Sách xưa một thuở: Chống sách gian, sách giả

22/04/2023 07:14 GMT+7

Ngày nay, các đơn vị xuất bản, phát hành sách ngăn ngừa sách lậu, sách giả bằng tem chống giả, in phủ UV… Cách đây cả trăm năm, món in ấn hiện đại này chưa xuất hiện. Để chống sách giả, các đơn vị làm sách dùng những cách khác nhau.

Đóng dấu xác nhận bản quyền

Tín Đức thư xã, đơn vị xuất bản có tiếng tăm đầu thế kỷ 20 đã dùng con dấu riêng của mình phân biệt sách thật sách giả. Đồng thời, lưu ý rõ với độc giả vấn đề này ngay trên bìa 1 của sách do thư xã xuất bản. Phấn trang lầu diễn nghĩa (Nguyễn An Khương dịch, 1928) gồm 7 cuốn. Bìa 1 các cuốn này in dòng chữ nửa dưới trang: "Cuốn nào không có dấu riêng của nhà xuất bản là đồ gian".

Sách xưa một thuở: Chống sách gian, sách giả   - Ảnh 1.

Sách Trung Quốc cổ kim lược ký xác nhận sách thật qua dấu hiệu: “Cuốn nào không có chủ bổn ký tên hay là con dấu ấy là đồ gian - xin chớ lầm”

Lối cảnh báo này thành sự thường trong xuất bản sách ở Nam kỳ đầu thế kỷ 20. Sách Tam tự kinh (Nguyễn Chánh Sắt viết, Phạm Văn Thình tại Chợ Lớn xuất bản, Nhà in Xưa Nay, 1929), ngay bìa 1 lưu ý "Cuốn gian thì không đóng dấu của Phạm Văn Thình". Vẫn dịch giả Nguyễn Chánh Sắt, cuốn Trung Quốc cổ kim lược ký do Lê Phước Thành, tức Lê Văn Thinh nắm bản quyền xuất bản, in tại Nhà in Xưa Nay năm 1928. Bìa 1 chủ sở hữu in dòng chữ: "Cuốn nào không có chủ bổn ký tên hay là con dấu ấy là đồ gian - xin chớ lầm".

Bán bản quyền nhiều cuốn, nhưng Nguyễn Chánh Sắt cũng có cuốn giữ bản quyền, như tiểu thuyết tâm lý Tài mạng tương đố bản in đầu năm 1926, bìa 1 in dòng chữ đặt trong ô "Tác giả giữ bút quyền, cấm không cho ai được in theo nguyên bổn". Việc trích dẫn, dùng một phần nội dung tác phẩm cũng không được phép. Cũng năm 1926, tuồng hát cải lương Nhị độ mai in tại Nhà in Nguyễn Văn Viết. Bìa 1 cảnh báo "Cấm nhặt. Không được rút bài bản hoặc tuồng hát nầy mà không có phép", và xác nhận bản quyền "Coi chừng cuốn nào không có Mộng Trần ký tên là gian".

Cách xác nhận bản quyền này gặp cả ở xuất bản trong Nam ngoài Bắc. Hài kịch ba hồi Ông Tây An Nam của Nam Xương do Nam Ký xuất bản năm 1931. Trang bìa giả in dòng chữ "Cuốn nào cũng phải có dấu riêng của Chước Giả", phía dưới là dấu tứ giác của tác giả Nam Xương mực màu xanh. Việc đóng dấu tuy mất thêm thời gian nhưng là phương cách hiệu quả để tác giả, nhà xuất bản tránh tình trạng sách giả. Với riêng nhà thơ Tản Đà, cái dấu của ông có hình trăng lưỡi liềm khắc tên ông, "ý ví mình như mặt trăng non", lời Nguyễn Công Hoan.

