Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?

Rạp xưa ở Sài Gòn - Chợ Lớn

Lê Vân
Lê Vân
13/08/2023 08:00 GMT+7

Theo tài liệu từ nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu trước năm 1975, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn có 2 đại lộ lớn: Galliéni và Des Marins - đại lộ Đồng Khánh, cả hai sau cũng đổi thành Trần Hưng Đạo. Hai con đường này từng là nơi "trấn" của hàng chục rạp hát, rạp chiếu bóng khu Chợ Lớn trước 1975.

"Đô thành" của phim Hoa ngữ

Ở đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm), Nguyễn Hoàng (nay là Trần Phú), đường Hồng Bàng, Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2), đường Hậu Giang, Minh Phụng, Lương Nhữ Học… cũng có nhiều rạp chớp bóng, hí viện nổi danh. Vì vậy trước năm 1975, khu vực Chợ Lớn được xem là "đô thành" của phim nói tiếng Hoa, tuồng hát bội Hồ Quảng, Triều Châu…

Hí viện - rạp hát bội, tuồng cổ của người Hoa xuất hiện ở Nam bộ từ thế kỷ 20. Thời điểm đó có nhiều gánh hát do thành viên các đoàn hí kịch người Hoa lưu diễn VN rồi ở lại và nhớ quê mà lập nên. Tiêu biểu có Cổ kịch Triều Châu (Triều Kịch), Cổ kịch Hải Nam (Quỳnh Kịch). Người Việt mê Cổ kịch Quảng Đông thường lấy các tuồng Hoa cải hóa thành Việt kịch.

Rạp xưa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Ảnh 1.

Rạp Hào Huê hiện nay là Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, phía trước là căn tin cà phê

Lê Vân

Ông Phan Hùng (ngụ Q.5, TP.HCM) nhớ lại: "Ngày xưa mê coi tuồng cổ dữ lắm. Rạp Hào Huê nè, sau đổi thành Nhân Dân trên đường Trần Phú; rạp Victory sau là Lê Ngọc, Lệ Thanh B, rạp Lux sau là rạp Lao Động… vừa có hí kịch vừa có phim kinh dị chiếu cả ngày".

Cô Chung Hoàn, chủ quán cà phê Ba Lù lâu đời của người Hoa ở Q.5, kể hồi bé rất mê coi phim kinh dị. "Nhà ở gần rạp Thủ Đô, xưa là rạp Eden Chợ Lớn đó. Nó toàn chiếu phim kinh dị Mỹ. Rồi giải phóng xong không chiếu phim lại chuyển qua hát cải lương, thoại kịch. Hồi đó tui toàn trốn đi coi Vũ Linh, Tài Linh, đoàn Minh Tơ ca ghiền gì đâu. Thi thoảng cũng có hát bội, mà tuồng sau này hát bội không còn ứ ừ như hồi xưa nữa", cô Chung Hoàn kể.

Trong ký ức, ông Phan Hùng cũng không quên những bộ phim kiếm hiệp nói tiếng Tàu từng làm mưa làm gió ở rạp Đại Quang, Toàn Thắng. Ông kể: "Hồi đó tui thích nhất là phim Độc thủ có Khương Đại Vệ. Có dạo năm bảy mấy, phim Lý Tiểu Long ngập tràn khu Chợ Lớn, bà con rần rần đi xem ở rạp Lệ Thanh. Tui nhớ hồi đó vùng Chợ Lớn có mấy cái rạp bự là Thủ Đô, Toàn Thắng ngay đường Châu Văn Liêm. Ngoài ra còn có rạp Đô Thành, Hướng Dương, hay rạp Lệ Thanh A chiếu phim Hồng Kông, Lệ Thanh B phim nước ngoài. Mua vé khó lắm, toàn lén vô xem chung với người lớn. Khoảng năm 1981 - 1983 phải xếp hàng mua vé không hà. Mấy thằng chợ đen mua hết, ra bán vé chợ đen đó".

Rạp xưa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Ảnh 2.

