Đề xuất thí nghiệm

17/11/2009 01:14 GMT+7

Đề xuất thu phí tự động (ERP) đối với ô tô vào trung tâm TP.HCM nhằm giảm kẹt xe mới đây gây không ít băn khoăn trong dư luận về tính khả thi cũng như tính hiệu quả của nó.

Băn khoăn là đúng. Bởi trong khi Công ty CP công nghệ Tiên Phong (ITD) - đơn vị được giao nghiên cứu việc thu phí - tỏ ra quá hào hứng với "công nghệ hiện đại của Singapore", thì lại chưa có một khảo sát thuyết phục nào cho thấy sự phù hợp khi áp dụng mô hình này vào điều kiện TP.HCM. Chính ông Lâm Thiếu Quân - Tổng giám đốc ITD - cũng thừa nhận chưa có nghiên cứu bước đầu, với lý do "chi phí khảo sát rất lớn nên công ty chỉ tiến hành khi được TP chính thức chấp thuận". Như vậy, ở đây, việc triển khai giải pháp được làm theo một quy trình ngược: thay vì khảo sát, thấy phù hợp rồi mới đề xuất; thì lại đề xuất, được chấp thuận rồi mới khảo sát. Giải pháp ERP, vì vậy, mới chỉ dừng lại ở mức "đề xuất khơi khơi".

ITD dẫn chứng hàng loạt thành công của các đô thị trên thế giới khi ứng dụng ERP. Tuy nhiên, ITD lại "quên" rằng đặc thù của TP.HCM hoàn toàn khác và sẽ là khập khiễng khi so sánh với Singapore, London (Anh), Stockholm (Thụy Điển)... Chưa nói về điều kiện hạ tầng, làn tuyến, mà ngay cả ý thức của người tham gia giao thông tại TP.HCM cũng không ở mức lý tưởng như các nước tiên tiến, và đó là thách thức rất lớn cho giải pháp ERP.

Một vấn đề quan trọng khác là giải pháp ERP không tự nó phát huy hiệu quả giảm kẹt xe, mà cần sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống giao thông công cộng và hệ thống giám sát xử phạt. Chẳng hạn, ở London, sau khi áp dụng ERP, ùn tắc giảm do 50 - 60% người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, trong khi đó xe buýt tại TP.HCM lại chưa đủ chất lượng lẫn số lượng để đảm đương vai trò thay thế xe cá nhân. Còn việc giám sát xử phạt ô tô trốn phí, nếu không xây dựng cơ chế phối hợp tốt, thì rất khó để một doanh nghiệp tư nhân như ITD "chỉ đạo" lực lượng CSGT.

Nếu đi vào phân tích tình hình kẹt xe tại TP.HCM sẽ thấy, khu vực trung tâm không phải là nơi kẹt xe căng thẳng nhất, mà chính là các quận lân cận như Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh... Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu hạn chế ô tô cũng không mấy khả quan, vì một khi đã có nhu cầu vào khu trung tâm (và nhu cầu này là rất lớn), thì việc phải đóng vài chục ngàn đồng tiền phí cũng khó làm nản lòng người sở hữu ô tô - vốn là các đối tượng có thu nhập cao.

Ngay việc chỉ định thầu một đơn vị tư nhân đầu tư thu phí mà không triển khai đấu thầu công khai, cũng vấp phải thắc mắc của một số chuyên gia. Lý do "ITD thực hiện đến 70% hệ thống thu phí tự động trên cả nước, nên thích hợp để thí điểm ERP" cũng chưa đủ sức thuyết phục. Bởi việc đấu thầu đặt các nhà thầu ngang hàng nhau, không hề có chuyện ưu ái cho nhà thầu "quen mặt". Và đấu thầu là để đảm bảo mục tiêu chọn được nhà thầu có năng lực cao nhất với chi phí thấp nhất.

Cũng có ý kiến cho rằng, TP.HCM cứ mạnh dạn thí điểm thì mới biết giải pháp ERP có phù hợp hay không. Tuy nhiên, nên nhớ cái giá cho việc thử nghiệm này không hề rẻ, lên đến 700 tỉ đồng. Việc đem tiền thuế và chính người dân ra làm thí nghiệm là một việc làm cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Như các chuyên gia đã phân tích, việc học hỏi giải pháp của đất nước nào phải trên cơ sở có nhiều điểm tương đồng với đất nước đó. Nếu không, mọi sự bắt chước sẽ trở thành đua đòi và sẽ lãnh đủ hậu quả.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.