Quốc hội thảo luận: Có nên trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT?

22/05/2024 16:28 GMT+7

Quốc hội thảo luận về việc có nên trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT, có đại biểu không ủng hộ, đại biểu khác thì đồng tình nhưng đề nghị phải quy định cụ thể số tiền sẽ trích.

Chiều 22.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau đối với dự án luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Có nên trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT?

Khoản 1 điều 5 dự thảo quy định chính sách của Nhà nước về TTATGT đường bộ. Theo đó, khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT sau khi nộp vào ngân sách sẽ được trích một phần để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và hiện đại hóa lực lượng CSGT.

Quốc hội thảo luận: Có nên trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT?- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi

GIA HÂN

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng, quy định như dự thảo là chưa sự thực hợp lý. Bởi lẽ, công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả đều phải tuân thủ quy định tại luật Xử lý vi phạm hành chính.

"Vậy vì sao lĩnh vực này lại có quy định riêng?", vị đại biểu đặt câu hỏi và nhận định việc trích phần trăm tiền xử phạt một mặt dẫn tới không thống nhất trong các chính sách, quy định chung và các luật có liên quan. Mặt khác sẽ vô tình làm cho lực lượng CSGT "bị những điều tiếng không hay".

Quốc hội thảo luận: Có nên trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT?

Theo nữ đại biểu, việc hiện đại hóa, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng CSGT là cần thiết, nhưng những ngành, lĩnh vực khác (môi trường, tài nguyên, quản lý thị trường…) cũng rất phức tạp, rất quan trọng, cũng cần được quan tâm chứ không riêng gì lĩnh vực TTATGT đường bộ.

Bà đề nghị không quy định trích một phần nguồn tiền xử phạt như dự thảo. "Vấn đề này sẽ thực hiện theo luật Ngân sách nhà nước, nếu khó khăn trong trình tự thực hiện thì cần có biện pháp tháo gỡ cho thỏa đáng, thực hiện cho thông suốt", bà Yến Nhi nói.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng tình đề xuất trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT, nhưng phải làm rõ trích ở mức bao nhiêu. "Trước đây từng có dự thảo quy định trích 70%, dư luận và báo chí phản ánh, rất nhạy cảm, nếu trích cao như vậy thì CSGT liệu có xử phạt triệt để để được hưởng chế độ?", ông Hòa nêu.

Khẳng định CSGT rất vất vả khi thực thi công vụ, việc trích phần trăm tiền xử phạt để phục vụ cho hiện đại hóa lực lượng là cần thiết, ông Hòa đề nghị dự thảo cần quy định rõ số tiền sẽ trích lại "90%, 70% hay 50%, chứ không thể nói một phần chung chung được".

Liên quan đến nội dung trên, tại dự thảo luật trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồi tháng 3, Chính phủ đề xuất quy định lực lượng CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách T.Ư.

Tuy nhiên, tại dự thảo luật trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sau đó, nội dung này đã được bãi bỏ. Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị bổ sung như đã nêu.

Quốc hội thảo luận: Có nên trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT?- Ảnh 2.

Các đại biểu tại phiên thảo luận về dự án luật TTATGT đường bộ

GIA HÂN

GPLX bị trừ hết điểm, CSGT sẽ kiểm tra kiến thức

Dự thảo luật TTATGT đường bộ cũng quy định về điểm và trừ điểm GPLX. Theo đó, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm. Mỗi lần người điều khiển phương tiện vi phạm, GPLX sẽ bị trừ số điểm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Đồng tình về việc áp dụng điểm và trừ điểm với GPLX, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nhận định hình thức tước GPLX như quy định hiện hành sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hàng ngày của người dân.

Trong khi đó, nếu áp dụng trừ điểm GPLX sẽ mang tính nhân văn, nếu GPLX chưa bị trừ hết điểm thì người được cấp GPLX vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến công việc, sinh kế, đời sống của họ.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bến Tre bày tỏ sự băn khoăn về quy định. Theo bà, việc này nên giao cho Bộ GTVT. Bởi theo quy định tại điều 60 và điều 61 của dự thảo, Bộ GTVT quy định nội dung, hình thức, chương trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Vì thế, việc kiểm tra kiến thức về TTATGT đường bộ nên giao luôn cho bộ này thực hiện.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc quy định CSGT kiểm tra sẽ không phù hợp với chính quy định tại điều 61 và điều 62 của dự thảo. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT có thẩm quyền quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp GPLX; cũng như điều kiện, trình tự, thủ tục về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi GPLX.

Nữ đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để có sự thống nhất trong quá trình áp dụng, triển khai khi luật được thông qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.