Ngày về đen tối của cựu Tổng thống Peru

23/09/2007 21:42 GMT+7

Chuyến bay đặc biệt chở ông Alberto Fujimori từ Chile đã đáp xuống sân bay quân sự Las Palmas của Peru hôm 22.9. Nhưng thay vì trở về khu dinh thự của mình, cựu Tổng thống Peru được đưa thẳng tới đồn cảnh sát.

Hành trình lặng lẽ

Sáng 22.9, một đoàn xe cảnh sát chở Alberto Fujimori rời khỏi khu nhà riêng của ông ở Santiago, Chile, nơi cựu Tổng thống Peru bị quản thúc trong thời gian gần đây. Ông Fujimori, 69 tuổi, sau đó được chuyển sang một máy bay trực thăng để đến sân bay quốc tế Santiago. Tại đây, một máy bay phản lực cánh quạt của cảnh sát Peru đã chờ sẵn. Ông Fujimori được đưa lên "chuyên cơ", bắt đầu chuyến hồi hương mà ông biết rằng sẽ đầy bất trắc. Máy bay sau đó dừng lại để tiếp nhiên liệu tại sân bay Tacna của Chile trước khi bay về thủ đô Lima của Peru.

Sau hành trình khá dài, máy bay đáp xuống căn cứ không quân Las Palmas ở Lima. Từ đây, ông Fujimori bị đưa thẳng tới đồn cảnh sát và sau đó đến nơi tạm giam, chứ không phải tới khu dinh thự cũ của ông.

Theo BBC, ban đầu máy bay chở cựu Tổng thống Fujimori dự định đáp xuống sân bay quốc tế Lima. Tuy nhiên, do ở đây có khoảng 700 người ủng hộ ông chờ sẵn nên người ta đã chuyển sang hạ cánh tại căn cứ Las Palmas để tránh những sự cố không đáng có. Trong số những người ra đón cựu Tổng thống Fujimori có Keiko Fujimori, người con gái 32 tuổi của ông hiện đang là nghị sĩ quốc hội.

Chuyến hồi hương sau 7 năm của Fujimori vào cuối tuần qua không có cờ, hoa như thời ông còn cầm quyền. Cựu Tổng thống Fujimori giờ đây hồi hương trong hoàn cảnh của một tên tội phạm bị tróc nã. Vì thế, thay cho hoa và cờ là trại giam và những phiên tòa đang chờ sẵn.

Cảnh sát Chile áp giải ông Fujimori ra máy bay

Quyền lực tan thành khói

Là con một gia đình Nhật di cư trước Thế chiến 2, ông Fujimori giữ hai quốc tịch Nhật và Peru. Theo hồ sơ cá nhân chính thức của Fujimori thì ông chào đời tại khu Miraflores thuộc Lima và cha mẹ ông đã xin Đại sứ quán Nhật Bản tại Peru cấp quy chế công dân cho con trai. Tuy nhiên, sau này các đối thủ chính trị của Fujimori lại tố cáo rằng thực ra ông sinh tại Nhật. Hiến pháp Peru quy định chỉ có người chào đời tại nước này mới có tư cách trở thành tổng thống, nên nếu ông Fujimori sinh tại Nhật thì việc ông làm Tổng thống Peru là vi hiến. Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ được xới lên khi Fujimori đã đi vào giai đoạn cuối của thời kỳ quyền lực.

Năm 1990, Fujimori bất ngờ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Peru trước đối thủ là nhà văn nổi tiếng thế giới Mario Vargas Llosa. Ông giành được sự ủng hộ của các cử tri nghèo và cử tri thiểu số, những người đã chán với sự nắm quyền của các chính trị gia gốc Tây Ban Nha.

Sau khi lên làm tổng thống, ông Fujimori thực hiện nhiều cải cách quan trọng, đưa Peru thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị dưới thời của người tiền nhiệm Alan García. Tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ không ngừng tăng. Tuy nhiên, sau khi ông giải tán quốc hội, "treo" hiến pháp và đình chỉ bộ máy tư pháp, người ta mới nhận thấy ở Fujimori còn có tính cách của một nhà độc tài.

Tổng thống Fujimori cũng trở thành tâm điểm chú ý khi xảy ra vụ khủng hoảng con tin ở Tòa đại sứ Nhật Bản. Vụ việc bắt đầu vào ngày 17.12.1996, khi các tay súng của lực lượng Tupac Amaru tấn công Sứ quán Nhật tại Lima và bắt khoảng 400 người làm con tin. Căng thẳng kéo dài tới ngày 22.4.1997 mới kết thúc, khi 140 lính đặc nhiệm Peru mở cuộc tấn công giải cứu. Kết thúc vụ việc, 1 con tin, 2 lính quốc gia và tất cả 14 tay súng Tupac Amaru thiệt mạng. Ông Fujimori đã tận dụng cuộc tấn công này để quảng bá cho chính sách không khoan nhượng với khủng bố. Hình ảnh ông xuất hiện tại Đại sứ quán Nhật khi khói súng chưa tan thu hút sự chú ý toàn thế giới. Nhiều người khen ông quyết đoán, nhưng cũng không ít lời chỉ trích về cách thức tiến hành giải cứu.

