Tư liệu tham khảo cuộc thi tìm hiểu "Tuổi trẻ với Luật giao thông đường thuỷ nội địa"

16/10/2006 16:41 GMT+7

Câu 1: Luật giao thông đường thuỷ nội địa thông qua kỳ họp thứ 5, khóa 11 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam bao gồm bao nhiêu chương, điều? Các chương quy định những nội dung gì? Hãy nêu phạm vi điều chỉnh của luật?

Trả lời:

1. Luật giao thông đường thuỷ nội địa được thông qua tại kỳ họp thứ 5, khoá 11 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam bao gồm: 9 chương, 103 điều.

2. Các chương quy định những nội dung:

- Chương I (từ điều 1 đến điều 8): Những quy định chung.
- Chương II (từ điều 9 đến điều 23): Quy hoạch, xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa.
- Chương III (từ điều 24 đến điều 28 ): Phương tiện thuỷ nội địa.
- Chương IV (từ điều 29 đến điều 35 ): Thuyền viên và người lái phương tiện.
- Chương V (từ điều 36 đến điều 68). Gồm:

Mục 1: Quy tắc giao thông (từ điều 36 đến điều 44).
Mục 2: Tín hiệu của phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa (từ điều 45 đến điều 68).

- Chương VI (điều 69 đến điều 76): Hoạt động của cảng, bến thuỷ nội địa, cảng vụ và hoa tiêu đường thuỷ nội địa.
- Chương VII (điều 77 đến điều 98): Vận tải đường thuỷ nội địa.
- Chương VIII (từ điều 99 đến điều 101): Quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa.
- Chương IX (từ điều 102 đến điều 103): Điều khoản thi hành.

3. Phạm vi điều chỉnh của luật:

Phạm vi điều chỉnh của luật được quy định tại chương I, điều 1 Luật giao thông đường thuỷ nội địa; các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông, vận tải đường thuỷ nội địa.

Câu 2: Khi tham gia giao thông các phương tiện thuỷ nội địa cần những điều kiện gì?

Trả lời:

Tại chương III, Điều 24 Luật giao thông đường thuỷ nội địa quy định các phương tiện thuỷ nội địa khi tham gia giao thông cần những điều kiện:

1. Đối với các phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a. Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại các khoản 2,3 và 4 điều 26 của luật này;

b. Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, sơn vạch dấu mớn nước an toàn, số lượng người được phép chở trên phương tiện;

c. Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên.

2. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tồng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và  điểm b khoản 1 điều này.

3. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến dưới 5 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm an toàn, sơn vạch dấu mớn nước an toàn và có dấu chứng nhận đăng ký.

4. Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè, khi hoạt động phải đảm bảo an toàn theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi chủ phương tiện đăng ký hộ khẩu thường trú.

Câu 3: Thế nào là thuyền viên? Người lái phương tiện thuỷ nội địa? để điều khiển phương tiện thuỷ nội địa người lái phương tiện phải đảm bảo những điều kiện gì?

Trả lời:

- Tại chương I, điều 3, khoản 18 quy định: Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

- Tại chương I điều 3, khoản 20 quy định: Người lái phương tiện đường thuỷ nội địa là người trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc tổng công suất máy chính đến 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.

- Tại chương IV điều 35 quy định: Khi điều khiển phương tiện thuỷ nội địa người lái phương tiện phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người. phải có các điều kiện sau đây:

a. Đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam;
b. Có chứng nhận đủ sức khoẻ của cơ quan y tế và biết bơi;
c. Có chứng chỉ lái phương tiện.

2. Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng phương tiện và mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải tuân theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đào tạo, cấp chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa  cho người lái phương tiện.

Câu 4: Khi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn hoặc phát hiện người, phương tiện khác bị nạn trên đường thuỷ nội địa phải có trách nhiệm gì?

Trả lời:

Tại chương I, điều 7 khoản 1 quy định: Thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn trên đường thuỷ nội địa phải tìm mọi biện pháp để kịp thời cứu người, phương tiện, tài sản bị nạn; bảo vệ dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; báo cho Công an hoặc Ủy ban nhân dân gần nhất và có mặt theo yêu cầu của cơ quan điều tra có thẩm quyền.      

Câu 5: Quy tắc báo hiệu đường thuỷ nội địa Việt Nam quy định có bao nhiêu loại báo hiệu ? Bạn hãy kể tên báo hiệu thông báo cấm?

Trả lời:

1/ Tại chương II, điều 6 quy tắc báo hiệu đường thuỷ nội địa VN quy định báo hiệu ĐTNĐ Việt Nam phân thành 3 loại:

1. Báo hiệu chỉ giới hạn, vị trí của luồng tàu chạy (gọi chung là báo hiệu dẫn đường): Là những báo hiệu giới hạn phạm vi chiều rộng, chỉ vị trí hay chỉ hướng của luồng tàu chạy nhằm hướng dẫn phương tiện đi theo đúng luồng tàu.

2. Báo hiệu chỉ vị trí nguy hiểm hay vật chướng ngại trên luồng: Là những báo hiệu chỉ cho phương tiện thuỷ biết vị trí của các vật chướng ngại, các vị trí hay khu vực nguy hiểm trên luồng để phòng tránh, nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện và công trình trên tuyến.

3. Báo hiệu thông báo, chỉ dẫn: Là báo hiệu thông báo các tình huống liên quan đến luồng tàu chạy hay điều kiện chạy tàu để các phương tiện kịp thời có biện pháp phòng ngừa và xử lý, bao gồm các báo hiệu thông báo cấm. Báo hiệu thông báo sự hạn chế, báo hiệu chỉ dẫn và báo hiệu thông báo.

2/ Tên các báo hiệu thông báo cấm:

Tại chương III, mục C1 báo hiệu thông báo cấm:

- Báo hiệu cấm đi qua
- Báo hiệu cấm thả neo, cấm kéo rê neo, cáp hay xích
- Báo hiệu cấm đỗ
- Báo hiệu cấm buộc tàu thuyền
- Báo hiệu cấm tạo sóng
- Báo hiệu cấm tàu thuyền quay trở
- Báo hiệu cấm vượt
- Báo hiệu cấm các đoàn kéo đẩy vượt nhau
- Cấm phương tiện cơ giới
- Cấm phương tiện thô sơ
- Cấm hoạt động thể thao
- Cấm rẽ trái
- Cấm bơi lội
- Cấm lướt ván
- Cấm lướt ván buồm
- Cấm tàu thuyền chạy buồm
- Khu vực cấm đi lại với tốc độ cao

Ban tổ chức cuộc thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.