Xung quanh chuyện doanh nhân "xin ở tù"

14/11/2007 01:04 GMT+7

Người đàn ông 45 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân (Tây Ninh) Trương Thành Niên, một trong 2 doanh nhân đứng "Đơn xin ở tù", lấy tay quệt nước mắt, nghẹn ngào: "Tôi bây giờ không dám gặp ai, tiền bạc, uy tín... không còn. Nói thật, không còn đủ tiền để trả một bàn cà phê...".

Vì đâu nên nỗi?

Ông Niên cùng với em trai mình là Trương Hoàng Dũng thành lập Công ty TNHH Nhật Tân vào năm 2002. Ban đầu việc buôn bán hàng hóa sang Campuchia thuận lợi, doanh nghiệp ăn nên làm ra, hằng tháng nộp thuế cả trăm triệu đồng. Uy tín và tiền bạc nhanh chóng đến và cũng nhanh chóng đi khi sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các doanh nghiệp buôn chuyến.

Từ năm 2004 mức lãi bắt đầu sụt giảm, nhiều lúc doanh nghiệp chỉ sống nhờ chênh lệch tỷ giá của đồng USD trước và sau khi giao hàng thu tiền. Tuy nhiên, hằng tháng doanh nghiệp vẫn nộp đầy đủ các khoản thuế, kể cả tiền thuế do chênh lệch tỷ giá. Do buôn bán qua Campuchia không chịu thuế (thuế suất 0%), tức doanh nghiệp được hoàn thuế nên các khoản vay tiền hàng một phần Nhật Tân dựa vào số tiền này để trả (công ty đã được 5 kỳ hoàn thuế). Ngày 29.4.2005, Công ty Nhật Tân gửi bộ hồ sơ hoàn thuế thứ 6 (trị giá khoảng 1,5 tỉ đồng) thì bị Cục Thuế Tây Ninh ách lại với lý do có nghi vấn về pháp nhân đối tác phía Campuchia của Nhật Tân.

Tháng 12.2005, một đoàn thanh tra do UBND tỉnh Tây Ninh thành lập để làm rõ nguồn gốc hàng hóa mua bán, các khoản nợ vay của Nhật Tân. Kết luận của đoàn thanh tra cho rằng Công ty Nhật Tân có xuất khẩu nhưng không trực tiếp mua hàng; 3 công ty là Kinh Đô, Thiết kế xây dựng AA và LG Vina không quan hệ mua bán với Công ty Nhật Tân nhưng lại xuất hóa đơn GTGT cho Nhật Tân để làm thủ tục xuất khẩu. Công ty Nhật Tân khiếu nại cho rằng, theo Luật Thuế thì Nhật Tân đã có đủ 4 điều kiện để được hoàn thuế: có hợp đồng bán hàng hóa cho nước ngoài, có hóa đơn GTGT đầu vào, có tờ khai về hàng hóa xuất khẩu, có xác nhận thực xuất của cơ quan hải quan và hàng hóa xuất khẩu thanh toán qua ngân hàng.

Trong khi mọi việc chưa giải quyết thì tháng 11.2006, Công an Tây Ninh có công văn gửi Cục Thuế Tây Ninh thông báo hai đối tác của Công ty Nhật Tân tại Campuchia sử dụng giấy phép kinh doanh không hợp pháp, việc chuyển tiền từ ngân hàng Campuchia về tài khoản của Nhật Tân không đúng quy định. Nhưng cho dù việc này có thật thì cũng không ảnh hưởng đến việc hoàn thuế theo luật định.

Quá bức xúc, ngày 15.12.2006 Công ty Nhật Tân gửi đơn khiếu kiện đến Cục Thuế Tây Ninh, nhưng không được trả lời. Ngày 4.1.2007 doanh nghiệp tiếp tục gửi đơn khiếu kiện thứ hai cũng không có hồi âm. Đến khi doanh nghiệp kêu lên UBND tỉnh thì Cục Thuế mới tổ chức một cuộc họp để "bàn hướng xử lý vụ việc". Nhưng kết quả cuộc họp cũng chỉ dừng lại ở mức độ Cục Thuế gửi công văn xin ý kiến của Tổng cục Thuế! Hai tháng sau, Tổng cục thuế mới có công văn trả lời chung chung rằng, "nếu đơn vị kinh doanh xuất khẩu hàng hóa bảo đảm đầy đủ điều kiện, thủ tục hồ sơ theo luật định thì được xem xét khấu trừ, hoàn thuế", nghĩa là mọi việc tiếp tục bị "ngâm".

Không chịu nổi thái độ thiếu trách nhiệm của Cục Thuế Tây Ninh trì hoãn việc hoàn thuế đến gần một năm nữa, doanh nghiệp tiếp tục phản ánh lên UBND tỉnh. Ngày 25.7.2007, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Hùng Việt có công văn yêu cầu Cục Thuế giải quyết vụ việc, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10.8.2007 nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời. Song song đó, ngày 24.8.2007 Tổng cục Thuế lại có công văn đề nghị Cục Thuế Tây Ninh giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng thủ tục khiếu nại nhưng đến nay đã gần 3 tháng Cục Thuế vẫn cố né tránh.

Xin ở tù

"Tôi không còn con đường nào khác. Mỗi lần nhận được một công văn của cơ quan chức năng, tôi lại hy vọng, rồi sau đó thất vọng. Đến bây giờ thì không còn hy vọng gì nữa", ông đau khổ nói. "Tôi đã điện thoại cho các con (ông Niên có 3 người con) trấn an chúng để chuẩn bị tinh thần... vào tù. Trong túi không tiền, bạn bè, đối tác dần dần xa lánh trong khi nợ nần lại bao vây. Tôi chỉ còn một cách duy nhất là trốn vào tù" - ông Niên không cầm được nước mắt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiếc ô tô mà ông Niên tậu được khi làm ăn, đã cầm cố cho một người bạn để có tiền tiêu xài qua ngày. Số nợ tổng cộng hiện của Công ty Nhật Tân khoảng 3 tỉ đồng.

Ngày 13.11, khi biết chúng tôi có mặt ở Tây Ninh, gần như lãnh đạo các cơ quan chức năng liên quan đã thoái thác việc gặp gỡ, chất vấn. Trao đổi với một quan chức Công an Tây Ninh qua điện thoại thì được biết vụ việc "đang tiếp tục làm rõ". Một nguồn tin cho biết, UBND tỉnh Tây Ninh đang xúc tiến thành lập lại đoàn thanh tra nhằm phúc tra vụ việc và có... "hướng xử lý".

Hùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.