Rối nước Hội An

19/11/2015 16:25 GMT+7

TP.Hội An (Quảng Nam) vừa đưa vào khai thác một loại hình nghệ thuật không mới, nhưng đặc biệt với phố Hội, gọi là rối nước Hội An.

TP.Hội An (Quảng Nam) vừa đưa vào khai thác một loại hình nghệ thuật không mới, nhưng đặc biệt với phố Hội, gọi là rối nước Hội An.

Rối nước Hội An là kênh giới thiệu văn hóa, con người Hội An - Ảnh: K.C
Rối nước Hội An là kênh giới thiệu văn hóa, con người Hội An - Ảnh: K.C
Cùng nhau làm rối nước
“Gần 1 năm trước, khi ngành văn hóa, du lịch Hội An kêu gọi xây dựng loại hình nghệ thuật đặc thù này, ai cũng ngại khó. Cuối cùng chúng tôi vận động mỗi đơn vị một người, hợp thành một đội 16 người và bắt tay vào tập luyện với những người thầy đầu tiên đến từ Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội)”, anh Trần Như Hà, phụ trách nghệ thuật Đoàn rối nước Hội An bắt đầu câu chuyện. Các thành viên trong đoàn lao vào huấn luyện giữa mùa mưa lạnh, với sân khấu lộ thiên. Mặc dù được trang bị quần áo bảo hộ đến ngực nhưng việc ngâm mình dưới nước cả ngày trời để tập luyện là cản ngại bước đầu của mọi người, nhất là các cô gái. “Không chỉ đứng cả ngày dưới nước tập luyện, hai bàn tay cũng ngâm trong nước lạnh tê buốt đến teo cả da tay. Nếu đeo găng tay thì không thể điều khiển thanh rối với mớ dây chằng chịt. Thời gian đầu cầm thanh điều khiển, hai bả vai tê mỏi, riết rồi bắp tay có “chuột” hồi nào không hay”, Nguyễn Huỳnh Thanh Thảo, thành viên nữ của tâm sự. Trường hợp của Thảo được khá nhiều người chia sẻ khi cô là diễn viên múa chân yếu tay mềm, lại mới sinh con nhỏ được vài tháng. Nhưng quyết tâm tập luyện và phải thành công với môn nghệ thuật mới của Thảo khiến mọi người cũng thấy có động lực. “Đã vào đội, khi tập luyện, rồi biểu diễn chúng tôi luôn có sự phối hợp nhịp nhàng. Rối mà, sơ sẩy là rối đội hình ngay. Trong một vở diễn, chúng tôi vừa là diễn viên điều khiển rối, rồi ngay lập tức vào vai kéo mành, rồi âm thanh, ánh sáng… thay đổi vị trí liên tục”, La Thảo Uyên, một thành viên khác cho biết.
Sau gần 1 năm miệt mài tập luyện, Đoàn rối nước Hội An chính thức ra mắt và đi vào hoạt động hồi đầu tháng 10.2015. Đoàn biểu diễn nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp gần 20 vở rối (mỗi vở từ 5-7 phút) như Tễu giáo trò, ông bà lão chăn vịt, đua thuyền, câu ếch, bát tiên… Đối tượng phục vụ chủ yếu là học sinh và du khách đến Hội An.
Rối “made in Hội An”
Có gốc gác, xuất thân từ Bắc bộ, nên các vở rối nước thường có điểm chung, từ lời thoại, cho đến ngữ điệu, âm nhạc… đều mang âm hưởng văn hóa dân gian miền Bắc. Vậy làm sao để rối đến gần hơn với trẻ con, với người dân xứ Quảng, để rối mang sắc vóc của Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung? Đó mới là câu chuyện. Và một ngày, trên sân khấu rối nước Hội An hiện ra cảnh làng quê thanh bình, yên ả, có những người nông dân chất phác, có con trâu đi trước cái cày theo sau, xen lẫn làn điệu âm nhạc dân gian xứ Quảng. Cảm giác gần gũi của quê hương bản quán xuyên suốt vở diễn mới “Một góc hồn quê” và “Truyền thuyết trấn Cù” đều do anh Trần Như Hà viết kịch bản và dàn dựng. Ngay khi vừa ra mắt, những vở diễn này thu hút sự quan tâm, cổ vũ đặc biệt từ phía người dân và du khách, bởi nó có sự hiện diện của văn hóa, con người Hội An. Từ ngữ điệu, âm nhạc cho đến hình thù con rối, nội dung thoại, pha trò cũng mang đậm chất Quảng. “Trong Truyền thuyết trấn Cù, xung đột kịch mạnh mẽ, sự vận chuyển của rối liên tục nên các diễn viên cũng liên tục thay phiên nhau. Đã vậy con rối Cù rất nặng, cần nhiều người điều khiển thanh sào nên cũng rất dễ bị rối. Vất vả lắm, nhưng vì đây là “con đẻ” của Đoàn rối nước Hội An nên các anh chị em rất phấn chấn, háo hức”, anh Hà cho biết.
Từ thành công của những vở diễn mới, cộng với kho âm nhạc dân gian, văn hóa truyền thống xứ Quảng, rối nước Hội An tự tin định hình sản phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa, câu chuyện, con người của Hội An, Quảng Nam. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với các hãng lữ hành, doanh nghiệp du lịch tổ chức khai thác thành công tour xem rối nước, vừa để giới thiệu sản phẩm du lịch mới, vừa là kênh giới thiệu văn hóa, con người Hội An khá hấp dẫn”, anh Hà chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.