Nhạc hài có bị lãng quên?

09/10/2005 22:22 GMT+7

Có thể nói ở vào thời điểm này, khán giả đã quá nhàm chán với loại hình tấu hài, quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng đó mảng miếng. Với lứa khán giả trung niên, chắc chắn nhiều người vẫn còn nhớ đến một thể loại nghệ thuật đã làm bao người say mê bởi chất hài hước hết sức thú vị từng xuất hiện trước đây: ca nhạc hài.

Ở Việt Nam, người sáng tác nhạc hài hước đầu tiên là nhạc sĩ Lê Thương khi ông khám phá ra chất "hài" trong giọng nói của ca sĩ kiêm hoạt náo viên Trần Văn Trạch trên các sân khấu ở Sài Gòn vào những năm sau Đệ nhị thế chiến. Thế là ông viết một loạt ca khúc hài hước dành riêng cho Trần Văn Trạch hát, bắt đầu từ Hòa bình 48 (nhái âm thanh của súng đạn, máy bay dội bom...), rồi Liên hiệp quốc (nhái đủ loại ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Hoa...) hoặc Làng báo Sài Gòn (1948), Đốt hay không đốt... Trần Văn Trạch đồng thời cũng trở thành người hát ca khúc hài hước đầu tiên. Và khi nhận ra thế mạnh của mình, Trần Văn Trạch đã tự sáng tác những bản nhạc hài cho riêng mình, bản đầu tay là Anh phu xích lô (1951), tiếp theo là Chuyến xe lửa mùng 5, Tai nạn cái tê-lê-phôn, Cái đồng hồ đeo tay, Anh chàng thất nghiệp, Cây bút máy, Đừng có lo...

Cùng thời và cũng hát nhạc hài như "quái kiệt" Trần Văn Trạch là ca sĩ Vũ Huyến (tức nhạc sĩ Vũ Minh, tác giả Cô hàng nước), ông này nổi tiếng với các bài hát Cai thuốc lá, Chiếc áo the (của Canh Thân). Nhạc sĩ Đức Quỳnh cũng tham gia viết nhạc hài với Cô Tây trắng, cô Tây đen do 2 ca sĩ Anh Ngọc và Ngọc Long hát - đây có thể là nhóm hát nhạc hài đầu tiên ở Việt Nam. Các nhân vật chức quyền làng xã ở nông thôn miền Bắc bị báo Phong Hóa đặt tên châm biếm là Lý Toét, Xã Xệ cũng đã đi vào nhạc hài (chưa rõ tác giả): "Ông Lý Toét mà cắp cái ô, đi ra phố gặp lúc mưa to. Có bác Xã Xệ lại muốn đi nhờ, tay thì vời vời, miệng hét bô bô: Lý Toét ! Lý Toét".

Sau thế hệ của "quái kiệt" Trần Văn Trạch và một loạt "đàn em" là thời kỳ hoàng kim của nhạc hài với sự xuất hiện của "cả một trời... sao" ở cả hai lĩnh vực tân nhạc và cổ nhạc. Kỹ nghệ ghi âm vào đĩa hát (33 vòng, 45 vòng) và sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều hãng đĩa như Asia, Việt Nam... đã đưa nhạc hài (ca hài) đến với đông đảo quần chúng. Ở lĩnh vực hài cổ nhạc, Văn Hường là một "hiện tượng". Soạn giả Viễn Châu đã viết khoảng 100 bài cho " Tư Ếch" (Văn Hường) ca, rồi các soạn giả Yên Ba, Quy Sắc cũng góp vô khoảng gần trăm bài nữa chỉ dành riêng cho "thương hiệu" Văn Hường. Sau Văn Hường là nhóm hài của Xuân Phát với những Tình chú Thoòng, 3 chàng độc thân, Làm trai hai vợ. "Nóng máy", nhóm Thanh Việt, Khả Năng, Phi Thoàn, La Thoại Tân cũng nhảy lên sân khấu diễn chung Ách giữa đàng. Ngoài ra, người ta còn soạn những vở tuồng hài như Đắc Kỷ ho gà...

