bắt buộc giáo viên soạn giáo án phải viết tay, không được đánh máy! Chúng tôi biết, có một trường ĐH nổi tiếng ở Hà Nội đã tự làm hồ sơ gửi Bộ tặng danh hiệu cho cán bộ của mình nhưng đã bị Bộ từ chối không nhận vì không có đơn tự viết tay!

Thứ ba, ngoài chuyện "phải viết tay" bản khai thành tích như đã nói, các mẫu năm 2006 cũng biểu hiện một sự "cải... lùi" vì biểu mẫu M1B (năm 2002) chỉ là "Bản khai tóm tắt thành tích nhà giáo...", trong khi năm nay phải là "Bản khai thành tích” (không được tóm tắt nữa!) và còn thêm "đề nghị xét tặng danh hiệu nhà giáo...”.

Thủ tục "xin" tôn vinh này đã làm một số nhà giáo (giống như một số nghệ sĩ như Xuân Hương, Cẩm Vân...) vì lòng tự trọng (không phải tự ái) cũng không "xin" được tôn vinh. Song lại có một số người thì cố xin cho được danh hiệu này tuy đã không còn đứng trên bục giảng trường mình từ lâu. Ngược lại, ở TP.HCM, cựu hiệu trưởng một trường trung học chuyên nổi tiếng với 40 năm đứng trên bục giảng, đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi cho đất nước cũng không được tôn vinh Nhà giáo Nhân dân chỉ vì quy định của Bộ: "Thời gian làm quản lý dù có tham gia giảng dạy cũng không được tính vào thời gian trực tiếp giảng dạy".

Luật được ban hành là nhằm điều tiết các hoạt động trong xã hội đúng hướng. Khi nó không còn hiệu quả hay không mang lại tác dụng tích cực thì liệu có nên tiếp tục duy trì?

Với cái kiểu "muốn được tôn vinh - phải xin", "muốn được tôn vinh - phải viết tay" như trên và áp dụng đại trà ở tất cả các bậc học như lâu nay thì liệu đến bao giờ sự tôn vinh người thầy ở nước ta hết tính hình thức? Người xứng đáng nhưng vì lòng tự trọng thì không được ghi nhận, tôn vinh trong khi người không có thực tài nhưng "chịu" viết đơn thì sẽ có đủ thứ danh hiệu?

Vĩnh Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.