Sao băng đã rớt, ngọn lửa vẫn rực

Lữ Khách
TP.HCM
18/09/2023 09:00 GMT+7

Người đời làm từ thiện như thêu hoa trên gấm, có những người hướng thiện động lòng trắc ẩn, có nhà tỉ phú ham danh "đệ nhất từ thiện" rơi vào vòng lao lý... Nghèo đến cùng cực, vẫn dành trọn đồng tiền kiếm được mở quán cơm chay, gieo mầm ruộng phước, thì có cư sĩ Vũ Quốc Cường, thường được gọi là "Cường béo".

Sao băng đã rớt

Con hẻm nhỏ mà 2 người không thể tránh nhau tại P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM bỗng dưng trở nên tấp nập, người ta chen chúc nhau để lấy phần cơm chay miễn phí. Từ 10 giờ 30, quán cơm đã sẵn sàng. Chủ nhân quán cơm từ thiện trong áo tràng lam đã bạc màu, khoan thai chờ vị khách đầu tiên. Các món chay của anh không chỉ có rau củ quả thông thường, mà còn có cả các món "hảo vị" như tàu hủ, măng, nấm…

Sao băng đã rớt, ngọn lửa vẫn rực - Ảnh 2.

Chị Lan nói, "bây giờ mình còn sức khỏe, mình ráng làm để duy trì quán được ngày nào hay ngày đó..."

T.L gia đình cung cấp

Quán cơm chay chừng 20 m2 của anh cũng là nơi cư trú của hai vợ chồng, 4 cô con gái và bà bác nằm liệt tại chỗ. Tục ngữ có câu: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", tôi không thể tưởng tượng nổi, với gia đình 7 nhân khẩu như vậy, "co" thế nào mới là khéo? Nhà anh cũng không có cửa, không phải anh đã thấm nhuần triết lý "đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi" trong lý tưởng thế giới đại đồng của Khổng Tử, mà là anh đã nghèo xác nghèo xơ, có khi còn nghèo hơn cả kẻ trộm!

Tôi thắc mắc: phải có hoạt động mua vô bán ra, chứ phát không đâu được gọi là quán? Ban đầu, vợ chồng anh bán mỗi suất cơm với giá 5.000 đồng. Sau này, thấy vẫn còn nhiều người khổ, anh chị dẹp bỏ tấm bảng có ghi giá tiền cơm để thay bằng dòng chữ "trả tiền tùy tâm". Khách đến đông quá, không thể ăn tại chỗ, anh mới quy định chỉ mang về và hoàn toàn miễn phí.

Mà anh Cường nào khá giả gì cho cam, anh đã từng nếm trải mọi nỗi khổ của người đời. Khi chưa có con, vợ anh đi dọn nhà, giặt đồ, rửa nhà vệ sinh… Anh Cường đi làm thuê, làm mướn đủ nghề nặng nhọc…, ai thuê gì anh làm nấy. Khi sinh con, gia đình Cường càng cực thêm, anh hầu như không có mặt ở nhà bởi phải đi làm thuê làm mướn để có gạo nuôi con. Hai vợ chồng thường chở nhau đi tìm những quán cơm chay từ thiện, giá rẻ từ 2.000 - 2.500 đồng/dĩa để ăn. Nếu ăn không no, anh chị uống thêm nước vào cho no chứ không dám ăn dĩa cơm thứ 2. Sau này, khi anh chị không phải chạy ăn từng bữa nữa, anh vẫn luôn nhớ về những tháng ngày cơ cực ấy. Mỗi khi thấy ai đó đói ăn, anh lại cầm lòng không được. Thế là anh phát tâm mở quán cơm chay từ thiện để giúp những người khó khăn hơn mình. Đúng là lá rách đùm lá... nát!

Bốn cô con gái anh đều học giỏi, trong đó con gái thứ Kim Như đã thi đậu Đại học Y Dược TP.HCM, anh mừng đến nỗi đi khoe với tất cả mọi người, con gái anh được học ở trường điểm trong khối ngành về sức khỏe. Nhưng đến lúc hai bố con nói đến học phí, anh hơi buồn vì lo không biết có đủ khả năng đóng cho trường đúng lịch hay không. Mỗi khi nhận được tin học phí, hai bố con cứ im lặng nhìn nhau.

Đứng trước dịch bệnh, kẻ giàu người nghèo đều bình đẳng... Anh Cường phát hiện nhiễm Covid-19 vào ngày 16.8.2022. Sau đó, cả gia đình anh gồm vợ - chị Nguyễn Thị Tuyết Lan và các con trở thành F0, cũng phải đi cách ly, không thể liên lạc với nhau được. Ngày 17.8, anh được đưa vào khu cách ly tập trung để điều trị. Mọi người trong gia đình đều qua khỏi, chỉ riêng anh, mất vào ngày 21.8, trong cảnh cô độc.

Sao băng đã rớt, ngọn lửa vẫn rực - Ảnh 3.

Tác giả đến nhà anh Cường khi thực hiện bài viết này

Kiếp này đã viên mãn, cầu xin anh được thanh thản nơi thiên quốc, tôi đã làm bài thơ truy điệu anh theo thể đường luật:

Tặng cơm nghĩa cử thật vô song,

Chống dịch xả thân một tấm lòng.

