Những căn nhà chờ... cháy tại Hà Nội

12/11/2007 19:10 GMT+7

(TNO) Cả khu phố Hàm Tử Quan (P.Chương Dương, Q.Long Biên, Hà Nội) có 17 khu nhà gỗ thì 2 khu đã bị thiêu rụi, 2 khu nhà gỗ khác trong diện cực kỳ nguy hiểm đã được di dời khẩn cấp. Hàng trăm hộ dân sống trong 13 khu còn lại thấp thỏm lo âu khi mùa khô đến.

17 khu nhà gỗ tại khu phố này được xây dựng từ những năm 1954 đến 1956 và tồn tại từ đó cho đến nay. Kết cấu của khu nhà chủ yếu bằng khung gỗ, vách được tạo bằng nứa đan và bùn rơm. Theo kiến trúc ban đầu thì khu nhà được xây hai tầng theo kiểu nhà sàn, tầng một để trống nhằm thoát nước mỗi khi nước dâng cao.

Ban đầu, khu nhà chỉ dành cho những cán bộ độc thân hoặc hai vợ chồng. Tuy nhiên, dân số trong các khu nhà gỗ này "nở" ra nhanh chóng mà diện tích thì vẫn y nguyên. Các hộ dân tiến hành cơi nới chỗ ở, tận dụng cả tầng 1 khiến cho căn nhà trở nên quá tải.

Trải qua vài chục năm tồn tại, dãy nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Các khung gỗ lớn đã mục rỗng lơ lửng trên mái có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Mỗi lần có người đi lại, căn nhà lại rung lên cọt kẹt.

Một chuyên gia xây dựng cho biết, đối với các chung cư thấp tầng (1-3 tầng) làm bằng vật liệu không kiên cố như gỗ thì thời hạn sử dụng chỉ 10-15 năm. Như vậy, 17 khu nhà này đã quá thời hạn sử dụng tới 30 năm.

Năm 2006, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi gần 8.000m2 đất của 7 khu nhà gỗ đặc biệt nguy hiểm (nhà số 1, 2, 3, 4A, 6, 15 và 19) trong số 17 khu nhà gỗ.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 2 khu nhà được di dời, số còn lại thành phố đã cấp kinh phí cải tạo bằng cách dựng các cột sắt chống đỡ, lợp thêm mái tôn, cót ép bằng nhựa để chống dột. Các hộ bớt lo sập nhà, nhưng còn nỗi lo về hỏa hoạn thì vẫn thường trực hàng ngày.

Chỉ tay vào chiếc cột sắt có treo hộp công tơ điện ở khu tập thể Bộ Lương thực cũ, Bà Vũ Thị Tiếng - một người dân sống ở đây, lo lắng: "Sợ nhất là bị chập điện cô ạ, gỗ khu nhà này bị mọt xông nhiều lắm rồi, giờ chỉ cần bắt lửa là bùng cháy. Hơn thế, một số hộ thuê nhà trong khu này đun bằng bếp than đặt ngay dưới nền nhà bằng gỗ thế kia nên nguy cơ cháy cao lắm".

Ông Đào Minh Đăng - Tổ trưởng tổ 27, phố Vọng Hà chia sẻ: "Tôi ở số nhà 14, cách nhà 13 bị cháy hồi tháng 8 gần chục mét thôi. Nhà 14 này cũng đã bị cháy hai lần do chập điện và bếp ga gây ra. Rất may là bà con phát hiện kịp thời, lại có bình chữa cháy nên không bị thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên với tình trạng nhà như thế này thì nguy cơ hỏa hoạn vẫn rình rập hàng ngày".

Tất cả các khu nhà gỗ ở đây đều có đặc điểm chung là những chiếc hòm công tơ điện đều được treo ngay đầu hồi của lối lên tầng hai. Những bó dây diện nhằng nhịt chạy dọc theo các thanh xà gỗ của khu nhà. Nhà gỗ dễ cháy như vậy, nhưng ý thức phòng cháy của người dân lại rất thấp. Không những dùng than, có hộ thậm chí còn sử dụng cả bếp củi để đun nấu trong những khu nhà gỗ. 

Trung tá Lê Phi Hùng - cán bộ tham mưu tổng hợp phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Khu nhà gỗ ở phường Chương Dương đã quá cũ nát, việc di dời là cần thiết. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi việc chuyển đi nơi khác thì ý thức PCCC của người dân cần được nâng cao. Mỗi gia đình nên mua một chiếc bình chữa cháy loại 4 đến 8 kg (giá chỉ trên 100 nghìn đồng) để có thể ứng cứu ban đầu nếu xảy ra hỏa hoạn. Khu đun nấu phải có những tấm thép, tấm nhôm... ngăn cách bếp với tường gỗ. Không được sử dụng quá tải các thiết bị điện, tạo thói quen ra khỏi nhà là tắt hết các công tắc dùng điện, việc đốt hương thờ cúng nên hạn chế".

Káp Long-Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.