Quảng Ngãi: Nạo vét lòng sông khiến người dân lo ngại sạt lở

31/03/2024 06:00 GMT+7

Đơn vị thi công nạo vét, khơi thông đoạn sông Phước Giang - Bàu Giang và Phước Giang - La Hà (Quảng Ngãi) đã hút một lượng lớn bùn, cát khiến người dân lo ngại sạt lở, sụt lún.

Lo ngại sạt lở, người dân ngăn cản thi công

Dự án nạo vét, khơi thông đoạn sông Phước Giang - Bàu Giang và Phước Giang - La Hà (đoạn thuộc H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Tư Nghĩa làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy lợi cấp 4, nhóm C, tổng chiều dài hơn 6 km với tổng kinh phí đầu tư 7 tỉ đồng.

Dự án nhằm nạo vét, khơi thông dòng chảy, tăng cường tiêu thoát lũ, giảm ngập úng cục bộ cho các khu dân cư và nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân trước các đợt mưa lũ.

Quảng Ngãi: Nạo vét lòng sông khiến người dân lo ngại sạt lở- Ảnh 1.

Đơn vị thi công dùng sà lan để hút bùn, cát đưa lên bờ

HẢI PHONG

Từ cuối tháng 12.2023 đến đầu tháng 3.2024, đơn vị thi công đã phát quang cây cối, nạo vét bùn, đất, cát… đưa lên bãi tạm rồi chở đến bãi tập kết đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc nạo vét lòng sông đoạn qua xã Nghĩa Thương (H.Tư Nghĩa) bị người dân ngăn cản và không cho vận chuyển vật liệu thải tại bãi tạm về bãi chính. 

Người dân cho rằng việc nạo vét khối lượng bùn, cát nhiều sẽ gây sạt lở, sụt lún bờ sông làm ảnh hưởng đến nhà cửa, đất đai. Đồng thời, việc vận chuyển vật liệu từ bãi tạm về bãi chính cũng làm ảnh hưởng đến kết cấu đường bê tông dân sinh.

Quảng Ngãi: Nạo vét lòng sông khiến người dân lo ngại sạt lở- Ảnh 2.

Bãi thải được tập kết bên bờ sông

HẢI PHONG

Nhà bà Nguyễn Thị Lên (thôn La Hà 2, xã Nghĩa Thương) ở sát dòng sông. Khi thấy đơn vị thi công hút nhiều bùn, cát lên bờ, gia đình bà Lên lo ngại vào mùa mưa lũ sẽ xảy ra sạt lở, sụt lún bờ sông. Một số người dân ở gần đó cũng ngăn cản không cho đơn vị thi công nạo vét, hút cát dưới sông lên bờ.

"Mấy hôm trước, người dân thấy xe tải vào đây vận chuyển cát từ bãi trữ đi nơi khác đã ngăn cản vì lo ngại xe chạy gây hư hỏng đường bê tông. Từ đó, đơn vị thi công đã cho dừng và chuyển máy móc, thiết bị đi nơi khác", bà Lên nói.

Điều chỉnh thiết kế thi công

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào ngày 30.3, tại khu vực cầu Nghĩa Lợi (xã Nghĩa Thương) có một bãi cát rộng khoảng 1.000 m2, cao gần 1 m nằm bên bờ sông. Bên trong bãi xuất hiện nhiều vết xe ra vào, có ống nhựa dùng để bơm hút bùn, cát.. do đơn vị thi công để lại. Sát bên bãi trữ tạm của đơn vị thi công là nhà của các hộ dân. Hiện đoạn sông này không có công nhân, máy móc, thiết bị thi công.

Quảng Ngãi: Nạo vét lòng sông khiến người dân lo ngại sạt lở- Ảnh 3.

Ống nhựa được đơn vị thi công dùng để hút bùn, cát trong quá trình nạo vét

HẢI PHONG

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Tư Nghĩa, ngày 9.3, một số hộ dân ở thôn La Hà 3, xã Nghĩa Thương ngăn cản, không cho nạo vét, vận chuyển vật liệu thải từ bãi tạm về bãi chính. Ngày 12.3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Tư Nghĩa phối hợp UBND xã Nghĩa Thương và các đơn vị liên quan tổ chức buổi làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng, nhằm giải thích về mục đích và quá trình thực hiện dự án.

Quảng Ngãi: Nạo vét lòng sông khiến người dân lo ngại sạt lở- Ảnh 4.

Người dân chặn xe tải vận chuyển cát từ bãi tạm về bãi chính vì sợ đường bê tông bị hư hỏng

HẢI PHONG

Theo ông Đinh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Tư Nghĩa, đơn vị có tiếp nhận đơn khiếu nại của người dân thôn La Hà 4, xã Nghĩa Thương về tình trạng vận chuyển, nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn sông Phước Giang - La Hà có nguy cơ sụt lún. Sau đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Tư Nghĩa đã yêu cầu đơn vị thi công cho tạm dừng thi công đoạn lòng sông có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Quảng Ngãi: Nạo vét lòng sông khiến người dân lo ngại sạt lở- Ảnh 5.

Chủ đầu tư sẽ cho nạo vét phần bồi lấp, không mở rộng thêm dòng chảy để không ảnh hưởng đến người dân

HẢI PHONG

"Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Tư Nghĩa đã đi kiểm tra từng đoạn thi công, vị trí nào người dân lo ngại sạt lở sẽ nghiên cứu điều chỉnh thiết kế thi công. Sau đó, sẽ nạo vét phần bồi lấp, không mở rộng thêm dòng chảy để không ảnh hưởng đến người dân", ông Tùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.