Poster phim ở rạp Majestic Chợ Lớn năm 1942

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp

Phim quyền cước Hồng Kông ăn khách

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp (TP.HCM) kể về tấm poster phim anh lưu giữ: "Năm 1973, rạp Lê Ngọc chiếu ra mắt phim Đường Sơn đại huynh với ngôi sao Lý Tiểu Long đóng vai chính, khán giả ùn ùn tới rạp. Kế tiếp, rạp Lê Ngọc công chiếu các phim Tinh võ môn, Mãnh long quá giang, Long tranh hổ đấu, Trò chơi sinh tử đều do Lý Tiểu Long thủ vai chính. Phim nào cũng gây tiếng vang lớn, ăn khách mạnh. Lý Tiểu Long trở thành hiện tượng điện ảnh trong lòng người hâm mộ Sài Gòn - Chợ Lớn".

Rạp xưa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Ảnh 3.

Poster phim Mãnh Long quá giang có diễn viên Lý Tiểu Long chiếu các rạp Victory Lê Ngọc, Lệ Thanh, Hào Huê khu Chợ Lớn năm 1972 - 1973

Phiim Cafe sưu tầm

Thập niên 1970 là lúc Sài Gòn thịnh hành phim quyền cước Hồng Kông như: Long hổ sát đấu (có sự tham gia của các diễn viên nổi danh VN: Trần Quang, Lý Huỳnh), Tinh võ môn, Đường Sơn đại huynh, Mãnh long quá giang...

Khoảng năm 1967 - 1969 về trước, các rạp ở Chợ Lớn thường chiếu phim kiếm hiệp với các tài tử Vương Vũ, Lăng Ba, Trần Hồng Liệt.

Một loạt rạp hát từng tạo nên "đô thành chớp bóng, hí kịch" của Chợ Lớn nay ra sao? Chúng tôi đi qua một số rạp như Hào Huê nay đổi tên thành Nhân Dân, hiện là trụ sở làm việc của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Bên ngoài bán cà phê, chiều là một quán nhậu vỉa hè lấn bàn ghế bán trước cửa. Rạp Lệ Thanh A, B hiện cũng ngưng hoạt động. Rạp Lido đường Trần Hưng Đạo B trước 1975 có lịch sử khá ly kỳ. Rạp nằm cạnh khu sòng bạc Đại Thế Giới khu Chợ Lớn, chuyên chiếu phim Âu Mỹ trong khi các rạp xung quanh chỉ chiếu phim Tàu. Đến cuối thập niên 1960, rạp ngưng hoạt động cho người Mỹ thuê làm khu cư xá và câu lạc bộ. Sau năm 1975, rạp chiếu phim quốc doanh trở lại. Hiện nay, rạp đã bị đập bỏ để xây công trình khác. (còn tiếp) 

Rạp xưa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Ảnh 4.

Poster rạp Oscar đường Trần Hưng Đạo (Chợ Lớn), phim Mặt mũi kỳ cục

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp

Rạp Majestic Chợ Lớn có thể là rạp chiếu bóng đầu tiên ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn? Theo tờ chương trình bằng tiếng Pháp của rạp này vào ngày 8.5.1942 có chiếu phim Le Coeur Dispose thì đây có thể là rạp chiếu phim đầu tiên ở khu Chợ Lớn. Cùng với Majestic Chợ Lớn còn có Majestic Sài Gòn ở gần khách sạn Majestic hiện nay. Nhưng không rõ rạp Majestic Sài Gòn ra đời trước hay sau khu Chợ Lớn. Trước đó, theo nhiều tư liệu báo chí trước 1975, rạp Eden và Majestic là hai rạp chiếu bóng đầu tiên ở Sài Gòn, đều có ở khu trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn.

Theo địa chỉ trên tờ chương trình chiếu phim, rạp chớp bóng Majestic Chợ Lớn ở số 102 Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm hiện nay), sau này là rạp Victory Lê Ngọc chuyên chiếu phim quyền cước Hồng Kông, sau 1975 đổi thành rạp Toàn Thắng, hiện nay đã bị đập bỏ để xây một công trình khác không liên quan phim ảnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.