10 ngày trên đất Mỹ - Kỳ cuối: Trò chuyện với BBC

02/12/2005 23:48 GMT+7

Ngày 12 tháng 10 Nói chuyện qua điện thoại với phóng viên BBC. Không thể ngờ có một ngày tôi lại xuất hiện trên đài phát thanh nước ngoài này. Nhưng từ mấy tháng nay, bao nhiêu điều không ngờ khác đã xảy ra. Thôi kệ, mình cứ nói những gì mình nghĩ.

Hỏi: Mục đích của chuyến đi này của gia đình chị là gì?

- Chúng tôi đi chuyến này mục đích chính là để mẹ tôi được tận tay cầm quyển nhật ký của chị tôi mà trước đấy chúng tôi chỉ đọc qua bản scan. Sau nữa, chúng tôi muốn đến thăm bà Whitehurst là mẹ của Fred và Rob. Chúng tôi muốn cảm ơn bà vì đã sinh được hai người con quý hóa.

 Hỏi: Tác động lớn nhất của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đối với độc giả là sự chân thực mà chị đã viết ra những cảm xúc thật sự của mình. Theo chị, việc biên tập cuốn sách có ảnh hưởng nhiều đến những cái rất thật trong tình cảm, suy nghĩ của chị Thùy Trâm khi sách được in ra không?

- Tôi là người chủ biên cuốn sách này. Khi quyết định in ra, tôi không nghĩ đến  chuyện cắt bớt hay lược bỏ. Tôi thuộc thế hệ sau và đang sống trong thời đại bây giờ  -  thú thật lúc đầu tôi cũng e ngại có thể những ý nghĩ "quá đỏ" có thể làm người đọc bây giờ chán và không tiếp nhận được. Nhưng khi tự tay đánh máy cuốn sách thì tôi thấy không thể bỏ đi được điều gì, bởi vì ngay cả những câu "khẩu hiệu" nhất cũng được chị viết ra từ đáy lòng. Những gì tôi làm chỉ là sửa lại một số lỗi chính tả, chỉnh lại vài câu còn tối nghĩa do viết vội hoặc thay một vài từ địa phương cho bạn đọc dễ hiểu hơn. Cũng phải nói thêm, có những câu tôi lược bớt vì trùng lặp, nhưng tôi cố gắng hết sức giữ nguyên những ý chị muốn viết.

Có một điều rất đáng tiếc là tôi đã đánh máy thiếu mất hai ngày - ngày 1 và 5 tháng 4 năm 1970, một trang của cuốn nhật ký viết tay thứ hai. Nhưng cũng rất lạ, có cái gì đó giống như tâm linh, chị tôi không cho phép tôi để sót cho nên hai ngày đó lại xuất hiện ở trang bìa. Cuối cùng, nội dung cuốn sách vẫn đầy đủ. Tôi định khi tái bản sẽ có lời xin lỗi về sơ suất của mình và sẽ bổ sung phần còn thiếu.

Hỏi: Gia đình phản ứng như thế nào khi biết tin có người Mỹ vẫn giữ cuốn nhật ký?

- Đầu tiên, tôi rất kinh ngạc khi biết một người Mỹ vẫn giữ được cuốn sổ của chị tôi. Nhưng tôi không gán người giữ cuốn đó với cái người đã giết chóc ở Việt Nam, có lẽ do hai hành động đó quá khác biệt, không thể để cạnh nhau. Vì thế, tôi kinh ngạc và cảm động khi có một người tốt đến thế có thể giữ được kỷ vật của đối phương lâu như vậy. 
Hỏi: Vậy có nghĩa là theo chị có những điều mà hai bên vẫn có thể hòa hợp hòa giải, mặc dù là hai bên chiến tuyến nhưng về mặt con người vẫn có những điều mà phía bên này làm khiến bên kia xúc động để người ta có hành động như gìn giữ suốt ba mươi lăm năm để trao lại cho gia đình?


Nguyễn Trung Hiếu (trái)

- Vâng, đó là điều làm tôi xúc động nhất. nó cho ta thấy bản chất con người vẫn là hướng về cái tốt đẹp. Không phải chỉ ở hành động Fred gìn giữ cuốn sách lâu như thế mà với hành động của  Nguyễn Trung Hiếu. chỉ đọc vài trang chị tôi viết anh Hiếu đã nhận ra những dòng chữ đó chứa đựng tâm tư của một con người, tâm tư đó được anh ấy thông cảm, trân trọng và không nhìn thấy kẻ thù trong đó. Điều đó khiến tôi cảm động vô cùng. nó làm tôi cảm thấy cuộc đời đẹp hơn chứ không méo  mó xấu xí như nhiều khi người ta nghĩ mà cái đẹp vẫn tồn tại trong cuộc đời này.

Hỏi: Khi đọc cuốn nhật ký  và nhìn lại dòng chữ  của người chị mình, nó đem lại cho chị những cảm xúc gì và điều gì làm chị nhớ nhất ?

