Quản lý thuốc lá mới: Phân định rõ trách nhiệm các bộ, ngành

13/05/2024 19:00 GMT+7

Mới đây, trong "Phiên giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng" diễn ra ngày 4.5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương đã làm rõ vai trò của Bộ này trong quản lý kinh doanh thuốc lá mới.

Để sớm quản lý: Cần làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành

Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công thương (BCT) Phan Thị Thắng cho biết: "Nhiệm vụ chức năng của BCT có khác với nhiệm vụ của Bộ Y tế (BYT), nhưng trên tinh thần là BCT soạn thảo các văn bản, các nghị định nhằm quản lý xã hội", dựa trên các căn cứ pháp lý là văn bản chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng

Ảnh: quochoi.vn

Bà Thắng cũng cho biết, với thực tế tại Việt Nam, số lượng người sử dụng và kinh doanh thuốc lá điện tử (TLĐT) hoặc thuốc lá nung nóng (TLNN) hiện nay rất nhiều. "Quan điểm của BCT là luôn muốn cùng BYT quản lý các sản phẩm này tốt hơn, đặc biệt là trong định nghĩa rõ hơn trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) về TLNN và TLĐT. Các báo cáo của BCT có phân biệt rõ giữa thuốc lá thông thường, TLLN và TLĐT. TLLN chứa sợi thuốc lá, TLĐT chỉ chứa chất nicotine". Theo đó, Thứ trưởng khẳng định cần làm rõ các phạm vi thuộc BCT, hoặc BYT và các bộ khác.

Bộ trưởng BYT Đào Hồng Lan xác nhận: "Vấn đề phân cấp nguyên liệu thuốc lá, mua bán, chế biến, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, hoặc kinh doanh các loại hàng hóa trên thị trường, đó là trách nhiệm của BCT".

Trước đó, tại tọa đàm "Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng" ngày 19.10.2023, đại diện Bộ Tư pháp, cơ quan thẩm định phương án sửa đổi Nghị định 67 do BCT soạn thảo để trình Chính phủ về hướng kiểm soát TLLN, TLĐT, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế khẳng định: "Theo định nghĩa tại Luật PCTHTL, TLLN chính là sản phẩm thuốc lá. Luật Đầu tư có quy định thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Đây là các cơ sở pháp lý có thể tận dụng. Việc thực thi còn lại là trách nhiệm của BCT".

Cũng tại tọa đàm này, đánh giá về sự phối hợp của các bộ ngành, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV cho rằng, vai trò đánh giá tác động của sản phẩm lên người tiêu dùng là thuộc BYT; đánh giá về sản xuất, kinh doanh, quản lý Nhà nước là nhiệm vụ của BCT; ngoài ra lĩnh vực này còn liên quan đến Bộ Tài chính.

"Tinh thần của Chính phủ là tôn trọng thực tế khách quan, cần có những biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo người dùng hàng có chất lượng, ngân sách của Nhà nước không bị thất thu, quản lý giá lưu hành trên thị trường. Điều bao trùm tất cả vẫn là bảo vệ sức khỏe người dân Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ", ông Kiên nhấn mạnh.

Mặc dù hiện nay khung pháp lý đối với TLLN, TLĐT chưa được thông qua, tại phiên giải trình ngày 4.5, đại diện Bộ Tài chính cho biết vẫn dự kiến trình Quốc hội bổ sung quy định vào điều khoản thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để thu thuế đối với mặt hàng TLNN, TLĐT trong trường hợp được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Có thể thấy, đối với việc quản lý, phòng chống tác hại của TLĐT, TLLN, vai trò của các bộ đều đã được phân định rõ và có yếu tố tác động lẫn nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung theo định hướng của Chính phủ.

Cơ chế thí điểm

Trả lời trước Quốc hội vào cuối năm 2023, Bộ trưởng BCT Nguyễn Hồng Diên nói: "Trong quá trình xây dựng, quản lý chính sách thí điểm thuốc lá mới, BCT đang xây dựng phương án quản lý theo hướng tiệm cận nhất với ý kiến của BYT".

Tại phiên giải trình ngày 4.5, Thứ trưởng Thắng tiếp tục làm rõ: "BCT đang thực hiện theo trách nhiệm mà Chính phủ giao là ban hành quy định quản lý về TLĐT và TLLN. Trong đó, đối với TLLN, BCT đang tiến hành lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ thí điểm quản lý. Chúng tôi đề xuất là cho thí điểm việc lưu thông TLLN". Theo đó, BCT sẽ xây dựng cơ chế thí điểm quản lý TLLN trên cơ sở các ý kiến đã được thống nhất giữa các bộ, ngành.

Còn đối với TLĐT, quan điểm của BCT là "chưa lưu hành", tạm thời "giao lại Bộ chuyên ngành để nghiên cứu".

Theo bà Thắng, cơ sở để BCT đi theo hướng trên là bởi TLLN "có sợi thuốc lá và có các chất của thuốc lá", hội đủ các điều kiện theo quy định của Luật PCTHTL. Đồng thời đề tài nghiên cứu ở cấp bộ của BCT năm 2020 đã tham khảo đánh giá khoa học từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đối với TLLN.

Như vậy, giữa BCT và BYT đang có điểm chung đó là chưa cho lưu hành đối với TLĐT trong thời gian này, và công nhận TLLN chứa nguyên liệu thuốc lá. Tuy nhiên, đối với TLLN, BYT vẫn chưa thống nhất quan điểm có thể quản lý ngay theo Luật PCTHTL hiện hành.

Quản lý thuốc lá mới: Phân định rõ trách nhiệm các bộ, ngành- Ảnh 2.

Hiện nhiều chuyên gia đánh giá, nếu các bộ vẫn bảo lưu quan điểm, chưa đi đến thống nhất, thì hệ lụy xã hội vẫn xảy ra trong khi phương án kiểm soát phù hợp vẫn đi vào ngõ cụt. Điều này có thể tạo ra gánh nặng kép, đó là vừa tăng chi phí chống buôn lậu vừa thất thu thuế, đồng thời tăng gánh nặng chi phí y tế từ việc người dùng sử dụng hàng giả, kém chất lượng hoặc trá hình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.