Dù có đại gia nhà lộng lẫy,

Chẳng bằng bốn vách cửa như không.

Xông pha trận mạc truy phong mã,

Rường cột gia đình bất lão tùng.

Duyên kiếp long đong thành vĩnh biệt,

Lại mừng bếp lửa có người trông.

Bếp lửa vẫn rực

Gia tài "Cường béo" để lại chỉ có bốn bức tường treo đầy những tấm giấy khen, ngay cả căn nhà chưa tới 20 m2 cũng là đi thuê. Chị Tuyết Lan - vợ anh Cường cùng các con đang phải đi ở nhờ nhà người quen vì căn nhà mà vợ chồng chị thuê của bác ở Q.1, TP.HCM bị phong tỏa.

Ngay sau khi được xuất viện, lo đám tang cho anh Cường xong, chị Lan đã bắt đầu lại các hoạt động thiện nguyện. Trong điều kiện giãn cách, chưa thể mở lại quán cơm, chị đã mua nhu yếu phẩm rồi đến những vùng người dân còn khó khăn ở tâm dịch phát tặng, chia đều cho mọi người. Ngoài quán cơm chay ở Q.1, anh chị còn mở thêm một quán nữa ở Q.7. Chị Lan cho biết, hết dịch quán hoạt động trở lại bình thường tại Q.1, còn bên Q.7 họ đã lấy lại mặt bằng.

Từ khi trở về từ bệnh viện, dù chưa thực sự hồi phục sau khi nhiễm Covid-19, chị Lan vẫn hiếm khi có mặt ở nhà. Xuất viện được 2 ngày, chị quyết định tiếp tục các hoạt động từ thiện mà trước đó chồng còn dang dở. Chị Lan mua gạo, phát cơm, tặng rau, đồ dùng cần thiết… cho người khó khăn.

"Đó là ước muốn và tâm nguyện suốt một đời của anh Cường", chị Lan nói rồi lấy khăn lau tấm bảng ghi chữ: "Cường Béo - Quán cơm chay xã hội tự chọn" treo trước nhà.

Khi TP.HCM "bình thường mới", nhiều bà con, anh chị em ở các tỉnh từng hoạt động thiện nguyện với anh đã đến nhà thắp nhang tưởng nhớ anh.

Thực hiện di nguyện của chồng, chị Lan trở lại con hẻm nhỏ tìm cách đỏ lửa quán cơm chay. Chị lụi cụi dậy từ 4 giờ sáng nhóm lửa, nấu cơm, nhặt rau, lên món rồi làm liên tù tì cho đến 9, 10 giờ đêm. Khi mệt, chị mắc chiếc võng cạnh góc bếp nằm nghỉ ngơi, lúc nào khỏe, chị lại dậy nấu nướng. Chị bảo, mấy bữa nay nấu ít chứ hồi dịch bùng phát, mỗi ngày chị nấu cả ngàn suất cơm để anh đi phát cho mọi người trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Thứ bảy, chủ nhật, chị lại đi nấu từ thiện cho các trại trẻ mồ côi, chùa chiền, bệnh viện…

Thời điểm trước dịch, túi tiền của người dân còn khá, họ ít vào quán chị ăn. Bây giờ kinh tế khó khăn, người vào ăn ngày càng đông và đa dạng. Trước đây, mỗi ngày chị nấu 30-40 ký gạo, còn bây giờ mỗi ngày chị nấu 50 - 60 ký gạo. Lúc còn sống, anh Cường lo mọi thứ, từ điện, nước, than củi, nguyên liệu đầu vào cho đến chợ búa, phát cơm, chị chỉ việc đứng nấu. Anh mất rồi, chị phải gồng gánh gấp đôi. Chị tìm mọi cách xoay xở, tằn tiện từng cọng rau, lon gạo. Những quán cơm khác, người ta có nhà hảo tâm tài trợ, giá cả lên xuống đã có người đỡ đần, còn quán chị, chỉ có mỗi mình chị làm nên rất khó khăn, chật vật.

Khó khăn nhất của quán bây giờ là kinh phí hoạt động. Quán của chị là quán cơm chay xã hội, mọi người vào ăn trả tiền tùy tâm. Trong khi vật giá ngày một "leo thang", nhiều lúc tiền cơm không đủ tiền chợ. Để duy trì được quán, nhiều bữa chị phải mua thiếu dầu ăn, rau củ, còn gạo cơm thì nợ "gối đầu" thường xuyên. Đợt nào thiếu nhiều quá thì chị phải đi làm thêm, dọn dẹp nhà cửa cho người ta kiếm tiền hôm sau đi chợ. Chị nói, bây giờ mình còn sức khỏe, mình ráng làm để duy trì quán được ngày nào hay ngày đó, nhưng thực tế chị đã lâm vào cảnh vô cùng quẫn bách, cần các mạnh thường quân dang cánh tay trợ giúp.

Thông qua cuộc thi viết Sống đẹp 3, dù trúng giải hay không, tôi cũng mong muốn kêu gọi các nhà hảo tâm thành lập quỹ Vũ Quốc Cường, hằng năm ban phát tiền thưởng và kỷ niệm chương cho những điển hình thiện nguyện, sống đẹp sẽ trường tồn trong lòng nhân dân thành phố!

Sao băng đã rớt, ngọn lửa vẫn rực - Ảnh 4.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.