Bên cạnh hài tân nhạc, cũng có một "thương hiệu" rất được ưa chuộng, đó là ban tam ca AVT. Ban nhạc này ra đời khoảng giữa thập niên 1960 với 3 chàng trai: Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng (AVT lấy từ những mẫu tự đầu tiên trong tên của mỗi người. Anh Linh sau đó được thay bởi kịch sĩ Hoàng Hải, rồi Lữ Liên thay Hoàng Hải nhưng vẫn giữ tên nhóm AVT). Nhạc hài của AVT (hầu hết do Lữ Liên và Duy Nhượng sáng tác) phát triển trên nền âm nhạc dân tộc (đặc biệt là chèo, dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ) nên nghe rất gần gũi mà cũng rất hóm. Ra sân khấu, AVT diện khăn đóng, áo gấm thụng ba màu khác nhau. Mỗi người sử dụng một nhạc cụ dân tộc: đàn sến (Tuấn Đăng), đàn cò (Lữ Liên) và trống (Vân Sơn). Khi có những câu thoại thì mỗi người nói rặt giọng của mỗi miền Trung, Nam, Bắc. Dù là bài hát hài nhưng nội dung xuyên suốt, ca từ không tục nhưng hết sức ý nhị, thâm thúy, chẳng hạn: "Người ta chọn vợ chọn chồng, thứ nhất xem tông, thứ nhì xem giống, giống nào trường can" (bài Trai gái thời đại - người ta chỉ nói can trường tức là anh dũng, gan dạ chứ chẳng ai nói ngược, vậy thì "trường can" có thể hiểu là "giống" này có... cây ba-toong dài !). Những tác phẩm hài quen thuộc của nhóm AVT như Tam nghiệp, Lịch sử mái tóc huyền, Tiên hạ giới, Em tập Vespa, Ba bà mẹ chồng, Đánh cờ người, Đèo Ba Dội, Trai gái thời đại, Đêm Sài Gòn... đến bây giờ nhiều người người vẫn còn thuộc lòng... Cùng thời, nhưng không "nổi đình nổi đám" như AVT - tam ca Tướng Sĩ Tượng cũng để lại ít nhiều thiện cảm với công chúng qua các bài hát Một cây, Xúc xắc xúc xẻ (Duy Nhượng), Hội sợ vợ, Chồng em bé tí (Hoài Ngọc)...

Sau 1975, nhạc hài dần dần biến mất, thay vào đó là hình thức tấu hài mà nội dung rất ít khi xuyên suốt, hầu hết chắp vá và dung tục. Chẳng tìm đâu ra một tác phẩm nhạc hài đúng nghĩa mà chỉ lặp đi lặp lại cảnh 2 người đứng trên sân khấu đố nhau hát các bài hát theo từng chủ đề: mẹ, cha, con, trời, mây, nước... hoặc: "Tôi dừng lại ở chữ nào thì anh hát tiếp-bắt đầu từ chữ đó: "Chưa lần gặp lại nhớ mênh mông... Mông, mông (hát tiếp đi !)... Mông... Mông... " - và... chỉ có thế! Tại sao? Rõ ràng là bởi không còn ai viết mà cũng chẳng có người hát nhạc hài chuyên nghiệp. Một loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo đã từng tồn tại mấy mươi năm, chẳng nhẽ đã tới lúc khai tử và nếu có ai sực nhớ lại thì cũng chỉ là... hoài niệm?

Nhạc sĩ Đài Phương Trang: Chúng tôi rất mong được phổ biến nhạc hài

Trong quá trình đi tìm tư liệu để thực hiện chuyên đề "nhạc hài", chúng tôi đã rất thú vị khi biết được có một nhạc sĩ vẫn âm thầm sáng tác những tác phẩm về nhạc hài trong suốt 15 năm. Đó là nhạc sĩ Đài Phương Trang. Thật ra tên tuổi Đài Phương Trang cũng chẳng xa lạ gì mấy đối với dân ghiền ca hát trước năm 1975 với những ca khúc như Người yêu cô đơn, Hoa mười giờ. Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn (anh còn có nghệ danh là Phạm Vũ Anh Tứ và Quang Tứ).

* Anh bắt đầu viết nhạc hài từ bao giờ? Thuận lợi và khó khăn?

- Ấp ủ từ lâu nhưng đến năm 1990 tôi mới bắt tay vào viết nhạc hài và tìm bạn diễn. Cùng với Phương Khanh (diễn viên Đoàn kịch Kim Cương), chúng tôi thành lập nhóm "2 Con Dế", ra sân khấu với trang phục truyền thống khăn đóng, áo dài và chơi đàn guitar thùng. Sau khi Phương Khanh qua đời, tôi tiếp tục duy trì "2 Con Dế" với một số bạn diễn. Người diễn chung với tôi hiện nay là Kông Thanh Bích hoặc Hải Thanh. Viết ca khúc thì có thể viết một lèo nhưng viết nhạc hài lại đòi hỏi nhiều thời gian bởi nhạc hài là một nhạc kịch thu nhỏ, phải tạo ra những tình tiết đồng thời phải viết những tiết tấu phù hợp.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang

* Nhóm hài "2 Con Dế" hình như chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng?

