‘Sân Mỹ Đình đã đầu tư 20 năm thì phải xác định được khấu hao thế nào'

07/01/2023 17:00 GMT+7

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng về sân Mỹ Đình - hạng mục quan trọng của Khu liên hợp thể thao quốc gia, công trình được xây dựng phục vụ SEA Games 22 năm 2003.

Ngày 5.1, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản gửi Bộ VH-TT-DL yêu cầu báo cáo về thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao, nhất là các cơ sở thuộc quyền quản lý của Bộ. Khuôn khổ pháp lý và tình hình thực hiện đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chất lượng công trình hằng năm, làm rõ những khó khăn, vướng mắc. Đề xuất giải pháp phù hợp bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, yêu cầu thực tế cho các hoạt động thi đấu thể thao và các hoạt động văn hóa, thể thao khác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1.2023.

Sân Mỹ Đình ngày 7.1.2023

Đ.HUY

Ngày 6.1, trong cuộc họp quan trọng với Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị ngành thể thao phải sớm có giải pháp tháo gỡ theo chỉ đạo được nêu trong công văn của Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao Tổng cục TDTT chủ trì, phối hợp với Vụ kế hoạch - tài chính Bộ VH-TT-DL cùng các đơn vị liên quan, đối chiếu để đánh giá lại thực trạng về hệ thống cơ sở thi đấu thể thao thuộc Bộ VH-TT-DL. "Thực trạng ở đây là phải biết được hiện nay Bộ VH-TT-DL đang quản lý bao nhiêu cơ sở thể thao, những cơ sở đó có lịch sử hình thành từ năm nào, đầu tư bao nhiêu tiền, hàng năm được đầu tư bao nhiêu. Như sân Mỹ Đình chẳng hạn, đã đầu tư hơn 20 năm thì phải xác định được khấu hao nó là như thế nào", Bộ trưởng nói.

Đoàn thể thao Việt Nam được giao nhiệm vụ nặng nề tại SEA Games 32

Đ.HUY

Bộ trưởng yêu cầu: "Về chiến lược, cần kiến nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương giao Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với Bộ KH-ĐT xây dựng Đề án thí điểm về kinh tế thể thao. Tổng cục TDTT bằng mọi biện pháp, phải tham mưu được vấn đề đó. Về lâu dài cần kiến nghị để cho phép lập dự án Trung tâm thể thao quốc gia mang tầm quốc tế".

Về mô hình hoạt động của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu sắp tới phải tập trung thảo luận, nghiên cứu, chọn hướng đi phù hợp. Tự chủ toàn diện hay một phần là bài toán phải sớm được giải quyết.

Được sinh viên dọn dẹp, sân Mỹ Đình có bớt nhếch nhác?

Liên quan đến phát triển thể thao thành tích cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị phải sớm xây dựng kế hoạch, có hành động cụ thể, chi tiết về công tác chuẩn bị cho ASIAD 19 và SEA Games 32, hướng tới Olympic Paris 2024. Với SEA Games 32, thể thao Việt Nam phải giữ vững thành tích rồi hướng đến có được thành tích cao tại sân chơi châu lục và thế giới như ASIAD và Olympic. Để làm được điều này, lãnh đạo ngành thể thao và những cán bộ làm công tác chuyên môn cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá chính xác và lựa chọn môn thể thao trọng điểm có khả năng giành huy chương để đầu tư có trọng điểm. Có như vậy, thể thao Việt Nam mới đạt được thành tích như kỳ vọng và có bước phát triển đột phá.

Xem nhanh 20h ngày 7.1: Chốt phương án cứu nạn bé Hạo Nam | Cảnh sát hình sự bị sát hại

"Phải gắn chỉ tiêu cho từng trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia theo hướng thế mạnh từng vùng. Ví dụ như bơi không phải thế mạnh của Hà Nội thì phải tập trung đầu tư ở Cần Thơ. Căn cứ vào đó để giao kinh phí, chỉ tiêu đi kèm. Không thể cào bằng trong vấn đề này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.