Quán ăn món Hoa không biển hiệu của 6 chị em: Cực nhưng chẳng to tiếng với nhau

09/12/2023 11:35 GMT+7

Nơi góc đường Hà Tôn Quyền giao với Trần Quý (Q.11, TP.HCM), đi từ xa đã có thể ngửi thấy mùi thơm từ các món bánh đặc trưng người Hoa. Gần 20 năm qua, một gia đình gồm 6 chị em cùng bán các món gia truyền, đùm bọc yêu thương nhau.

Chủ quán Lê Chí Cường (47 tuổi, Q.11) là người đứng bếp chính, còn 5 người em phụ bán, mỗi người một tay mới kịp gói thức ăn cho khách. Chị em nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, chèn thêm tiếng Việt mỗi khi có người đến mua. Thỉnh thoảng khách quen đến hỏi thăm: "Hôm qua sao bán hết sớm vậy, tôi chưa kịp ăn nữa?, ông Cường cười trả lời: "Khách đông quá, bán vài tiếng là hết sạch rồi, hôm nào tới sớm tôi bù cho nhé".

Quán không biển hiệu, 6 chị em cùng bán.


Nuôi sống cả gia đình

9 giờ sáng, chúng tôi ghé quán của gia đình ông Cường, đến ngay đầu đường, chỉ cần hỏi ở đâu bán bánh lọt xào chao đỏ, người dân lập tức chỉ tay về chỗ có tầm chục người đang vây kín.

Sạp hàng này của chị em ông mở bán được gần 20 năm. Quán có 12 món gồm: bánh lọt xào chao đỏ, mì xào, miến xào, xôi trộn, bánh đúc khoai môn, bánh đúc củ cải, hoành thánh nước, bánh cuốn, bánh bèo, gỏi cuốn, bánh xếp, há cảo. Tất cả đều đồng giá 17.000 đồng/phần.

Quán người Hoa không biển hiệu của 6 chị em: 12 món với công thức riêng - Ảnh 2.

6 chị em phụ nhau buôn bán.

Thái Thanh

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Cường cho biết, tất cả các món đều được chế biến theo công thức riêng, ăn kèm với nước tương đặc trưng của người Hoa. Mười mấy năm qua, sạp hàng này là "cần câu cơm" của cả gia đình.

Ngày xưa, gia đình ông rất khó khăn, 6 anh em thiếu thốn trăm bề. Ông Cường kể, nhiều lúc thấy các em ăn không no, mặc không đủ ấm, ông xót xa nên luôn nỗ lực kiếm tiền để thay ba mẹ lo cho các em. Từ ngày quán được mọi người biết đến, buôn bán cũng khấm khá, mấy anh em ông cũng có cuộc sống ổn định, có được chỗ ở đàng hoàng hơn trước.

Quán người Hoa không biển hiệu của 6 chị em: 12 món với công thức riêng - Ảnh 3.

Mỗi người một tay để làm thức ăn cho khách.

Hồ Nhâm

Chị Lý Bội Trinh (38 tuổi) là em gái của ông Cường chia sẻ, từ nhỏ đến lớn, anh em chị luôn yêu thương, đói khổ có nhau. "Mười mấy năm rồi, chúng tôi bán hàng ở đây để nuôi sống cả gia đình. Tuy không dư giả nhưng ít ra đủ sống, mỗi người mỗi tay, phụ nhau nấu nướng, buôn bán từ sáng đến tối rất vui", bà Trinh bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi) - mối ruột của quán cho biết chị sống ở đầu hẻm, rất hay tới quán ăn, một điều khiến chị đáng ngưỡng mộ là tình cảm của mấy chị em trong nhà ông Cường: "Ai cũng yêu thương nhau, tôi chưa thấy họ giận nhau bao giờ. Tôi tới là mấy chị em niềm nở lắm, khách lúc nào cũng đông, cực như thế nhưng không thấy ai to tiếng với nhau chút nào".

Quán người Hoa không biển hiệu của 6 chị em: 12 món với công thức riêng - Ảnh 4.

Giá bán 1 phần chỉ có giá 17.000 đồng.

Hồ Nhâm

Bí quyết nằm ở cái tâm

Đến quán, chúng tôi bất ngờ khi nghe ông chủ chia sẻ, toàn bộ số thức ăn này chỉ bán trong 2 tiếng. Quán không nhận đặt trên app vì mấy chị em đều không rành công nghệ, tiếng Việt lại không tốt, chỉ có thể nghe hiểu ở mức trung bình.

Khi được hỏi về bí quyết, ông Cường cười nói ông cũng nấu như bao người. "Chúng tôi không có bí quyết gì cả, quan trọng là nấu nướng bằng cái tâm của mình. Dù là món ăn bình dân, bán lề đường nhưng tôi luôn chú trọng về chất lượng và an toàn cho khách hàng. Chúng tôi bán đồ mới mỗi ngày, tuyệt đối không bán đồ thừa từ hôm trước", ông Cường khẳng định.

Quán người Hoa không biển hiệu của 6 chị em: 12 món với công thức riêng - Ảnh 5.

Tầm trưa, khách đến ăn tại chỗ và mua về đông nghẹt.

Thái Thanh

Tới mua 2 phần bánh lọt xào, 1 phần xôi trộn mang về, bà Nguyễn Thị Lam (49 tuổi, Q.Gò Vấp) cho biết mình là khách quen của quán. Hồi trước khi nhà bà còn ở gần đây, ngày nào cũng phải ăn một phần bánh lọt xào, húp thêm tô hoành thánh mới "đã thèm".

Bây giờ khi đã chuyển nhà, cứ ngày cuối tuần thì bà tranh thủ chạy đến mua vài món ngon về cho gia đình cùng ăn.

"Chỉ cần mấy bữa không ăn là tôi nhớ lắm, món ăn rất vừa miệng. Trong thực đơn hiện tại, tôi thích nhất là món bánh lọt, vì nó mềm, dai, hộp 17.000 mà phải 2 người ăn mới hết", bà Lam nói.

Quán người Hoa không biển hiệu của 6 chị em: 12 món với công thức riêng - Ảnh 6.

Bánh lọt xào chao đỏ - một món ngon được nhiều khách ưa chuộng.

Thái Thanh

Chúng tôi gọi 1 phần bánh đúc và 1 phần bánh lọt xào, bánh đúc thì mềm, bánh lọt ăn dai, kết hợp với đậu que nên không bị ngán. Quán còn có bán thêm các loại nước sâm, trà tắc, trà đá, trà đường tự nấu, nước lọc thì phục vụ miễn phí.

Mặc dù buôn bán chỉ đủ trang trải cuộc sống, lấy công làm lời nhưng gia đình ông Cường rất hay tặng phần ăn cho người khó khăn. Chị Bội Trinh cho hay, thấy những người bán vé số, lượm ve chai ghé mua, quán không lấy tiền hoặc cho thêm để họ được no bụng. Cả nhà chị đã từng trải qua khó khăn nên rất hiểu hoàn cảnh và đồng cảm với họ.

Mỗi ngày, niềm vui của mấy anh em là được nấu ăn, bán hàng, gặp gỡ những vị khách thân quen. Mọi người hay nói đùa với nhau, nếu hôm nay chưa biết ăn gì thì cứ ghé quán ông Cường, tha hồ mà lựa chọn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.