Quảng Nam: Dân gửi đơn tập thể kiến nghị 'cứu' hàng chục ha lúa vì nguy cơ mất trắng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/02/2023 21:29 GMT+7

Nhiều người dân ở Quảng Nam đã làm đơn tập thể kiến nghị 'cứu' hàng chục ha lúa, hoa màu có nguy cơ bị chết vì không có nước để tưới tiêu.

Lúa, hoa màu "khát nước"

Những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở thôn Bàn Nam (xã Duy Châu, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) "đứng ngồi không yên" khi hàng chục ha lúa, hoa màu vụ đông xuân không đủ nước tưới tiêu.

Đáng nói, ruộng lúa đang ở thời kỳ tỉa dặm, bước vào giai đoạn phát triển, quyết định đến năng suất của vụ mùa. Trước nguy cơ vụ lúa có thể "mất trắng", nhiều hộ dân đã làm đơn tập thể kiến nghị chính quyền địa phương có phương án khơi thông kênh mương để dẫn nước về phục vụ sản xuất, "cứu" hàng chục ha lúa.

Dân gửi đơn tập thể "kêu cứu" vì hàng chục ha lúa nguy cơ mất trắng - Ảnh 1.

Kênh dẫn nước từ sông Thu Bồn vào trạm bơm Cù Bàn bị bồi lấp khiến người dân không có nước tưới tiêu

MẠNH CƯỜNG

Bà Trần Thị Nhỏ (58 tuổi, ở thôn Bàn Nam) tỏ ra lo lắng, nói: "Gia đình tôi mới gieo sạ mấy sào lúa được khoảng nửa tháng nay. Tuy nhiên, với tình hình nắng nóng thế này, cùng với đó kênh mương bị bồi lấp không thể bơm nước vào ruộng khiến lúa bắt đầu khô héo dần. Nếu không có nước tưới thì vài ngày nữa lúa sẽ chết khô, vụ mùa này coi như mất trắng rồi", bà Nhỏ nói.

Theo bà Nhỏ, ngày nào bà cũng ra ruộng chắt từng gàu nước để cứu lúa nhưng không ăn thua. Năm nào cũng vậy cứ đến mùa này là lại không có nước để tưới tiêu.

"Xã có trạm bơm Cù Bàn cung cấp nước cho hơn 90 ha hoa màu, lúa nhưng kênh dẫn nước từ sông Thu Bồn vào trạm bị bồi lấp nên không có cách nào để dẫn nước. Trước nguy cơ hàng chục ha lúa mất trắng, người dân đã làm đơn tập thể gửi lên chính quyền địa phương để sớm xử lý việc bồi lấp kênh mương để cứu lúa cho dân", bà Nhỏ thở dài.

Ông Đặng Đình Sanh, Trưởng thôn Bàn Nam cho biết, toàn thôn có 635 hộ dân với 2.483 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề nông. Hơn 40 ha lúa vụ đông xuân này được cung cấp nước tưới từ trạm bơm Cù Bàn. Trong những năm qua, do ảnh hưởng của lũ lụt nên bể hút và dòng chảy vào trạm bơm bị bồi lấp hoàn toàn. Năm nay, kênh dẫn nước vào trạm bơm lại tiếp tục bị bồi lấp.

"Thời điểm này cây lúa sau giai đoạn tỉa dặm và phát triển, nhưng lại không có nước tưới, nguy cơ mất mùa đang hiện hữu nếu không kịp thời có biện pháp khắc phục", ông Sanh nói.

Theo ông Sanh, hơn 20 năm trở lại đây, dường như năm nào kênh dẫn nước từ sông Thu Bồn vào trạm bơm Cù Bàn đều bị bồi lấp. Người dân năm nào cũng kiến nghị chính quyền nạo vét kênh để dẫn nước vào cứu lúa.

Dân gửi đơn tập thể "kêu cứu" vì hàng chục ha lúa nguy cơ mất trắng - Ảnh 2.

Cứ mỗi lần mưa lũ đi qua, kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn lại bị bồi lấp

MẠNH CƯỜNG

"Một năm ít nhất phải nạo vét 2 lần, mỗi lần như vậy phải mất mấy trăm triệu, nhưng được thời gian ngắn thì lại bồi lấp trở lại. Năm nay, người dân lại tiếp tục làm đơn kiến nghị tập thể để sớm có biện pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy để dẫn nước vào cứu hoa màu", ông Sanh chia sẻ.

