Sẽ có thêm giao dịch ký quỹ

11/11/2008 22:09 GMT+7

Ngày 11.11, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Công ty chứng khoán (CTCK) Kim Eng Việt Nam tổ chức hội thảo về nghiệp vụ giao dịch ký quỹ đã được áp dụng tại thị trường chứng khoán (TTCK) nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang soạn thảo các quy định về thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, hy vọng trong thời gian sớm nhất quy định đó sẽ được ban hành. Việc tiếp cận các kiến thức, cách thức áp dụng là điều các CTCK và nhà đầu tư (NĐT) cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Ông Thái Đắc Liệt - Phó tổng giám đốc HOSE cũng cho biết việc chuẩn bị để triển khai các nghiệp vụ mới cho TTCK là đòi hỏi cấp thiết nhằm khuyến khích và tạo ra nhiều công cụ giao dịch cho NĐT.

Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, giao dịch ký quỹ là phương thức giao dịch cho phép NĐT mượn tiền của CTCK để mua chứng khoán trong trường hợp họ không đủ tiền để mua. Điều này giống như một khoản vay thông thường có thế chấp, NĐT phải trả lãi suất cho khoản vay đó. Để giao dịch, NĐT phải mở tài khoản ký quỹ (độc lập với tài khoản chứng khoán bình thường), nộp vào một khoản tiền ký quỹ tối thiểu. Bà Tay Ai Khim - Trưởng bộ phận Giao dịch ký quỹ Tập đoàn chứng khoán Kim Eng Singapore cho rằng nghiệp vụ này sẽ làm gia tăng cơ hội lựa chọn đầu tư cho NĐT, cũng như tăng thêm nguồn thu cho CTCK từ phí giao dịch. Bên cạnh đó, giao dịch ký quỹ còn làm tăng tính thanh khoản của thị trường khi khối lượng giao dịch gia tăng; huy động thêm nhiều đối tượng tham gia vào TTCK và là một bước phát triển đưa TTCK Việt Nam tiến gần hơn với các TTCK quốc tế.

Giao dịch ký quỹ khác với nghiệp vụ repo chứng khoán và cầm cố chứng khoán. Giao dịch ký quỹ là việc NĐT mượn tiền trực tiếp của CTCK trước khi mua chứng khoán. Repo chứng khoán là nghiệp vụ mua bán chứng khoán có kỳ hạn, trong đó khách hàng bán cổ phiếu cho CTCK và cam kết mua lại với mức giá vào thời điểm nhất định trong tương lai theo thỏa thuận với CTCK. Cầm cố chứng khoán là việc các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cho người đầu tư vay tiền để đầu tư chứng khoán với tài sản đảm bảo là chứng khoán (trong quan hệ này, CTCK chỉ đóng vai trò trung gian). Ở hai nghiệp vụ repo chứng khoán và cầm cố chứng khoán, khách hàng đã có chứng khoán trong tài khoản mới thực hiện được.

Mức ký quỹ tối thiểu mà NĐT được yêu cầu sẽ tùy thuộc vào quy định và cho phép của cơ quan quản lý TTCK (theo dự thảo hiện nay là 50% tổng giá trị mua chứng khoán). Ví dụ, khi NĐT muốn mua 1 mã chứng khoán có tổng trị giá 100 triệu đồng thì NĐT phải nộp vào tài khoản giao dịch ký quỹ một khoản tiền tối thiểu 50 triệu đồng. Số tiền còn lại CTCK sẽ cho NĐT vay với mức lãi suất được công bố trước. NĐT có thể giữ khoản vay đó bao lâu tùy ý nhưng với điều kiện phải đảm bảo khoản ký quỹ tối thiểu. Khi tài sản trong tài khoản ký quỹ giảm thấp hơn mức tối thiểu thì CTCK sẽ yêu cầu NĐT nộp thêm tiền. Nếu việc yêu cầu nộp thêm ký quỹ không được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định thì CTCK sẽ bán chứng khoán để bù đắp khoản thâm hụt đó mà có thể không cần thông báo cho NĐT.  Bà Tay Ai Khim lưu ý các NĐT: “Giao dịch ký quỹ là chiến lược kinh doanh có rủi ro rất cao. Bởi vì đây là đòn bẩy tài chính khuếch đại sự biến động giá nên theo lý thuyết nó sẽ làm tăng rủi ro của danh mục đầu tư. Tuy nhiên nếu thực hiện đúng cách nó sẽ cho phép có được lợi nhuận lớn”. Về bản thân CTCK, theo bà Tay Ai Khim cũng cần xem xét kỹ khách hàng trước khi ký hợp đồng giao dịch ký quỹ để đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp, tránh nợ xấu khi có các biến động trên TTCK. 

Nhà phân tích chứng khoán Lê Đạt Chí cho rằng nghiệp vụ ký quỹ quá rủi ro cho NĐT nhỏ lẻ. Nhưng về góc độ phát triển thị trường, cơ quan quản lý cũng nên cho phép thực hiện để thêm cơ hội lựa chọn cho NĐT. Để tránh những rủi ro dây chuyền, cơ quan quản lý phải quy định các điều kiện về vốn, công nghệ, đội ngũ quản trị, đặc biệt phải có hệ thống quản lý rủi ro đối với các CTCK khi muốn thực hiện nghiệp vụ này. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.