Phục thiện giang hồ: Nhà sư cảm hóa 'dân xã hội'

Quang Viên
Quang Viên
19/09/2023 09:09 GMT+7

Nhà sư Thích Nhuận Tâm, Chùa Lá (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nói ông có rất nhiều đệ tử từng là 'dân xã hội', nhưng tôi ngờ ngợ. Cho đến khi tôi thấy những đệ tử là 'dân xã hội' ấy có người chắp tay cúi đầu, có người ôm vị sư này khóc...

Dự định về lại TP.HCM sau chuyến công tác ở Đà Nẵng của tôi mới đây phải trì hoãn. Tôi hủy vé máy bay đã mua để ở lại vì lời "chiêu dụ" quá lạ lùng của nhà sư Thích Nhuận Tâm. Ông bảo: "Anh ở lại với tôi để gặp mấy chục anh em xã hội". Cuộc gặp mặt "bất thường" nhất cuộc đời mình, đã giúp tôi hiểu vì sao những con người mà chúng ta quen gọi là "dân giang hồ", chỉ biết chọc trời khuấy nước đó lại cúi đầu gọi Thích Nhuận Tâm là sư phụ.

Lấy lòng bao dung, vị tha thu phục

Từ Cà Mau nghe tin nhà sư Nhuận Tâm quy tụ anh em quen biết từng là "dân xã hội" tại một quán ở khu vực Vườn Cừa (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), Phạm Công Nghiệp cưỡi xe máy chạy ra để gặp "sư phụ".

Gặp nhà sư, Nghiệp ôm ông khóc. Nghe Nghiệp kể, mới thấy lý lịch chàng trai đất Mũi này "đen thui". 18 tuổi, Nghiệp lên Bình Dương đi đòi nợ thuê, theo băng nhóm đánh nhau. Nghiệp đã một lần bị kết án tù giam 3 năm 6 tháng về tội cố ý giết người, hai lần đi cai nghiện ma túy bắt buộc.

Phục thiện giang hồ: Nhà sư cảm hóa 'dân xã hội' - Ảnh 1.

Nhà sư Thích Nhuận Tâm trong Chùa Lá

QUANG VIÊN

"Nếu không gặp sư phụ (sư Thích Nhuận Tâm - PV) chắc em lại tái nghiện và tiếp tục phạm tội", Nghiệp thật thà tâm sự. Tôi hỏi tại sao Thích Nhuận Tâm cảm hóa em phục thiện được ? Nghiệp cho biết: "Khi đến chùa gặp sư phụ, em nói rõ lý lịch của mình, vậy mà sư phụ nhìn em với con mắt trìu mến rồi bảo "Con không phải người xấu, nhưng con chọn sai con đường, giờ con phải khai tâm để soi sáng con đường con đi. Con phải hoàn lương làm điều nhân đức cho cuộc đời để cho cuộc đời mình tốt hơn. Hạnh phúc của mình có được là làm cho nhiều người được hạnh phúc". Sư phụ đối với em vừa như vị Bồ Tát, vừa như người cha. Điều đó làm em thức tỉnh, quyết làm lại cuộc đời".

Trong bữa tiệc hôm ấy, có H., một tay đàn anh khét tiếng trong giới xã hội. H. cho biết năm nay mình hơn 50 tuổi nhưng đã ở tù hơn 30 năm vì phạm nhiều trọng tội. Chịu án hơn 3 thập niên, nhưng ra tù "dòng máu giang hồ" của H. vẫn còn. H. cũng nghĩ rằng rất có thể một ngày nào đó mình lại vào trại giam gỡ nhiều cuốn lịch nếu như không gặp ông sư có tấm lòng Bồ Tát này. H. cho biết sư Nhuận Tâm khác với những vị sư khác mà ông từng gặp. Sư có thể ra ngoài ngồi chơi với anh em đã từng vào tù ra tội giống như bạn bè. Sư cũng có thể thức suốt cả đêm đàm đạo chuyện đời với giới giang hồ. Bài học làm người của sư không giáo lý cứng nhắc, khô khan mà rất đời. H. nhìn vào việc dấn thân không biết mệt mỏi của nhà sư trong công tác từ thiện làm tấm gương để học hỏi. 

"Những điều giản dị của sư phụ truyền vào em, làm dòng máu giang hồ em ngừng chảy. Em quyết làm lại cuộc đời", H. trải lòng.

Phục thiện giang hồ: Nhà sư cảm hóa 'dân xã hội' - Ảnh 2.

Phạm Công Nghiệp xúc động khi gặp sư phụ Thích Nhuận Tâm

Ở lại miền Trung thêm vài ngày, tôi lang bạt cùng sư Thích Nhuận Tâm và một số "đệ tử đặc biệt" của ông đi làm từ thiện. Qua đó, tôi càng thấy cái tài cảm hóa lòng người của nhà sư này.

Chàng trai Thanh Bi kể rằng bản thân luôn ám ảnh về những ký ức buồn trong quãng đời thanh xuân sai đường lạc lối. Là một gã giang hồ thân tàn ma dại, Bi muốn quay đầu làm người thiện lương, xa lánh năm tháng đắm chìm trong ân oán tranh giành địa bàn, mệt mỏi với những đắng cay trong cái giới mà người đời khinh thường gọi là du đãng. 

