Quần đảo Marshall đòi Mỹ xin lỗi, bồi thường vì 67 vụ thử hạt nhân

19/07/2023 07:34 GMT+7

Quần đảo Marshall kêu gọi Mỹ bồi thường đầy đủ thiệt hại sức khỏe, môi trường và văn hóa sau 67 vụ thử hạt nhân trước đây và xin lỗi công khai.

Chủ tịch Quốc hội Quần đảo Marshall Kenneth Kedi ngày 18.7 điều trần trước một nhóm chuyên trách khu vực Indo-Pacific (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) của Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên Hạ viện Mỹ.

Theo tờ South China Morning Post, ông Kedi cho biết chính quyền Mỹ đã cho thực hiện 67 vụ thử hạt nhân từ năm 1946 đến năm 1958 trên quốc đảo. Các vụ thử nghiệm có sức mạnh lớn hơn gấp nhiều ngàn lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến 2.

Quần đảo Marshall đòi Mỹ xin lỗi, bồi thường từ 67 vụ thử hạt nhân - Ảnh 1.

Vụ thử bom hạt nhân Castle Bravo vào năm 1954 tại đảo Bikini của Quần đảo Marshall, quả bom lớn nhất mà Mỹ từng cho nổ

BỘ NĂNG LƯỢNG MỸ

Các vụ thử nghiệm "không may" đã dẫn đến thiệt hại môi trường to lớn, khiến tỷ lệ ung thư tăng cao tại Quần đảo Marshall, trong đó cha mẹ ông Kedi đều sớm qua đời vì ung thư.

Ông Kedi trích dẫn một báo cáo của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Mỹ xin lỗi Quần đảo Marshall. "Chúng tôi chưa nhận được lời xin lỗi", ông nói.

Vị chủ tịch quốc hội cũng đề cập một tòa án do Mỹ và Quần đảo Marshall thành lập để xét xử và bồi thường cho những yêu sách được chứng minh về thiệt hại sau các vụ thử nghiệm. Ông Kedi cho biết phiên tòa hết kinh phí sau khi chi trả một phần nhỏ thiệt hại mà nó tuyên án, và tổng số tiền chưa trả lên đến 3 tỉ USD.

Trong phiên điều trần, ông Kedi nói rằng Quần đảo Marshall đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phe Đồng minh giành lại các vùng trong khu vực từ quân Nhật trong Thế chiến 2. Sau đó, Quần đảo Marshall hy sinh đất đai cho Mỹ sử dụng vào mục đích quân sự.

Quần đảo Marshall đòi Mỹ xin lỗi, bồi thường từ 67 vụ thử hạt nhân - Ảnh 2.

Chủ tịch quốc hội Quần đảo Marshall Kenneth Kedi trong phiên điều trần ngày 18.7

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Cơ sở quân sự Mỹ tại đảo Kwajalein của Quần đảo Marshall được miêu tả là tài sản quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và việc thay thế sẽ tốn kém và khó khăn.

Mỹ đã ký Hiệp ước liên kết tự do (COFA) với Quần đảo Marshall cùng hai quốc đảo khác là Palau và Micronesia, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận với lãnh thổ, lãnh hải và không phận của các nước này. Đổi lại, Mỹ sẽ viện trợ tài chính và cho phép người dân 3 nước được sinh sống và làm việc hợp pháp tại Mỹ.

Mỹ nói chịu áp lực hiện đại hóa vũ khí hạt nhân từ Trung Quốc, Triều Tiên

Các hiệp ước dự kiến hết hiệu lực trong năm nay và năm sau. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất ngân sách hơn 7 tỉ USD để gia hạn trong hơn 20 năm. Trong số này, 2,9 tỉ USD dành cho Quần đảo Marshall.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink ngày 18.7 nói tại phiên điều trần thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ rằng chính quyền tự tin sẽ đạt thỏa thuận với Quần đảo Marshall về việc gia hạn COFA, theo Reuters. Hồi tháng 5, Mỹ nói đã hoàn tất đàm phán thỏa thuận với Micronesia và Palau nhưng việc đối thoại với Quần đảo Marshall chưa mang lại thỏa thuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.