'Rượu bia không có lỗi, cách uống rượu bia không đúng gây ra chuyện'

29/06/2023 18:27 GMT+7

Nói về văn hóa uống rượu bia, PGS - TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nhấn mạnh: "Rượu bia không có lỗi, cách uống rượu bia không đúng gây ra chuyện".

Chia sẻ tại Hội thảo văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng do Tạp chí Đồ uống Việt Nam phối hợp Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 29.6, tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho biết đồ uống nói chung bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, gắn liền với những đặc trưng văn hóa.

'Rượu bia không có lỗi, cách uống rượu bia không đúng gây ra chuyện'   - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

NT

Từ khi đổi mới và hội nhập, kinh tế tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện, khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam gia tăng, ngành đồ uống phát triển mạnh với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu.

Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đề cập tới câu chuyện văn hóa uống rượu bia của Việt Nam và các giải pháp để ngành đồ uống phát triển trong thời gian tới. Các ý kiến nhấn mạnh, đồ uống có cồn được sản xuất từ tự nhiên, từ các sản phẩm nông nghiệp (ngũ cốc, trái cây, rau quả...) và một số thành phần bổ sung khác.

Nếu sử dụng đúng, phù hợp các loại đồ uống có cồn sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng đồ uống không trách nhiệm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, kinh tế, gia đình và toàn xã hội. Do vậy, phải sử dụng các loại đồ uống có cồn trong giới hạn cho phép.

Văn hóa quan trọng nhất là tuân thủ pháp luật

Khẳng định "rượu bia không có lỗi, cách uống rượu bia không đúng gây ra chuyện", PGS - TS Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ quan điểm, trên thực tế, khi người tiêu dùng biết cách sử dụng đồ uống một cách thông minh và hợp lý sẽ mang lại giá trị tốt cho sức khỏe, thậm chí có loại đồ uống còn là bài thuốc dân gian chữa bệnh cho con người.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng, để uống có văn hóa, đặc biệt đảm bảo an toàn giao thông, ngoài việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi còn phải có chế tài đủ mạnh nhằm xử lý những trường hợp vi phạm. Ngày xưa coi uống rượu là lễ nghĩa, còn hiện nay, nhiều người uống có vẻ thoải mái, lạm dụng. Công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường, nhất là quản lý các loại rượu không có nguồn gốc, rượu do dân tự nấu.

Tuyên truyền đã uống rượu bia, không lái xe, nhưng nếu một công an giao thông không nghiêm túc hoặc bỏ lọt người vi phạm thì đã vô tình tiếp tay cho văn hóa uống không có trách nhiệm… Nên văn hóa quan trọng nhất hiện nay là văn hóa tuân thủ luật pháp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

"Việc người dân uống loại đồ uống gì, ai sản xuất mới cần được kiểm soát. Hiện nay, do thiếu thông tin, người dân ở các vùng nông thôn, miền núi vẫn uống các loại rượu không có nhãn mác, không nguồn gốc, gây ra các vụ ngộ độc rượu có chứa methanol.

Nhìn chung, để uống có văn hóa, có trách nhiệm, cần ý thức và sự vào cuộc của toàn xã hội, chế tài cần đảm bảo răn đe. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống cơ chế nghiêm để kiểm soát. Tuyên truyền đã uống rượu bia, không lái xe, nhưng nếu một công an giao thông không nghiêm túc hoặc bỏ lọt người vi phạm thì đã vô tình tiếp tay cho văn hóa uống không có trách nhiệm… Nên văn hóa quan trọng nhất hiện nay là văn hóa tuân thủ luật pháp", ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Xung quanh câu chuyện phát triển ngành đồ uống cũng như uống có văn hóa, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: "Với thị trường rộng lớn của Việt Nam (gần 100 triệu dân), nhu cầu uống hàng ngày rất lớn, bao gồm đồ uống có cồn và không cồn. Chúng ta cần uống làm sao để tăng cường sức khỏe và tạo cảm hứng tốt trong cuộc sống, thể hiện giao lưu trong xã hội.

Để làm được điều đó, chất lượng các sản phẩm đồ uống phải tốt, phong phú các sản phẩm đối với nhiều đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, sản xuất đồ uống dành riêng cho người cao tuổi, người trẻ và nước giải khát, sữa cho trẻ em để bắt nhịp nhu cầu xã hội".

Theo PGS - TS Nguyễn Toàn Thắng, thời gian tới, ngành đồ uống phải thường xuyên nghiên cứu nhu cầu thực tế của khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế để cải tiến mẫu mã sản phẩm một cách khoa học, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, liên tục làm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tạo điểm nhấn tiêu biểu về đặc sắc vùng miền địa phương, xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và quốc tế…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.