“Cha đẻ” máy bay B-2 phản bội nước Mỹ

20/12/2006 21:26 GMT+7

Một kỹ sư Mỹ gốc Ấn Độ, người tự xưng là “cha đẻ” của công nghệ tàng hình sử dụng trong máy bay ném bom B-2, đang phải đối diện với án tử hình sau khi bị buộc tội bán bí mật công nghệ cho nước ngoài.

Noshir Gowadia bị bắt giữ và buộc tội theo các đạo luật về gián điệp của Mỹ hồi năm ngoái tại Hawaii. Những lời buộc tội bổ sung được đưa ra vào giữa tháng trước và các quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết Gowadia đã ký vào một bản thú tội, thừa nhận đã bán những bí mật về máy bay B-2 cho 8 nước.

“Người anh hùng”


Máy bay B-2 của Mỹ - Ảnh: NRIINTERNET

Gowadia chào đời tại Ấn Độ nhưng sau đó di cư sang Mỹ và hiện đã được nhập quốc tịch Mỹ. Theo báo Washington Times, Gowadia làm việc cho hãng Northrop Aircraft Inc. - nhà thầu sản xuất máy bay B-2 - từ năm 1968-1989 trong khuôn khổ một chương trình tiếp cận đặc biệt cực kỳ bí mật với máy bay B-2. Sau đó, ông trở thành một đại diện của Northrop tham gia vào việc nghiên cứu mật về tên lửa và máy bay. Gowadia cũng từng làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos vào những năm 1990 trước khi lập hãng tư vấn riêng. Gowadia đã phát triển một phương pháp (hiện vẫn được giữ bí mật) được các máy bay quân sự Mỹ sử dụng nhằm ngăn chặn những tín hiệu hồng ngoại phát ra từ động cơ, vốn "dẫn đường" cho các tên lửa nhắm vào máy bay. Theo lời mô tả của Ashton - con trai ông này - thì Gowadia là một anh hùng khi cống hiến 40 năm làm việc "sau hậu trường" cho nước Mỹ, phải đi lại với những vệ sĩ vũ trang và phải đem theo một viên thuốc tự sát nếu bị bắt. Vì thế, Ashton chưa bao giờ tin cha mình phạm tội bán bí mật quân sự cho nước ngoài.

Những lời buộc tội

Theo bản cáo trạng được các công tố viên Mỹ đưa ra hôm 15.11, Gowadia đã bán các chi tiết về hệ thống khí thải động cơ của máy bay B-2 và khả năng tránh bị phát hiện bởi các thiết bị cảm ứng hồng ngoại cho Trung Quốc. Ngoài ra, các văn bản của tòa án Mỹ cũng cho thấy Gowadia đã hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà thiết kế vũ khí Trung Quốc trong việc phát triển một tên lửa hành trình với hệ thống khí thải động cơ khó phát hiện bằng radar. Gowadia cũng bị kết tội giúp người Trung Quốc chế tạo một tên lửa có thể đánh chặn tên lửa không đối không của Mỹ, giúp các nhà thiết kế vũ khí nước này cải thiện các phương tiện thử nghiệm và đo lường. Ngoài ra, các văn bản của tòa án cũng cho thấy Gowadia đã gửi thư điện tử sang Israel, Đức và Thụy Sĩ vào các năm 2002 và 2004, trong thư có những dữ liệu được phân loại là "mật" hay "tuyệt mật" liên quan đến công nghệ tàng hình dự định dùng cho máy bay trực thăng Eurocopter TH-98 và cho các máy bay thương mại. Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói với Đài ABC News rằng Gowadia đã được trả 2 triệu USD cho những bí mật về B-2 và số tiền này đang được lưu giữ ở các ngân hàng nước ngoài. Hàng loạt các cơ quan trong chính quyền Mỹ, bao gồm FBI đã được huy động tham gia cuộc điều tra.

Lầu Năm Góc dành 44 tỉ USD cho chương trình máy bay tàng hình B-2, loại máy bay ném bom được coi là tối tân nhất thế giới hiện nay. Vụ án Gowadia khiến chính quyền Mỹ đặc biệt lo ngại trong bối cảnh Lầu Năm Góc vừa hoàn thành việc nâng cấp các cơ sở cất giữ máy bay ném bom trên đảo Guam như một phần của chiến lược điều chỉnh các lực lượng quân sự mới của Mỹ ở châu Á.

K.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.