- Tôi đã tự tay đánh máy toàn bộ cuốn sách. Tôi đánh máy rất chậm, không thể nhanh được vì tôi vừa đánh máy vừa khóc, không thể cầm được nước mắt. Ngay bây giờ, tôi cũng thấy nghẹn ngào khi nhớ lại những dòng chị viết. Nỗi nhớ nhà của chị khiến tôi xót xa. Chị viết quá chân thực và tôi đồng cảm với những điều chị viết. Tôi như sống cùng chị trong những ngày ác liệt đó: tôi cảm thấy mình cũng nằm trong công sự ngập nước, cũng đang cõng thương binh leo lên con dốc trong khi kẻ thù đuổi đến sau lưng... Tôi ân hận sao mình yên hưởng nhiều quá ở ngoài Bắc. Tôi đã khóc rất nhiều. 

Hỏi: Việc nhận được tin chị Thùy hy sinh tác động đến gia đình chị thế nào?

- Nhận được tin chị Thùy hy sinh, gia đình tôi rất đau khổ. Ba tôi  không thể qua được cơn sốc vì cụ yêu chị Thùy nhất - chị vừa là con gái, vừa là bạn, lại vừa là đồng nghiệp. Hai tháng sau khi nhận được tin dữ, sau một ca mổ dài tám tiếng, ba tôi bị một cơn tai biến mạch máu não. Kể từ đó, ba tôi không hồi phục được và bị liệt suốt 24 năm. Ba tôi mất năm 1995. Chị Thùy mất, ba tôi ốm nặng, mẹ tôi thay ba tôi nuôi nấng và dạy chúng tôi. 
Hỏi: Khi đọc thư của chị Thùy viết ra trong thời gian chiến tranh có ảnh hưởng thế nào với gia đình chị?

- Lúc đó là thời chiến. Tôi không biết mẹ tôi nghĩ thế nào, nhưng riêng tôi chỉ nghĩ chị đang ở chiến trường,  mà lúc đó miền Bắc cũng đang có chiến tranh nên tôi cứ tưởng chị đang ở một chiến trường giống như chỗ chúng tôi, tôi không hình dung được chỗ chị gian khổ đến thế nào. Thường thì chị lại động viên gia đình nhiều hơn, chị thường dặn chúng tôi phải cố gắng, bây giờ là thời gian chiến tranh, gia đình tứ tán mỗi người một nơi, các em phải để  bố mẹ đỡ vất vả. Chị kể rất ít về mình, chị cũng kể về các bạn ở Đức Phổ, cũng có kể những hoàn cảnh mà sau này tôi đọc được trong nhật ký như lần chị bị giặc đuổi sát sau lưng, may mà chạy thoát được nhưng chiếc ba lô đeo trên lưng bị giặc giật mất, chuyện chị ngồi công sự cả ngày... Nhưng những gì chị viết trong thư không tỉ mỉ, không sống động nên tôi không hình dung được hoàn cảnh thật của chị lúc đó.

 Hỏi: Trong tương lai, liệu hai cuốn sổ có được đem về Việt Nam không hay vẫn để ở Mỹ?

- Chúng tôi đã tới Texas. Mẹ tôi đã được ôm cuốn nhật ký vào lòng. Nhưng trước mắt, chúng sẽ tạm thời được để ở đó, vì thực ra không phải chúng tôi gửi hai cuốn sổ vào Viện Lưu trữ mà đó là do Fred trao tặng cho họ, anh đã ký một bản trao tặng chính thức. Mặt khác, tôi nghĩ đó cũng là một chỗ tốt, hai cuốn sổ được đặt trong  điều kiện bảo quản rất tốt. Hơn nữa, tôi nghĩ nếu nhật ký của chị Thùy  được cả ở bên ngoài Việt Nam biết đến thì đó cũng là một cái gì đó vượt qua sự ích kỷ của gia đình. Lần này sang đây chúng tôi chưa bàn gì cụ thể, nhưng tạm thời hãy cứ để nguyên nơi nó đang nằm.

Hỏi: Theo chị, cuốn nhật ký có giúp được hòa giải giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, giữa người Việt Nam với nhau, giữa lực lượng cũ giữa hai miền Nam Bắc?

- Sang Mỹ, tôi rất ngỡ ngàng và cảm động khi thấy báo chí Mỹ cũng viết về chuyến đi thăm của chúng tôi với nhiều cảm tình, hầu như không ai nhắc đến hai chữ hận thù. Tôi không dám nghĩ đến chuyện to lớn như hòa giải dân tộc hay kéo hai nước lại gần nhau, nhưng có ai đó nói với tôi rằng ai là người có thể phản đối được việc trao trả cuốn nhật ký của con gái cho người mẹ, bởi vì những gì xuất phát từ trái tim con người đều có thể cảm thông và nước mắt trên má mọi người đều có vị mặn giống nhau.

...Tạm biệt Kelly và Kim, tạm biệt mẹ Kay. Tạm biệt một nước Mỹ thân thiện. Ngày mai, chúng tôi sẽ về đến Hà Nội. Trước mắt tôi còn nhiều việc phải làm. Tôi phải bắt tay ngay vào việc xuất bản cuốn nhật ký bằng tiếng Anh - chị tôi cần phải thực hiện nốt nhiệm vụ cuối cùng mà định mệnh đã trao cho chị: đại diện cho cả một thế hệ người Việt Nam xuất hiện trước thế giới trong hình ảnh người nữ bác sĩ với  tâm hồn trong veo đầy tình yêu và khát vọng hòa bình, đã sống và đã chết "hoàn toàn không vị kỷ, hoàn toàn dâng hiến".

Đặng Kim Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.