Cùng đường tính quẩn

21/10/2008 23:26 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ đẩy đất nước Iceland lần đầu tiên đến bờ vực mà còn có thể buộc phải tính đến chuyện thay đổi cả những quyết định tưởng như bất di bất dịch trước đây cũng như sau này, trong đó có chuyện nên gia nhập EU hay không.

Đương nhiên là EU có lợi ích thiết thực khi kết nạp Iceland. Đảo quốc này không chỉ là một bộ phận của châu u về địa lý, lịch sử và văn hóa; đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chuẩn do EU đặt ra để được kết nạp, mà còn luôn chiếm vị trí chiến lược quan trọng trong thời chiến tranh lạnh cũng như trong quan hệ giữa EU và Nga hiện tại. Vì thế, EU không những luôn để ngỏ cửa cho Iceland mà còn nhiều lần mời nước này vào EU. Bây giờ cũng vậy, ngay sau khi Bộ trưởng Ngư nghiệp Iceland Einar Gudfinnsson, cũng là thành viên chính phủ đầu tiên của Iceland, đề cập đến khả năng Iceland gia nhập EU, Cao ủy EU về mở rộng EU Olli Renn lập tức hồ hởi đón chào.

Cho tới nay, không gia nhập EU là một chính sách lớn của Iceland. Người dân đảo quốc này không mặn mà với việc nước họ trở thành thành viên của EU vì mức sống của họ luôn cao hơn mức trung bình của EU, vì không thích bộ máy hành chính cồng kềnh của EU và đặc biệt là không muốn ngành đánh cá của họ nằm dưới sự quản lý và điều tiết của EU. Ngư nghiệp tuy chỉ chiếm 30% xuất khẩu và 5% GDP của Iceland nhưng lại là một phần bản sắc của nước này.

Bây giờ, tình thế phải nguy cấp lắm thì Chính phủ Iceland mới phải tính như vậy. Đảo quốc này cần gấp khoảng 5 tỉ euro để cứu trợ các ngân hàng mà Quỹ Tiền tệ quốc tế  (IMF) chỉ sẵn sàng cho vay 1 tỉ euro, EU chẳng cam kết gì và hy vọng lớn nhất là vay của Nga nhưng chắc chắn phải trả giá không nhỏ. Gia nhập EU để lần sau còn có thể dựa vào EU, nhưng sẽ bị mất tự do và tự chủ mà người dân đảo quốc tôn thờ lâu nay và không ít vấn đề mới sẽ nảy sinh từ đó. Cho nên suy tính này có thể là nhìn xa trông rộng, nhưng cũng rất có thể là tính quẩn.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.