Thơm ngọt vịt hấp gừng

31/10/2009 10:55 GMT+7

(TNTT>) Theo đông y, thịt vịt có tác dụng giải nhiệt, bổ dương, có thể chế biến thành nhiều món ngon-bài thuốc: thịt vịt hầm nước mía giúp chữa bệnh hen suyễn; vịt đem chưng với đông trùng hạ thảo khiến bổ thận, tráng dương; vịt hầm đậu đỏ có tác dụng bổ huyết, dưỡng não…

So với người bạn gia cầm thân thiết là gà, vịt giàu chất sắt, vitamin C hơn nhiều lần. Tuy nhiên, hàm lượng cholesterol trong thịt vịt cao gần như gấp đôi thịt gà nên ăn nhiều sẽ tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch. Bởi thế món vịt hấp là một lựa chọn tốt cho người “hảo” vịt  thay vì đem chiên, xào khiến vịt đã béo lại càng thêm ngậy dầu mỡ.

Vịt hấp không những ngon ngọt mà còn chế biến đơn giản.

Làm vịt mất thời gian hơn làm gà. Một đầu bếp giàu kinh nghiệm bật mí: Bí quyết làm lông vịt là phải dùng “lông triệt lông”. Cụ thể là miết cho đều tay theo chiều xuôi lông mọc, thịt vịt sẽ dần lộ ra trắng nõn.

Các bà đầu bếp ở quê còn truyền nhau kinh nghiệm rằng muốn vặt lông vịt sạch, khi đun nước sôi nên cho vào nồi nước vài chiếc đinh rỉ, đồng thời trong quá trình làm vịt không được để vịt xuống đất vì hơi đất sẽ làm lông tơ mọc trở lại. Thực hư bí quyết này thế nào chưa thể kiểm chứng nhưng chừng ấy thôi cũng đủ thấy muốn làm lông vịt sạch tươm tất đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo kỳ công của người nấu bếp.

Muốn món vịt hấp ngon, nên dùng phần nạc lóc ra từ hai bên lườn của vịt hay phần đùi để chế biến.

Khi cắt, nhớ lạng bỏ rìa da có dính mỡ cho miếng thịt thêm gọn gàng, tinh tươm.

Ướp vịt với chút hành ta băm nhỏ, gừng giã nhuyễn, một chút muối, tiêu cay nồng rồi để chừng mươi phút cho thịt thấm. Gừng giã nhuyễn trộn vào nước trong xửng hấp, đun sôi nước mới cho thịt vịt vào xửng hòng giúp thịt vịt giữ nguyên vẹn tinh chất ngọt đậm đà.

Nếu có thêm ít lá gừng rải đều trong xửng hấp cùng thịt vịt thì món ăn càng thêm thơm nồng.

Chỉnh ngọn lửa lớn, độ 20-30 phút là thịt vịt vừa chín tới, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, sực nức hai cánh mũi.

Gắp thịt ra đĩa cho nguội, thái thịt nghiêng nghiêng từng lát mỏng sao cho mỗi miếng đều có một lớp da béo ngậy ở trên, để khi ăn, người thưởng thức cảm nhận đủ cảm giác ngọt mềm của thịt lẫn vị ngầy ngậy beo béo của lớp da.

Thịt vịt hấp đặc biệt không thể thiếu mắm gừng pha khéo. Pha mắm gừng phải vừa thơm, vừa ngọt, vừa cay, mằn mặn mới đạt yêu cầu.

Rau thơm, cà-rốt, dưa leo tỉa hoa bày biện khéo léo xung quanh đĩa thịt hấp cho thêm phần bắt mắt.

Nhẹ nhàng gắp miếng thịt vịt chấm chút mắm gừng cho vào miệng nhai nhẩn nha, bạn sẽ thăng hoa cùng vị ngọt của thịt, cay cay, thơm nồng của mắm gừng, càng ăn càng thèm. Nếu muốn lai rai với thịt vịt hấp, bạn nên chọn rượu chứ không nên uống bia. Men rượu cay nồng sẽ làm bớt đi vị béo trong thịt vịt, giúp bạn đỡ ngấy.

Minh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.