Rưng rưng với bài thơ Nghệ sĩ giun của "bác trưởng thôn" Văn Hiệp

11/04/2013 17:05 GMT+7

(iHay) NSND Doãn Châu kể lại chuyện Văn Hiệp từng làm bài thơ rất xúc động để tặng ông.

(iHay) Nghệ sĩ Văn Hiệp khi còn sống từng nói với bạn bè hãy gọi anh là “Nghệ sĩ... Giun”.

>> Dân mạng khóc thương “bác trưởng thôn” Văn Hiệp
>> Giới nghệ sĩ bàng hoàng khi "bác trưởng thôn" Văn Hiệp đột ngột qua đời
>> Bác trưởng thôn" Văn Hiệp đột ngột qua đời

Tôi đã viết về anh Văn Hiệp như một chàng tí hon giữa rất nhiều người khổng lồ sân khấu cùng khóa như NSND Thế Anh, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng... Chàng tí hon ấy cũng chẳng kém gì các gã khổng lồ. Luôn không cần ai đó xếp mình cạnh những tên tuổi trên, anh vẫn được từ ông bà già, trung niên đến các cháu thiếu niên nhi đồng cả đất nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài yêu thích và gọi là nghệ sĩ của nhân dân.

Trong khi đó thì Hiệp thuyết phục tôi hãy viết về anh với hình tượng là con giun dưới lòng đất và hãy gọi anh là “Nghệ sĩ... Giun”.

Làm sao mà tôi có thể đặt bút mà viết về anh với sự ví von kỳ lạ như vậy được!

Đang lúc lúng túng thì đúng vào ngày sinh nhật của mình, Văn Hiệp gửi tặng tôi một bài thơ - một tâm sự tự đáy lòng anh khi nhìn lại cả cuộc đời theo nghiệp sân khấu. Anh nói rằng đó cũng là điều anh muốn gửi gắm tới tất cả những “fan” yêu mến để đánh giá đúng con người anh.

Yêu quý và tôn trọng bạn, tôi xin phép được ghi lại toàn bộ bài thơ như sau:

(Nhân dịp sinh nhật lần thứ 66 của mình, tặng NSND Doãn Châu một bài thơ. Ý tứ thì đơn giản mà vần điệu thì chẳng còn thơ nào lủng củng hơn được nữa).

Danh hiệu tự phong

Nơi nào có đất cằn

Nơi đó có họ nhà giun

Hiền lành chẳng làm đau ai

Mềm oặt như sợi bún

Năm năm, ngày ngày, tháng tháng

Miệt mài thâu đêm suốt sáng

Nhích, nhích dần từng bước

Cho đất mẹ tơi xốp

Đất mẹ sinh giun và rất nhiều nghệ sĩ giun

Biến cằn cỗi tối tăm thành tốt tươi, xanh thẳm

Cho cây đừng bừng dậy nhú chồi non

Còn gì vui hơn làm Nghệ sĩ Giun

Đọc bài thơ của Văn Hiệp, tôi thấy cay xè nơi khóe mắt. Tôi không tán thành với cách tự ví von của Hiệp, nhưng anh thì vẫn khăng khăng giữ nguyên ý định của mình và yêu cầu tôi hãy “chiều” anh để nguyên hình tượng mà anh lựa chọn để tự xác định thân phận của mình.

Tôi nói với Văn Hiệp thế này: Thôi được, tôi sẽ giữ nguyên ý định của ông, đồng thời, tôi cũng giữ nguyên những suy nghĩ của tôi và kết luận cuối cùng, xin dành lại cho độc giả và những người hâm mộ ông.

Nghe tôi nói xong, Hiệp lại chỉ cười với nụ cười khó hiểu rồi vớ lấy chiếc điếu cày để rít một hơi dài.

Đằng sau khói thuốc bay lên ngoằn nghèo như con giun hiện ra một Văn Hiệp không ra ưu tư mà cũng chẳng ra vô tư nhưng có một điều gì đấy mà cho đến bây giờ chính tôi cũng chẳng biết nói thế nào. Tôi chỉ liên tưởng tới một quy định của nhà Phật.

Quy định như sau: Hàng năm, mỗi khi hè bắt đầu sang, những cơn mưa đầu mùa khiến mặt đất khô cằn ẩm ướt lên vì nước mưa và những sinh vật dưới lòng đất trong đó có loài giun gặp nước bắt đầu ngoi lên trên mặt đất. Đó cũng là lúc các tăng ni, phật tử được khuyến cáo chỉ ở trong chùa, trong nhà tụng kinh niệm Phật mà không đi ra ngoài để tránh giẫm lên các sinh vật nhỏ bé trên mặt đất, nhất là loài giun.

Vì sao thế nhỉ?

Có lẽ là thế này. Nhà Phật trân trọng công lao của các sinh vật, kể cả cá sinh vật nhỏ nhất như giun. Nhờ có nó mà đất xốp lên rồi từ mặt đất này, cây cối nảy lộc đâm chồi, đơm hoa kết trái, thiên nhiên xanh tươi hơn và cuộc đời này vì thế đẹp hơn.

NSND Doãn Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.