Khang “dân ca”

24/10/2010 11:17 GMT+7

Hoàng Anh Khang từng là "hiện tượng" bởi có đến 201.355 lượt người truy cập vào ca khúc Bèo dạt mây trôi, và 81.343 lượt truy cập vào ca khúc Ði học trên YouTube do Anh Khang và Quang Thắng thể hiện. Và sau đó anh quyết định thực hiện album đầu tay, lập tức tạo nên một "hiện tượng" khác.

Ðó là lần đầu tiên có một nhà sản xuất người Mỹ gốc Việt của The Propeller Group gọi điện lúc 7g sáng, chỉ để xin được thực hiện clip cho một ca sĩ với lý do: "Cả công ty đều thích ca khúc Ai còn chờ ai và không muốn người nào khác có cơ hội thực hiện clip cho ca khúc này".

"Đã năm năm rồi đó"

Trước đó, nhạc sĩ Ðức Trí cũng bị mê hoặc bởi giọng ca và lối hát của Anh Khang và đã quyết định đầu tư vào chàng "ca sĩ mạng" này. Ngay từ những bản thu đầu tiên hết sức thô sơ được chia sẻ trên mạng cách đây gần bốn năm, Anh Khang đã tạo được sự chú ý bởi lối chọn ca khúc và thể hiện rất lạ. Lạ bởi Khang luôn chọn những nhạc cụ Tây và tự đệm piano hay guitar khi hát những khúc dân ca.

Lạ bởi vốn là "dân nhạc Tây" với khả năng chơi nhuần nhuyễn piano, guitar, trống, sáng tác và hòa âm, nhưng hễ cất giọng là ra dân ca, kể cả khi hát những ca khúc thuộc dòng nhạc trẻ ở các thể loại pop, R&B... Lạ hơn khi toàn thần tượng những giọng ca phương Tây, nhưng Anh Khang lại hân hoan bước vào cuộc chơi âm nhạc của đời mình với một hành trang thuần Việt.

"Lúc học lớp 10 (năm 2005) Khang được bạn bè rủ tham gia các hoạt động văn nghệ ở trung tâm nghệ thuật tình thương. Sau đó các bạn rủ ghi âm ca khúc. Chẳng hiểu sao khi ấy trong đầu cứ vang lên giai điệu của bài Ði học với Cọ xòe ô che nắng râm mát đường em đi..." - chàng ca sĩ sinh năm 1989 kể.

Rồi lại tự kết luận: "Có lẽ vì Khang sống từ bé trong khu tập thể văn hóa nghệ thuật của nhà hát tuồng, chèo, múa, xiếc... (bố là NSƯT Hoàng Văn Khiềm - nguyên giám đốc Nhà hát Tuồng VN - NV) nên bị nhiễm lúc nào chẳng hay".

Nhưng dẫu là "ngôi sao mạng" một thời với nhiều khác biệt như thế, Anh Khang cũng mất đến năm năm mới chính thức bước vào làng nhạc Việt với sự hậu thuẫn hết sức nhiệt tình của các chuyên gia ở MusicFaces. Hẳn vì cái duyên này mà Khang hát "đã năm năm rồi đó, anh vẫn nhớ ngày ấy..." (Ðã 5 năm - ca khúc mở đầu trong album Ai còn chờ ai).

"Ẩn" dân ca Việt vào tác phẩm

Khi bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp, Khang đã chọn cho mình một lối đi đúng với niềm đam mê, hiểu biết và cả những khả năng tự thân bằng cách thực hành âm nhạc dựa trên "xương sống" là âm hưởng dân ca Bắc bộ. Với cách làm này, Khang đã "ẩn" dân ca Việt vào giọng hát và tác phẩm, với chiếc áo bên ngoài là nhạc hiện đại của R&B.

Nhờ khéo "ẩn" mà những bản thu "tân cổ giao duyên, Tây ta kết hợp" của Anh Khang đã dễ dàng chạm vào trái tim của người nghe nhiều thế hệ. Người nghe đã yêu âm nhạc của Khang không chỉ vì sự thân thuộc ở giai điệu xen lẫn nét mới lạ của lối hòa âm hiện đại; bởi cách hát mộc mạc, mềm mại, quá ư là bình thản trong cuộc sống đầy áp lực này, mà còn vì thấy nơi đó một khát vọng làm "sống" âm nhạc dân gian, một quyết tâm không để âm nhạc độc đáo và quý giá của dân tộc trở thành những "cổ vật" trong bảo tàng.

Cùng với êkip thực hiện Ai còn chờ ai, Anh Khang tâm niệm nhạc dân tộc, những ca khúc mang âm hưởng dân ca không chỉ nên xuất hiện với bề ngoài là áo dài khăn đóng, ở những nơi dành cho người nước ngoài thưởng thức.

Những ngày tháng ngồi sau để chị gái Ngọc Anh (thành viên của nhóm 3A) chở đi học nhạc cụ và thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội, những giây phút lâng lâng với giải nhất cuộc thi Tuổi đời mênh mông cùng niềm hạnh phúc bất ngờ khi những bản thu của mình được yêu thích trên mạng, Anh Khang đủ trưởng thành để hiểu không dễ thực hiện tâm niệm này. Nhưng con đường sẽ bớt gian nan và ngắn lại bởi ngoài Anh Khang đã và đang có nhiều ca sĩ trẻ có cùng chí hướng: Lê Cát Trọng Lý, Thùy Chi, Sa Khang, Hoàng Quyên...

Con đường cũng sẽ rộng mở, nhộn nhịp và nhiều âm sắc hơn khi Khang bắt đầu "ngắm nghía" dân ca Trung bộ, Nam bộ và cả cải lương... để làm sườn cho những ca khúc sắp tới của mình.

Bằng chất giọng thiên phú, sinh ra để hát những bản ru ca hay những bài tình man mác buồn, ngay từ album đầu tay Ai còn chờ ai, Anh Khang đã đánh thức mọi giác quan và cảm xúc của người nghe. Đặc biệt trong ca khúc chủ đề chính, Anh Khang tự đệm guitar cho mình. Tiếng đàn thể hiện anh không chỉ là một ca sĩ mà còn là một nghệ sĩ có chuyên môn đáng tưởng thưởng.

Không chỉ có vậy, bên cạnh khả năng sáng tác, chơi nhạc cụ, Ai còn chờ ai cũng là album mà Anh Khang tham gia hòa âm phối khí như một nhà sản xuất chuyên nghiệp bên cạnh những người anh, người thầy của mình như Đức Trí, Dũng Dalat, Hoàng Anh, Laurent Jaccoux...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.