- Có chứ, trong Liên hoan Sân khấu hài 1998 tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, nhóm chúng tôi tham gia với tiết mục 12 thứ bánh. Tiết mục này cũng được thu hình vào băng video Sông quê 4 do Trung tâm Băng nhạc Quê Hương sản xuất năm 1999. Đến nay, thỉnh thoảng Đài Truyền hình Long An cũng có phát lại tiết mục này. Nhóm "2 Con Dế" đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp vào năm 2000. Hôm ấy, tôi và Kông Thanh Bích đến Sở VHTT TP.HCM diễn tiết mục Thượng đế cũng khóc trước Hội đồng xét duyệt. Diễn xong, một vị trong hội đồng bảo: "Từ sáng tới giờ tôi toàn duyệt... tấu hài. Tới tiết mục này thấy lạ quá ! Hay đấy, sao không phổ biến?".

* Đó cũng chính là câu tôi muốn hỏi anh: Sao không phổ biến?

- Anh bạn diễn Kông Thanh Bích của tôi vốn kiệm lời lại ít ngoại giao, còn tôi vốn là một nhà giáo. Chẳng nhẽ cứ đi xin xỏ chỗ này chỗ kia để được diễn. Ước vọng của chúng tôi là được đem lời ca tiếng đàn để phục vụ công chúng qua thể loại ca hài hầu mang đến những nụ cười dí dỏm, ý nhị có tính nghệ thuật trong những ca khúc hoàn toàn mới - từ giai điệu đến lời ca chứ không phải đặt lời mới trên những giai điệu cũ mà người ta thường gọi là "nhạc chế". Chúng tôi rất mong được giao lưu, cộng tác với các bạn yêu thích thể loại ca nhạc hài. Địa chỉ của nhóm "2 Con Dế": 36/45 Bùi Tư Toàn, P. An Lạc, Q. Bình Tân,TP. HCM. Điện thoại: 08. 7520626.

Huyền Nga
(thực hiện)

* Ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM: Cần có các ca khúc hài và xử phạt nhạc hài "chế": "Ngoài những ca khúc nhạc hài được sáng tác có tác giả, còn xuất hiện một dạng nhạc hài "chế" từ những ca khúc đang được lưu hành hiện nay. Theo các quy định về việc phổ biến tác phẩm, dưới bất cứ hình thức nào cũng không được phép thay đổi lời, nhạc hoặc cắt bỏ so với những ca khúc đã được cho phép phổ biến. Còn khi biểu diễn trên sân khấu mà sửa hoặc nhại lời, nếu phát hiện biểu diễn vượt rào thì cơ quan quản lý sẽ có biện pháp xử phạt theo Nghị định 31/CP. Lời ca khúc chỉ được cắt bỏ, sửa đổi... khi có sự đồng ý của tác giả. Thế nhưng, chúng tôi cũng không chủ trương cấp phép chương trình như vậy. Vừa qua đã có một chương trình xin phép diễn một ca khúc đã sửa lời với sự đồng ý của tác giả nhưng chúng tôi vẫn không cấp phép vì ca khúc đó đã được định hình trong giới nghe nhạc. Chúng tôi luôn khuyến khích các nhạc sĩ và các nhóm hài sáng tác nhạc hài đúng nghĩa". A.K (ghi)

* Diễn viên Việt Hương: Tôi nghĩ mình không phải ca sĩ nên ca không hay, nếu diễn hài mà cố chen vào những lời nhạc thì làm dở luôn bài hát của người ta. Thật ra trong trường sân khấu, các thầy cô đã dạy là không nên cải biên kiểu đó. Tuy nhiên, nếu bạn bè đồng nghiệp làm thì tôi cũng không phản đối, miễn làm cho tốt, đừng để tác giả phiền khi thấy "đứa con" của mình "dị dạng"! Chúng tôi cũng mong có những ca khúc hài như trước đây của quái kiệt Trần Văn Trạch để mà diễn lắm!

* Diễn viên Tiết Cương: Theo tôi, nếu có sáng tác nhạc hài mới thì nên làm còn cải biên nhạc của người ta thì không nên, vì tác giả nghe sẽ buồn. Nhưng nếu ai đã lỡ cải biên với ý đồ tốt, muốn cho khán giả vui vui thì cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng lắm. Chỉ cần giữ gìn một chút, đừng lồng nội dung xuyên tạc hoặc thô tục vào, không khéo người ta kiện mình. Dù ở nước mình mọi người dễ tính, hay xí xóa cho nhau nhưng đã có luật bản quyền, chúng ta phải cố gắng làm đúng. Hoàng Kim (thực hiện)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.