Ông Sanh cũng kiến nghị, cần có một dự án nạo vét kênh quy mô lớn hơn, từ đó giải quyết được nạn thiếu nước trầm trọng cho cây lúa. Cụ thể, phải nạo vét rộng ra, có độ sâu thì mới hạn chế được tình trạng bồi lấp trở lại. Cũng theo ông Sanh, không nên nạo vét tạm thời để đối phó theo từng vụ như những năm qua nữa, nạo vét kiểu đó chỉ tốn tiền nhưng chỉ đáp ứng được một thời gian ngắn.

Dự án cấp thiết

Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, tình trạng kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn bị bồi lấp đã diễn ra từ năm 2000 đến nay. Để khắc phục, hằng năm chính quyền xã làm phương án kiến nghị lên huyện xin kinh phí để nạo vét, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, tốn kém nhưng cũng không đủ nước tưới tiêu cho hơn 90 ha lúa, hoa màu ở địa phương.

"Chi phí cho việc nạo vét tạm thời rất tốn kém, mỗi lần như vậy là hơn 150 triệu nhưng thời gian dẫn nước vào trạm bơm rất ngắn. Vừa rồi, huyện có dự án nạo vét kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn rất quy mô, nhưng sau đó vì một vài lý do nên buộc phải dừng. Chính quyền xã cũng như hàng trăm người dân rất muốn dự án nạo vét này sớm triển khai, bởi nó mang tính cấp thiết", ông Dũng nói.

Dân gửi đơn tập thể "kêu cứu" vì hàng chục ha lúa nguy cơ mất trắng - Ảnh 3.

Kênh dẫn nước từ trạm bơm Cù Bàn vào khô rang vì không có nước

MẠNH CƯỜNG

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Đức, Phó chủ tịch UBND H.Duy Xuyên, cho hay việc kênh dẫn của trạm bơm Cù Bàn thường xuyên bị bồi lấp là do kênh nằm vuông góc với dòng chảy của sông Thu Bồn, chỉ cần một mùa lũ tiểu mãn là lại bị bồi lấp hoàn toàn, khiến nước không thể dẫn vào trạm bơm.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép UBND H.Duy Xuyên thực hiện dự án "khơi thông dòng chảy trạm bơm Cù Bàn" nhằm ổn định bờ, đảm bảo cung cấp nước cho người dân về lâu dài.

Theo ông Đức, dự án đã được lập hồ sơ từ năm 2021, đến nay các thủ tục đã hoàn thành nhưng chưa thể triển khai vì vướng phản đối của số ít hộ dân làm nghề ven sông Thu Bồn.

Nguyên nhân họ đưa ra là lo sợ khi triển khai dự án thì sẽ gây sạt lở bờ sông. Huyện đã tổ chức đối thoại, giải thích cho người dân hiểu, đồng thời khẳng định sẽ không có chuyện sạt lở bờ sông khi thực hiện dự án "khơi thông dòng chảy trạm bơm Cù Bàn".

Dân gửi đơn tập thể "kêu cứu" vì hàng chục ha lúa nguy cơ mất trắng - Ảnh 4.

Với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, hàng trăm người dân lo chỉ ít hôm nữa hơn 40 ha lúa sẽ bị chết khô

MẠNH CƯỜNG

"Chúng tôi chỉ cho phép nạo vét, mở rộng từ trạm bơm ra tới sông là dài 55m, độ sâu thì không sâu vì còn tùy thuộc vào địa hình. Trong khi đó, phía trong bờ vẫn giữ nguyên hiện trạng nên sẽ không có chuyện sạt lở bờ sông được", ông Đức giải thích.

Theo ông Đức, hiện nay, lúa đang trong quá trình rẽ nhánh nhưng với tình trạng thiếu nước tưới như thế này, cây lúa sẽ bị chết khô nếu không kịp thời cứu chữa.

"Huyện đang làm văn bản báo cáo tỉnh để cho phép triển khai thực hiện dự án càng sớm, càng tốt bởi đây là dự án cấp thiết. Các hộ dân cũng đã có đơn kiến nghị tập thể để có biện pháp cứu lúa. Hiện nay việc cứu lúa cho dân là cấp thiết", ông Đức khẳng định.

.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.