Đề xuất quỹ 350 tỉ USD cho châu Á

23/10/2008 11:48 GMT+7

* Singapore giúp dân đối phó khủng hoảng tài chính Thái Lan, đương kim chủ tịch của ASEAN, vừa đề xuất việc thành lập một quỹ châu Á với tổng số tiền lên đến 350 tỉ USD để giúp bảo vệ hệ thống tài chính các nước khỏi cuộc suy thoái toàn cầu.

Bloomberg trích lời Phó thủ tướng Thái Lan Olarn Chaipravat nói số tiền (tương đương 10% dự trữ ngoại tệ của châu Á) sẽ được ASEAN và ba nước Đông Á Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng đóng góp.

Theo đề xuất này, 150 tỉ USD sẽ được dùng làm quỹ dự phòng trong trường hợp các nước muốn dùng để bảo vệ đồng nội tệ của mình; 200 tỉ USD còn lại sẽ được dùng mua cổ phiếu, trái phiếu và các dự án quỹ. Các ngân hàng trung ương trong khu vực cũng đã nỗ lực bình ổn thị trường khi liên tục cắt lãi suất và đưa ra đảm bảo tiền gửi để đảm bảo lòng tin của thị trường. “Giờ là lúc châu Á nên biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội. Châu Á cần tìm cách hợp tác và triển khai các chính sách đúng”, ông Olarn nói.

Kế hoạch của Thái Lan khác so với đề xuất của Tổng thống Philippines Gloria Arroyo tuần trước, trong đó chủ yếu đề nghị việc thành lập quỹ để các định chế tài chính gặp khó khăn trong khu vực vay. Một phần tiền trong đề xuất của ông Olarn sẽ được dùng mua trái phiếu chính phủ bằng đồng yen, nhân dân tệ hoặc đôla Singapore với điều kiện Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các quy định với đồng nội tệ của mình.

Kế hoạch của ông Olarn là đề xuất mới dựa trên cuộc thảo luận hiện có giữa ASEAN và ba nước Đông Bắc Á về quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá 80 tỉ USD. Các cuộc thương thảo hiện vẫn bế tắc quanh mức đóng góp của mỗi nước. “Chúng ta phải làm thế này vì sự tồn tại của chính chúng ta. Tình huống buộc mọi người phải ra quyết định mà chúng ta đã đình trệ quá lâu rồi”, ông Olarn bình luận. Theo ông Olarn, một khi quỹ dự trữ này đi vào hoạt động, châu Á sẽ có đủ nguồn quỹ phục vụ các hoạt động thương mại, đầu tư trong châu lục cũng như giảm bớt ảnh hưởng của cuộc suy thoái từ Mỹ và châu u.

* Ngày 21-10, The Straits Times dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đang chuẩn bị những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và người lao động vượt ra khỏi dòng suy thoái hiện nay bằng cách trợ giúp cắt giảm chi phí kinh doanh, giảm bớt gánh nặng của các hộ gia đình, đặc biệt là khu vực có thu nhập thấp

Dù Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn chưa tiết lộ cụ thể sẽ áp dụng biện pháp ứng phó nào cho kỳ khủng hoảng này, nhưng trong những kỳ khủng hoảng và suy thoái trước Chính phủ Singapore đã rót trực tiếp tiền mặt và cắt giảm các khoản thuế cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khả năng Singapore áp dụng những biện pháp như trước đây là rất lớn.

Cũng với mục tiêu giảm chi phí kinh doanh, giảm thuế và các khoản đóng góp cho chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua suy thoái, năm 1998 Chính phủ Singapore đã rót 2 tỉ đôla Singapore ngoài ngân sách để thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh đó, Chính phủ  Singapore cũng áp dụng chính sách giảm thuế đối với các hộ tập thể, trợ giúp việc cầm cố nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt cho hộ cá thể đơn lẻ. 

Ngày 21-10 trước quốc hội, Thủ tướng Lý Hiển Long đã khẳng định Chính phủ Singapore sẽ quyết định biện pháp cụ thể vào tháng 2-2009. Tuy nhiên ông không cho biết liệu chính phủ có sử dụng nguồn dự trữ từ những khoản thu nhập đầu tư ròng (NII) cho kỳ khủng hoảng này hay không.

“Chính phủ kinh tế”

Theo BBC, trong khuôn khổ hỗ trợ người dân đối phó với khủng hoảng tài chính, ngày 21-10 tổng thống Argentina Cristina Fernández đã ký dự luật quốc hữu hóa hệ thống trợ cấp hưu trí tư nhân trị giá khoảng 30 tỉ USD nhằm bảo vệ gần 5 triệu người đang tham gia hệ thống này. Dự luật trên đã được trình lên quốc hội xem xét thông qua trong cùng ngày.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng kêu gọi việc quốc hữu hóa một phần các ngành công nghiệp chính của nước này trong nỗ lực chống khủng hoảng. Với tư cách chủ tịch luân phiên của Liên minh châu u (EU), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi thành lập “chính phủ kinh tế” trong khu vực đồng euro để giám sát hệ thống tài chính trong khu vực, và hối thúc chính phủ các nước thành viên nắm cổ phần trong các công ty chiến lược để đối phó với khủng hoảng tài chính đang diễn ra.

Nhà Trắng (Mỹ) trong ngày công bố sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tài chính đầu tiên vào ngày 15-11 ở Washington. Được mời tới hội nghị sẽ là lãnh đạo nhóm nước G20, trong đó có cả đại diện các nước phát triển và đang phát triển.

Theo Phan Lâm - Mỹ Loan / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.