Tỉ mẩn ký cả nghìn cuốn

Nguyễn An Ninh khi xuất bản sách, cũng kỹ lưỡng trong việc xác nhận chính chủ. Bìa 2 cuốn Tôn giáo in năm 1932 in dòng chữ "In lần đầu 2.000 cuốn, có đóng số mổi [mỗi] cuốn từ 1 cho tới 2.000 và có người làm sách ký tên mổi [mỗi] cuốn". Giữa trang dành hai dòng ghi "Cuốn nầy số No..."; và "Chổ [chỗ] người làm sách ký tên:". Góc bên phải trang này là dòng bản quyền tiếng Pháp "Tous droits réservés". Việc này còn bắt gặp ở cuốn tuồng hát Hai Bà Trưng (Nguyễn An Ninh, Nhà in Bảo Tồn, 1928). Dòng chữ Pháp xác nhận bản quyền cũng được Tản Đà thực hiện ngay trên bìa 1 cuốn Giấc mộng lớn in năm 1925.

Sách xưa một thuở: Chống sách gian, sách giả   - Ảnh 2.

Trang bìa giả hài kịch ba hồi Ông Tây An Nam có dòng ghi bản quyền cùng dấu của tác giả Nam Xương

ĐÌNH BA

Việc ký tên xác nhận sách thật bắt gặp ở nhiều tác giả khác. Hiền Vương, chủ nhân sách Mình ôi, tôi muốn đi coi cuộc đấu xảo Paris (Nhà in Đức Lưu Phương, 1931) ngay trên bìa 1 in dòng chữ "Mổi [mỗi] cuốn đều có ký tên riêng - Hãy coi chừng kẻo lầm".

Để ngăn việc in thêm, in không bản quyền cùng một tác phẩm, các đơn vị xuất bản cũng ghi rõ quyền sở hữu của mình trên tác phẩm. Biên khảo Văn ca trích cẩm 200 bài (Phó bảng Hoàng Tăng Bý [Bí] biên khảo, 1928), Tân Dân thư quán in dòng chữ sau trang bìa giả: "Tân Dân thư quán xuất bản, giữ bản quyền"; sách Mua may bán đắt (Đặng Hữu Nghĩa, 1933), bìa giả ghi "Nhà xuất bản Cu Toan Hanoi 59, phố Citadelle (nay là phố Hàng Da) giữ bản quyền". Chương Dân thi thoại (Phan Khôi, Nhà in Đắc Lập, 1936) bìa 1 có dòng chữ "Tác giả giữ bản quyền".

Thậm chí, tác giả sách còn viện dẫn đến cơ quan công quyền để thêm sức nặng cho sự bảo chứng. Sách Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ (Ngô Vi Liễn, Đỗ Đình Nghiêm, Phạm Văn Thư, Nhà in Lê Văn Tân, 1927), trước trang bìa giả in dòng chữ trang trọng: "Sách này đã trình tòa để giữ bản quyền". Lê Văn Phúc và Phan Kế Bính là tác giả sách Trần Hưng Đạo vương truyện, bản in lần hai năm 1935 do Đông Kinh ấn quán thực hiện, bìa 2 của sách in dòng chữ trang trọng "Sách này có trình quan Thống sứ và ngài đã cho phép in (Thơ số 4891 ngày 1er Août 1914). Người làm sách này giữ bản quyền, không ai được xửa [sửa] đổi, chích [trích] lược, dịch cùng in lại".

Nhưng nghề nào cũng có mặt trái. Thời gian 1936 - 1937, thấy nhiều tiểu thuyết ăn khách, đã có nhà sách sử dụng mánh khóe. Nhà sách Hội Ký ở Nam Định, "khi in một cuốn truyện… đã lòe độc giả bằng cách in một ruột, nhưng hai bìa. Một số ruột đóng bằng bìa ghi "in lần thứ nhất". Một số ruột đóng bằng bìa ghi "in lần thứ hai". Sách đóng bìa "in lần thứ nhất" bán độ dăm tháng, thì bán đến sách đóng bìa "in lần thứ hai"", Nguyễn Công Hoan ghi trong hồi ức Nhớ gì ghi nấy.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.