Bệnh ở bàn chân

20/11/2009 12:07 GMT+7

Đi giày dép quá chật so với kích cỡ của bàn chân hay đi giày có gót cao mũi nhỏ lâu ngày dễ gây nhiễm trùng hoặc để lại những di chứng ở bàn chân.

Trong cơ thể, bệnh xuất hiện ở bàn chân thường gây khó chịu nhất với cảm giác đau nhói vì chân phải gánh chịu toàn bộ phần cơ thể đè lên và do chân hoạt động đi lại nhiều. Do vậy, khi bàn chân bị tổn thương thì phần tổn thương này sẽ nhanh chóng tiến triển. Mặc dù vậy, bệnh ở bàn chân lại dễ bị bỏ qua nhất vì hầu hết mọi người xem những tổn thương ở chân chỉ là chuyện nhỏ.

Nhiễm trùng do móng chọc thịt

Bệnh thường gặp nhất ở bàn chân là tình trạng móng chọc thịt do phần hai bên của móng mọc cong lại, đâm vào vùng da của ngón chân, thường xảy ra ở ngón cái nhưng các ngón khác cũng có thể bị. Nguyên nhân do tình trạng cong tự nhiên quá mức bình thường của móng  do di truyền, mang giày quá chật, cắt tỉa móng không đúng cách, áp lực lên móng như chấn thương móng, đá banh, chạy hay nấm móng.

Khi bàn chân đi lại nhiều càng làm cho phần móng này lún sâu hơn vào phần thịt, vi trùng sẽ xâm nhập và gây viêm, sưng tấy ở vùng da quanh móng, thậm chí chảy mủ có mùi hôi. Khi móng chọc thịt thì vùng bên móng đỏ và đau, làm da quanh móng nhiễm trùng và sưng lên che một phần móng, thậm chí có thể rỉ dịch vàng hay mủ.

Vùng da xung quanh móng trở nên sưng đỏ, nhiễm trùng cũng xảy ra ở người bệnh phổi, lớn tuổi, tuần hoàn máu tay chân giảm làm cho móng cong lên. Bệnh nhân tiểu đường cần thận trọng hơn, ngay khi móng chỉ hơi đỏ cũng phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa vì thông thường tình trạng này ít khi gây đau nên bệnh nhân tiểu đường không quan tâm.

Ngoài việc ngâm với nước ấm, nếu đau quá thì phải làm tiểu phẫu để lấy một phần hay hoàn toàn móng. Nếu đã bị nhiễm trùng thì cho thêm kháng sinh, có thể dùng đường uống hay bôi tại chỗ. Điều trị chỉ kiểm soát nhiễm trùng tại chỗ và giảm đau. Tuy nhiên, tình trạng này rất dễ tái phát nếu không có biện pháp chăm sóc và ngăn ngừa tốt.

Mụn cóc lòng bàn chân cũng gây đau

Mụn cóc là bệnh tăng sinh thượng bì lành tính nhưng khi mụn cóc mọc ở lòng bàn chân do bị tì đè nên có thể gây đau khi đi lại. Mụn cóc biểu hiện là một nốt sẩn cứng 1-10 mm, đôi khi nứt và sùi lên, trên bề mặt có những đốm nâu đen.

Nếu không gây khó chịu thì không cần điều trị, cụ thể là nếu không nằm ở các vị trí tì đè gây đau đớn hay khó khăn khi đi lại. Trường hợp nặng, phải đốt lạnh, đốt điện, laser C02. Tuy nhiên, điều trị chỉ là tại chỗ, bản chất siêu vi vẫn còn tiềm ẩn trong cơ thể nên mụn cóc rất dễ tái phát và “nhảy” từ nơi này sang nơi khác trên cơ thể.

Để phòng ngừa tình trạng móng chọc thịt nên mang giày vừa vặn, tránh quá chật, tốt nhất mang giày xăng-đan; khi cắt móng chân, không cắt khóe, không cắt quá ngắn cũng như quá cong, giữ chân khô và sạch.

Đau chân do những nốt chai, xơ

Ở bàn chân thường có những nốt chai chân, chính là hiện tượng một lớp da ở chân bị chai cứng do đi giày hay dép quá chật so với kích cỡ của chân. Nốt chai chân rất dễ nhận biết vì chúng xuất hiện một vùng da dày cứng khác thường ở chân. Một mảng tăng sừng màu vàng, sờ vào cứng, hình tròn hay hình bầu dục xuất hiện ở các ngón chân, gan bàn chân trước, gót, mu chân đó là những vùng bị ma sát, tì đè nhiều trong sinh hoạt hằng ngày.

Ngoài ra, còn có thể thấy ở những vùng xương bị lồi ra như mắt cá ngoài, khuỷu tay. Thường không đau đớn nhưng càng về sau sẽ càng phát triển mạnh, lan rộng và có thể gây đau đớn.

Để phòng ngừa những nốt chai, xơ, cần loại bỏ các tác nhân trực tiếp hay gián tiếp gây tì đè, mang giày vừa vặn, tránh những điểm tì quá mạnh (ví dụ như khi đi giày có gót cao và mũi nhỏ). Ngoài ra, có thể làm mềm vùng da đó bằng cách ngâm chân vào chậu nước nóng sau khi tắm hoặc sử dụng đá để chườm lên vết chai. Sau đó, bôi thêm kem dưỡng ẩm để nuôi dưỡng vùng da đó. Có thể bôi acid salicylic làm bong sừng. Lưu ý là không được đâm, chọc hay cắt vết chai vì như vậy nó sẽ bị nhiễm trùng.

Bệnh mắt cá chân là một bệnh dày sừng khu trú ở bàn chân. Nguyên nhân do bệnh nhân có dị vật ở bàn chân không được lấy ra, làm cho các tổ chức xung quanh dị vật bị xơ hóa, hình thành mắt cá. Thương tổn là mảng sừng nhỏ bằng phẳng với mặt da, có khi gồ cao hơn  mặt da, bề mặt trơn  hoặc bong vẩy. Mắt cá gây đau khi đi lại và đặc biệt đau rõ khi ấn vào một điểm.

Vị trí tương tự như chai chân, thường xuất hiện ở vùng tì đè. Số lượng thường là một nhưng một số trường hợp có thể nhiều. Trường hợp này, nên mang dép trong nhà, tránh đi chân đất. Cần phải lấy được nhân mắt cá thì điều trị mới được hiệu quả. Có thể phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ mắt cá hoặc phá hủy nhân bằng đốt điện, laser CO2.

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Út / Người Lao Động
(BV Nguyễn Tri Phương TPHCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.