Ông Alberto Ken'ya Fujimori sinh ngày 28.7.1938, làm Tổng thống Peru hơn 2 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 3 dang dở), từ năm 1990 đến 2000. Cuối năm 2000, ông bị phế truất khi đang ở nước ngoài. Năm 2005, ông tới Chile và bị chính quyền nước sở tại bắt theo yêu cầu của Peru. Ngày 22.9.2007, Fujimori bị dẫn độ về Peru để đối mặt với các phiên xét xử tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Fujimori cưới vợ đầu là bà Susana Higuchi vào năm 1974 và ly dị năm 1998. Hai người có với nhau 4 người con. Năm 2006, khi đang bị tạm giam tại Chile, ông Fujimori đã cưới bà Satomi Kataoka, một nhà kinh doanh khách sạn thành đạt người Nhật.

Sau thời gian này, "đế chế" Alberto Fujimori bắt đầu suy yếu. Những lời chỉ trích nhằm vào ông ngày một nhiều, cáo buộc vi phạm nhân quyền, tham nhũng liên tục được đưa ra, trong đó có những vụ bị chìm xuồng từ năm 1991 cũng bị phanh phui. Phe đối lập còn đem chuyện tư cách tổng thống ra bàn. Tháng 7.1997, Tạp chí Caretas cáo buộc rằng giấy khai sinh của Fujimori đã được tẩy xóa và sửa chữa. Theo đó, nơi sinh của ông là ở Nhật nhưng người ta đã tẩy nó đi và ghi vào địa danh Miraflores, Lima.

Trong cuộc chạy đua nhiệm kỳ tổng thống thứ ba vào năm 2000, Fujimori bị chỉ trích kịch liệt về lạm quyền và đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ Alejandro Toledo, một giáo sư kinh doanh. Trong cuộc tranh cử vào tháng 4, không ứng cử viên nào giành được 50% số phiếu và cuộc bầu cử được tổ chức lại. Tuy nhiên, Toledo đã tẩy chay bầu cử vì cho rằng có gian lận, và Fujimori tái đắc cử.

Quyền lực của Fujimori bị suy suyển nghiêm trọng vào tháng 9.2000, khi người đứng đầu cơ quan tình báo của ông là Vladimiro Montesinos dính bê bối tham nhũng. Một đoạn băng phát trên truyền hình cho thấy Montesinos đang hối lộ một nhà chính trị đối lập. Cảnh phim đã củng cố lại những cáo buộc gian lận xung quanh cuộc bầu cử nhiệm kỳ thứ ba của Fujimori. Sau khi sa thải Montesinos, Fujimori kêu gọi bầu cử tổng thống sớm vào tháng 4.2001 và hứa không tranh cử nữa. Đầu tháng 11.2000, ông đối mặt với cáo buộc tham nhũng và gian lận, tiếp sau sự kiện Montesinos bị bắt.

Ngày 16.11.2000, Tổng thống Fujimori đang dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Brunei, các đảng đối lập đã chiếm lấy quyền kiểm soát quốc hội. Ngày hôm sau, Fujimori rời Brunei để bay sang cố quốc Nhật Bản. Từ đây, ông thông báo từ chức tổng thống. Tuy nhiên, Quốc hội Peru đã bác đơn từ chức và bỏ phiếu phế truất ông. Năm 2003, di sản chính trị của Fujimori tan thành mây khói khi Ủy ban Hòa giải và Sự thật Peru phát hiện chính sách chống khủng bố của ông đã mở đường cho việc lạm dụng nhân quyền, bao gồm cả tra tấn và giết người mà cơ quan tình báo do Montesinos chỉ huy thực hiện.

Máy bay cảnh sát Peru chở ông Fujimori về nước

Tội ác và trừng phạt

Sau khi bị phế truất, ông Fujimori đã sống lưu vong tại Nhật. Năm 2005, ông bất ngờ đến Chile, quốc gia láng giềng của Peru, để khôi phục lại tham vọng chính trị. Tuy nhiên, tại đây, Fujimori đã bị quản thúc và cuối cùng bị dẫn độ về Peru vào hôm 22.9 vừa qua. Tại Peru, ông sẽ đối mặt với hàng loạt lời buộc tội về lạm quyền, tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Hãng tin BBC dẫn hồ sơ của cơ quan công tố Peru cho biết Fujimori sẽ bị xét xử về việc đã chỉ đạo vụ thảm sát ở Barrios Altos hồi năm 1991, khiến 15 người thiệt mạng và vụ La Cantuta sau đó một năm, khi 9 sinh viên và 1 giáo sư Đại học La Cantuta bị bắt cóc và "biến mất". Fujimori cũng bị buộc tội biển thủ 15 triệu USD, hối lộ các nghị sĩ quốc hội và chỉ đạo nghe lén điện thoại của chính trị gia.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.