Thanh Bi bộc bạch: "Khi gặp sư phụ Nhuận Tâm, em đã nói con luôn mặc cảm với chính mình khi từng phải đối diện với những ánh mắt coi thường, ngón tay chỉ trỏ, xen lẫn sự sợ hãi của tất cả mọi người. Có những phút con nản lòng khi nhìn tương lai chỉ toàn màu đen xám nên có ý định biến mất khỏi cuộc đời này. Lúc đó, sư phụ đã ôm em rồi nói: "Người trượng phu thương không ai biết, ghét không ai hay. Còn người bản lĩnh phải biết leo lên từ nơi ta rơi xuống, dù đó là vực thẳm tối tăm. Quay đầu là bờ". Câu nói đó đã làm thay đổi nhận thức của em".

Nghe Thanh Bi kể lại với tôi như vậy, sư Thích Nhuận Tâm nheo nheo đôi mắt hiền từ hóm hỉnh nói: "Cái thằng du đãng ni chừ trở thành nghệ nhân đá nổi tiếng, lại còn làm thơ rất hay nữa". Tò mò tôi gõ trên Google thì đọc được nhiều bài thơ Thanh Bi sáng tác rất có hồn, có nhiều bài được các nghệ sĩ diễn ngâm, được đăng trên một số diễn đàn văn học.

 Biến giang hồ khét tiếng trở thành nhà sư

Trở về TP.HCM, tôi đến thăm Chùa Lá, một ngôi chùa khiêm tốn nằm bên cạnh dòng kênh ở 12/2E Quang Trung, P.14, Q.Gò Vấp. Thích Nhuận Tâm kể lại ông mua đất xây chùa vào năm 1995, khi đó khu vực này rất nhiều dân nghiện xì ke nặng và giang hồ tụ tập. Lúc ông đặt viên đá đầu tiên để dựng chùa, có một tay "anh chị" trong giới giang hồ tới đây gây sự nhiều lần. Nhưng nhà sư vẫn bình thản. Ông còn gặp gỡ nói chuyện cởi mở, thân tình với tay "anh chị" này, và sau một thời gian thì họ không chỉ hết quậy phá mà còn góp công sức xây chùa. "Có thể do có một cơ duyên nào đó mà không ít tay "anh chị" đã bẻ mác, gác kiếm giang hồ, bái tôi làm sư phụ. Tôi nghĩ, giang hồ cũng có nỗi khổ của riêng họ. Một khi hiểu được họ, họ sẽ đến với mình chân tình", sư Thích Nhuận Tâm lý giải.

Phục thiện giang hồ: Nhà sư cảm hóa 'dân xã hội' - Ảnh 3.

Tèo Cá bên nhà sư Thích Nhuận Tâm

Có chuyện sư Thích Nhuận Tâm không nói, nhưng những người sống quanh khu vực Chùa Lá kể lại với lòng ngưỡng mộ tài thu phục "dân xã hội" của ông. Thậm chí, họ còn nghĩ nhà sư có phép màu gì đó. Họ kể rằng từng có một đại ca giang hồ chỉ huy trên 100 đàn em, chỉ sau một lần được gặp thầy đã tự nguyện xuống tóc đi tu ở ngôi chùa này.

Phục thiện giang hồ: Nhà sư cảm hóa 'dân xã hội' - Ảnh 4.

Từ phải sang: Phạm Công Nghiệp, nhà sư Thích Nhuận Tâm, Thanh Bi

Tìm hiểu nhiều bạn bè và phật tử của sư Nhuận Tâm, tôi biết nhiều người là "dân xã hội" khắp nơi quy hướng về như người đàn ông có biệt danh Tèo Cá, bây giờ có pháp danh là Đức Trí. Tèo Cá một thời khét tiếng ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhưng khi gặp sư Thích Nhuận Tâm thì buông bỏ hết, về làm ăn lương thiện. "Tèo Cá không chỉ giã từ vũ khí mà còn nuôi hai đứa con tốt nghiệp đại học, mặc dù anh ta không biết một chữ", sư Thích Nhuận Tâm cho biết thêm.

Đệ tử của nhà sư còn có Chung Dũng, cũng là một tay "anh chị" có số má ở TP.Vinh (Nghệ An), chỉ một lần diện kiến với thầy đã từ bỏ kiếp giang hồ. Sau đó, Chung Dũng đưa cả vợ vào Chùa Lá để quy y với pháp danh Đức Thanh và Đức Nguyệt. "Ở Sài Gòn rất nhiều tay "anh chị" có số má và có cả những "chị đại" cũng rửa tay gác kiếm về Chùa Lá quy y với thầy Nhuận Tâm", một người thường xuyên làm công đức tại Chùa Lá cho hay. (còn tiếp)

"Từ Nam đến Bắc, tôi có vài trăm đệ tử "dân xã hội" mà hiện nay muốn làm lại cuộc đời lương thiện. Vì thế, tôi dự tính mở một trang trại để điêu khắc gỗ - đá, các đệ tử xã hội khi nào mệt mỏi về nghỉ dưỡng học nghề, nghe kinh kệ, tập ngồi thiền để làm mới lại cuộc đời".

Nhà sư Thích Nhuận Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.